Giai thoại múa lân ngày Tết

Kỳ lân là con vật thần thoại, đứng đầu trong các loài động vật có lông (mao), sắc vàng, mình nai, đuôi trâu, sừng có thịt, móng chân tròn, không dẫm lên cỏ tươi, không ăn thịt sống, gặp đời vương giả rất nhân đức mới xuất hiện (thời Khổng Khưu chẳng hạn). Con đực gọi kỳ; con cái gọi lân. Múa lân là múa con cái, dụng ý chúc mừng sinh sôi nẩy nở mãi.

Giai thoại múa lân ngày Tết
Ngày Tết thiêng liêng người ta múa lân để nói lên khát vọng ấy. Trước khi đi múa chào khắp mọi nhà, đội lân thường múa chào tại các công môn, ngụ ý chúc mừng những người đang trị vì thiên hạ được vững bền, quốc gia thịnh trị. Kinh Thi: “Chân con lân, trán con lân, sừng con lân, công tử có nhân, công tôn công tộc có nhân, con lân, chừ con lân”.
Giai thoại múa lân ngày Tết ảnh 1
Múa lân (tranh dân gian, nguồn st)
Người ta múa lân theo tiếng trống thôi thúc, vui nhộn đặc trưng, gọi là trống lân (loại “cổ bề”), thân trống bằng ván gỗ khép tròn, hai đầu bịt da, giữa mặt trống có vẽ biểu tượng “lưỡng nghi” hình tròn, có đường cong như chữ S chia hình tròn ấy thành hai phần giống đều nhau, mỗi phần có một điểm trắng nhỏ ở đầu lớn, một bên sơn màu đỏ (dương), một bên sơn màu đen (âm). Âm dương tượng trưng cho trời đất. Dùng hai dùi gỗ đánh lên, mặt trống rung động hòa với nhịp khua vang của bộ chập chỏa bằng đồng thau (hai mâm đồng thau hình tròn như nhật nguyệt, chập vào nhau) tất cả đều chuyên chở một ý nghĩa rất thâm sâu huyền diệu, như một sự đánh thức cả “sơn hà xã tắc” cùng đón lấy niềm vui mừng quốc gia thái bình, thịnh trị.
Con lân, được những người “thợ mã” bồi bằng giấy (phần cái đầu), mình và đuôi chỉ là một tấm vải dài, căng cột theo sau. Người múa chui đầu vào đầu lân, dùng hai tay điều khiển (nâng bộ sườn bằng tre, rất cứng chắc ở phía trong), một người khác chui đầu vào phần cuối của tấm vải, cũng dùng hai tay “giũ đuôi” ăn ý theo người múa đầu và nhịp nhàng theo tiếng trống nhạc. Sau, người ta làm con lân có cả mình và đuôi y như mình và đuôi con ngựa, gọi lân mã (đầu lân mình ngựa, có vảy như cá chép vượt vũ môn, biểu thị cho sự thăng tiến, thành đạt), trên lưng con vật có mang hộp “Hà đồ” hình bát quái và cây gươm. Để đáp ứng thị hiếu người thưởng ngoạn, người ta thấy hình thể một số con lân múa trong ngày Tết đã phần nào biến dạng: có đủ quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa.
Giai thoại múa lân ngày Tết ảnh 2
Múa lân mẫu xuất lân nhi (Ảnh: N.H.H)
Một số nơi người ta thay lân bằng sư tử (bắt chước trò giải trí cung đình triều Nguyễn), hoặc rồng (bắt chước Triều Tiên, Nhật Bản…), gọi múa sư tử, múa rồng, khá hoành tráng. Lúc đầu chỉ múa đơn lẻ từng con một, về sau người ta thường thấy biểu diễn từng cặp nhiều hơn, có cả lân con, mới đẻ, gọi “Lân mẫu xuất lân nhi” diễn tả tình phu thê đầm ấm, tình mẫu tử nồng nàn: chậm chạp, nhẹ nhàng, thong thả chứ không diễu võ dương oai, đạp pháo, leo cột … Điệu múa cung đình rất đặc trưng, trông rất ngộ nghĩnh.
Múa lân mừng xuân, chúc Tết là cả một nghệ thuật rất điêu luyện và gan góc đáo để, bởi do có một số hộ cắc cớ, treo tiền thưởng quá cao nên buộc lòng đội múa phải ứng biến bằng cách, cùng kê vai nhau để đồng đội đứng lên, thành nhiều tầng, có khi cao đến 5, 7 mét; hoặc người múa phải trổ tài “độ” một hơi cho cạn hết hơn nửa thau rượu bia, do những người chủ nhà tốt bụng khoản đãi; có khi phải lăn xả vào hàng chục thước pháo đang nổ giòn giã, khói bay mịt mù! “Lân gặp pháo” thì phải mừng, nhưng mừng mà không khéo (múa chậm” thì lân cháy râu, địa cháy bụng, chớ chẳng chơi!).
Giai thoại múa lân ngày Tết ảnh 3
Trẻ con rất khoái múa lân (Ảnh: N.H.H)
Vấn đề màu của râu lân cũng rất hệ trọng, không phải ai muốn làm râu lân màu gì thì làm bởi, múa lân là múa theo những bài bản đầy tính võ thuật, nên đội lân nào cũng gồm toàn những người có số vốn võ nghệ nhất định. Người ta phân biệt lân hay dở, chiến hay không là ở bộ râu. Lân râu bạc (trắng) là gồm những tay múa có võ nghệ đầy mình. Kế đến là lân râu hoe hoe (muốn làm “anh chị” nhưng còn nhợn “đại ca”). Lân râu xanh hay đen là tự xếp mình thuộc lớp đàn em để các loại lân kia thương mà không ăn hiếp.
Chuyện xưa còn kể rằng, nếu có hai con lân râu bạc hoạt động cùng một địa bàn thì nhất định sẽ một mất một còn vì, “trời cản” họ cũng đấu nhau bằng võ lực (thông qua hình thức múa trên “tinh thần thượng võ”). Những cuộc đụng độ này có khi đưa đến sự đáng tiếc vì, mọi thành viên trong đội đều là những tay rất đáng gườm. Việc ai nấy làm, tay trống, chập chỏa thì đánh thúc xông trận; ông Địa tuy lúc nào cũng cười chành bành cái miệng và nhảy cà tửng, nhưng lại là người chỉ đạo võ thuật trực tiếp; còn ông Tề thì nhất định là rất nguy hiểm bởi lúc nào cũng múa may cây thiết bảng vù vù như chỗ không người! Kẻ hiếu kỳ chen lấn nhau xem, nhưng ai cũng thủ thế “vọt” nếu thấy bắt đầu có … máu chảy!
Cuộc thư hùng như vậy dường như chỉ xảy ra có một lần duy nhất ở vùng Chợ Lớn thời còn thuộc Pháp với con lân “Cầu Xây” râu bạc nổi tiếng, thắng cuộc. Từ đó về sau không thấy tái diễn vì, trước hết, đầu năm mà gay cấn nhau là điều tối kỵ, tốt nhất là nên thương thảo, phân vùng để múa “hốt bạc ba ngày Tết” – một năm mới có một lần!
Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ