Giải thể các Ban Chỉ đạo để bớt... họp

GD&TĐ - UBND TP.HCM vừa lập ban biên soạn đề án chế độ hội họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Mục tiêu của đề án tìm ra giải pháp để giảm số lượng cuộc họp ở các cơ quan hành chính, dành thời gian nhiều hơn để cán bộ, công chức đi cơ sở. Trong trường hợp cần phải họp thì cũng tổ chức ngắn gọn, đúng giờ, đúng thành phần để đạt hiệu quả.

Ảnh minh họa, theo Dân trí
Ảnh minh họa, theo Dân trí

Có thể nói hiện nay có rất nhiều Ban chỉ đạo, Hội đồng (sau đây gọi chung là BCĐ) được thành lập từ trung ương cho đến tận cơ sở. Ở mỗi cấp đều có các BCĐ khác nhau. Hầu như ngành, lĩnh vực nào cũng có dù ít hay nhiều, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ được giao.

Có thể khẳng định rằng nhiều BCĐ hoạt động không hiệu quả, hình thức, lãng phí ngân sách và thời gian của cán bộ, công chức. Thậm chí, không ít BCĐ đôi khi còn làm cho công việc bị đình trệ, chậm trễ. Cụ thể đó là các trường hợp quy định phải có ý kiến, chỉ đạo của BCĐ, trong khi BCĐ lại chưa họp được! Vì vậy mà không thể triển khai các nội dung công việc có liên quan.

Hình thức hoạt động đặc trưng của các BCĐ là... họp! Đầu năm họp triển khai, giữa năm họp sơ kết, cuối năm tổng kết. Chưa kể các cuộc đột xuất, bất thường...  Nhiều khi không có nội dung, mục đích gì cũng họp, gọi là cho... có hoạt động!

Bên cạnh đó, nhiều BCĐ không có bộ phận thường trực chuyên trách nên giao luôn mọi việc cho cơ quan chủ trì còn các cơ quan phối hợp chỉ định kỳ đến... họp. Ngoài ra, nhiều BCĐ có chức năng, nhiệm vụ tương tự dẫn đến chồng chéo, trùng lặp khi triển khai nhiệm vụ được giao.

Một số chức danh kiêm nhiệm, làm thành viên của nhiều BCĐ nên nhiều khi không quán xuyến, theo sát được công việc, thậm chí có vị khi nhận giấy mời họp nhưng không biết mình đang là thành viên của BCĐ đó!

Thiết nghĩ, họp là cần thiết để bàn bạc, trao đổi và có kết luận, thống nhất để triển khai. Tuy nhiên, hội họp quá nhiều, nhất là cuộc họp của các BCĐ không cần thiết, “vô thưởng, vô phạt” đang gây lãng phí cho xã hội.

Cần giải thể, sáp nhập các BCĐ không cần thiết. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tiết kiệm ngân sách, đặc biệt là hạn chế việc họp hành quá nhiều lãng phí thời gian của các cơ quan hành chính để tập trung nguồn lực vào công việc chuyên môn được giao, thiết thực phục vụ người dân, tổ chức.                          

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.