Thưa ông, ngành nghề đào tạo của ĐH ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên đã bắt đầu đa dạng, phù hợp với nhu cầu nhân lực ngày càng phong phú, có thể tạm yên tâm để cung ứng cho hoạt động sản xuất công nghiệp truyền thống. Thế nhưng, có một thực tế là chất lượng của số lao động được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của các khu công nghệ cao?
Đúng là lực lượng lao động này có tính đặc thù với những đòi hỏi khắt khe hơn nhiều so với lực lượng lao động phổ thông và vì vậy không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể đào tạo được. Đặc thù này liên quan đến ngành nghề và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực. Nhân lực cho khu công nghệ cao là đội ngũ có khả năng tư duy năng động, luôn sáng tạo và phát triển sản phẩm mới.
Chính vì vậy, ĐH Đà Nẵng đã điều chỉnh chiến lược, đề ra mục tiêu và giải pháp nhằm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ hữu cơ, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của cả hai bên. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với Nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn SV thực hành để sớm tiếp cận công nghệ mới ngay trên giảng đường, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, giảm bớt thời gian, chi phí đào tạo lại để SV khi ra trường có thể hòa nhập, thích ứng nhanh với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp.
Từ vài năm trở lại đây, các hoạt động đổi mới-sáng tạo trở thành nếp văn hóa của các trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng. Những chuyển động tích cực, nhộn nhịp trong hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của Thầy và trò ĐH Đà Nẵng thời gian qua đã cho thấy thành công bước đầu của chiến lược này. Số công trình, giải thưởng, công bố quốc tế về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của giảng viên, SV tăng mạnh. Ngày càng xuất hiện nhiều ý tưởng, sản phẩm KHCN có tính ứng dụng, hữu ích, thiết thực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
ĐH Đà Nẵng đã và đang triển khai mạnh mẽ các thỏa thuận hợp tác với các địa phương như Kon Tum, Quảng Ngãi và cuối năm 2019 vừa qua là ký kết hợp tác toàn diện với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, theo đó phối hợp với các sở (Giáo dục và Đào tạo, Khoa học Công nghệ vầ Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật) để vun đắp “nền móng” giáo dục STEM, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho học sinh, SV để các em sớm tiếp cận tri thức, công nghệ và các phương pháp dạy-học tích cực ngay từ bậc học phổ thông…
Sự kết hợp giữa "ba nhà" nhà nước – doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhân lực nên như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa “Ba nhà”: Doanh nghiệp dự báo, đặt hàng nhu cầu nhân lực; Nhà nước dự báo, quy hoạch các dự án đầu tư trọng điểm; Nhà trường xác định ngành nghề, chỉ tiêu và tập trung đào tạo có địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực, có lộ trình, phân kỳ đối với mỗi dự án trọng điểm, gắn với các địa chỉ “khát” nhân lực chất lượng cao, các đề án, dự án trọng điểm mà thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang xúc tiến, triển khai.
Trong quá trình đào tạo, ĐH Đà Nẵng đã có sự điều chỉnh, từ đào tạo nhắm đến việc làm sẵn có sang hun đúc tinh thần khởi nghiệp – đổi mới, sáng tạo. Đó chính là đào tạo nên thế hệ sinh viên mới có đủ phẩm chất, tư duy sáng tạo, có năng lực làm việc tự chủ, có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo để không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn đem lại nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp vì cộng đồng.
Về ngành nghề đào tạo, ĐH Đà Nẵng định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa Khoa học Công nghệ-Kỹ thuật và Toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, bám sát các lĩnh vực, ngành nghề mà các địa phương trong vùng đang tập trung ưu tiên phát triển.
Xin cảm ơn PGS.TS!