Đó cũng là giải pháp động viên, khuyến khích thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề
Trở về sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Giàng Văn Nhữ (23 tuổi, huyện Bát Xát, Lào Cai) đã tìm được công việc sửa chữa ô tô tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Được biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nhữ làm công việc tự do. Được gần 1 năm, Giàng Văn Nhữ được gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự.
“Thời gian đầu tôi khá hoang mang, lo lắng suy nghĩ về việc sau khi ra quân sẽ làm gì. Tôi lo vì bản thân không có trình độ học vấn cao, lại đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, ra trường mà đi học rồi mới tìm việc làm thì không biết có muộn quá không. Hơn nữa, chi phí đào tạo cũng là vấn đề với tôi vì gia cảnh không dư giả”, anh Nhữ chia sẻ.
Cũng chung mối quan tâm về vấn đề việc làm sau khi xuất ngũ, anh Hứa Văn Tuyền (26 tuổi, quê Yên Bái) chia sẻ, trước khi nhập ngũ anh làm thợ phụ công trình cho chủ thầu ở quê. Tính chất công việc nặng nhọc, lương không cao, vì vậy anh Tuyền không muốn tiếp tục làm công việc này sau khi xuất ngũ. Ban đầu, anh Tuyền dự định sẽ đi xuất khẩu lao động, nhưng lại lo lắng vì khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.
“Rất may mắn, khi vẫn đang loay hoay lo lắng về vấn đề đó, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, chúng tôi được nhiều cơ sở đào tạo nghề tới phối hợp tư vấn, hướng nghiệp. Vì vậy tôi cũng phần nào có được định hướng riêng cho mình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được phát thẻ học nghề, có trị giá bằng 12 tháng lương cơ sở, hiệu lực 1 năm kể từ ngày xuất ngũ. Dự định của tôi sau khi xuất ngũ là đi học nghề sửa chữa điện tử. Học nghề có thời gian đào tạo ngắn, thiết thực. Tôi tin rằng sau khi trở về địa phương không lo thiếu việc để làm”, anh Tuyền chia sẻ.
Lo lắng của anh Nhữ, anh Tuyền cũng là mối quan tâm chung của nhiều thanh niên đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trở về cuộc sống đời thường sau hai năm trong quân ngũ, thanh niên sẽ gặp khó khăn nhất định. Xác định rõ vấn đề này, các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để bộ đội xuất ngũ sớm ổn định cuộc sống, xây dựng tương lai. Điều này cũng góp phần thực hiện tốt công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ hằng năm, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Tránh lãng phí nguồn nhân lực
Theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (ngày 9/7/2015) của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Thông tư số 43/2016/TT-Bộ LĐ-TB&XH (ngày 28/12/2016) thì: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp trong thời hạn 12 tháng (kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước) mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp.
Sở LĐ-TB&XH các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn (trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương) thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.
Như vậy, có thể thấy, việc bộ đội xuất ngũ được hỗ trợ học nghề miễn phí đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Điều này góp phần giải quyết việc làm có hiệu quả sau khi công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Đô, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, bộ đội ra quân là nguồn lao động có ý thức tổ chức kỷ luật, có sức khỏe tốt, phù hợp với nhiều vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu về khả năng tiếp thu, kỹ năng phục vụ công việc.
“Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên phong cách làm việc công nghiệp mà các chủ doanh nghiệp luôn mong muốn. Vì vậy tỉnh Lào Cai luôn chú trọng công tác phối hợp cùng các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề. Đó là phối hợp tổ chức các buổi tư vấn nhằm định hướng nghề nghiệp cho quân nhân khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Đại tá Nguyễn Văn Đô, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai nói.
Thực tế, dù Nhà nước và chính quyền các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, nhưng khi triển khai còn vấp phải không ít khó khăn.
Theo ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch, hiện tại trường chưa có trường hợp sinh viên nào là bộ đội xuất ngũ. Về nguyên do, ông Khải cho rằng, thẻ đào tạo nghề chỉ có giá trị sử dụng 1 năm kể từ ngày cấp, vì vậy phù hợp với những ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn trong khoảng vài tháng, kết thúc khoá đào tạo người học sẽ trở về địa phương tìm việc làm ngay. Còn đối với hệ cao đẳng, thời gian học dài hơn nên ít được người lính xuất ngũ lựa chọn.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp triển khai chính sách có hiệu quả.