Giải quyết khủng hoảng nhà cho du học sinh thuê thế nào?

GD&TĐ - Vì thiếu nhà ở cho thuê, nhiều quốc gia phải giới hạn số lượng sinh viên quốc tế.

Giới hạn sinh viên quốc tế không thể giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.
Giới hạn sinh viên quốc tế không thể giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.

Vì thiếu nhà ở cho thuê, nhiều quốc gia phải giới hạn số lượng sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục không đồng tình với quan điểm này và gợi ý những phương pháp thay thế.

Hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Cơ sở hạ tầng và Cộng đồng Canada, ông Sean Fraser cho biết nước này có thể hạn chế số lượng sinh viên quốc tế để giảm bớt áp lực cho tình trạng thiếu nhà ở. Trước đó, năm 2022, Hà Lan cũng ban hành khuyến nghị tương tự.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia lưu trú nói với tờ The Pie rằng việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế không thể giải quyết vấn đề nhà ở.

Bà Kelly-Anne Watson, Giám đốc Điều hành Tổ chức đối phó với khủng hoảng nhà ở sinh viên Class Foundation, cho biết, mặc dù việc giới hạn sinh viên quốc tế có thể giải phóng một số lượng nhà ở nhưng đây chỉ là “giải pháp tạm thời”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Dan Smith, Giám đốc Công ty Tư vấn nhà ở sinh viên ở Anh, chia sẻ: Trong bối cảnh khủng hoảng tài trợ trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Anh, việc giới hạn sinh viên quốc tế làm hạn chế nguồn tiền đi kèm và gây bất lợi cho nhiều trường đại học.

Đã có nhiều tin đồn rằng sinh viên quốc tế sẽ “đá” sinh viên địa phương khỏi các trường đại học nhưng điều này chưa từng xảy ra. Thậm chí, sinh viên quốc tế còn bỏ nhiều tiền hơn để thuê nhà trọ.

Các chuyên gia nhấn mạnh ở các quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nhà ở, các hội đồng địa phương, trường đại học, nhà quy hoạch nhà ở cho sinh viên cần hợp tác chặt chẽ, minh bạch hơn. Tuy nhiên, phần lớn đều đồng tình rằng vai trò quan trọng nhất đến từ chính phủ.

Đơn cử tại Anh, ông Smith nhận định: Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ cần cung cấp một kế hoạch chi tiết cho chiến lược nhà ở sinh viên để chính quyền địa phương, các trường đại học và các bên liên quan áp dụng ở cấp địa phương. Nhưng cho đến nay, cả hai đảng của Anh đều chưa có động thái quyết liệt để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở sinh viên.

Trong khi chờ đợi chính phủ thực hiện cải cách, các địa phương có thể tạo ra tác động đáng kể. Lấy ví dụ trường hợp của tỉnh British Columbia, Canada. Tỉnh này đã xây dựng chiến lược nhà ở liên kết nhà ở cộng đồng với chỗ ở sinh viên. Sinh viên thay vì ở trong ký túc xá của các trường đại học, vốn đã kín chỗ, có thể đăng ký thuê phòng ở những khu vực nhà ở cộng đồng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ cho các trường đại học vay lãi suất thấp và trợ cấp để xây dựng ký túc xá gần trường, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng của những ký túc xá đang sử dụng... Tỉnh British Columbia cũng có kế hoạch bổ sung hơn 8.000 giường vào năm 2028.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, nhà ở là vấn đề quan trọng nếu các nước muốn thu hút giáo dục quốc tế. Một nghiên cứu gần đây của Class Foundation cho thấy mức độ hài lòng của sinh viên quốc tế có liên quan trực tiếp đến chỗ ở. Bởi vì việc có chỗ ở an toàn khiến họ cảm thấy tin tưởng hơn vào phúc lợi của quốc gia du học đối với sinh viên quốc tế.

Do đó, trọng tâm để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở không nằm ở sinh viên quốc tế. Trái lại, chính phủ, chính quyền các địa phương cần tìm ra phương án cải thiện vấn đề trong quốc gia.

“Sinh viên quốc tế đóng góp nguồn tài chính đáng kể cho nền kinh tế địa phương thông qua học phí, chi phí nhà ở và các chi phí liên quan khác. Dòng tài chính này hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng, từ đó gián tiếp mang lại lợi ích cho người dân địa phương”, bà Kelly phân tích.

Theo The Pie

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ