Giải pháp tháo gỡ khó khăn việc làm cho người tốt nghiệp ĐH, CĐ

GD&TĐ - Cử tri quan tâm đặt câu hỏi về vấn đề việc làm cho người tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đã nhận được nội dung trả lời cụ thể.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn việc làm cho người tốt nghiệp ĐH, CĐ

Cử tri hỏi:

Có thông tin còn trên 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học chưa có việc làm, lãng phí rất lớn đến nguồn lực của gia đình và xã hội. Đề nghị Bộ trưởng nguyên nhân, giải pháp xử lý, khắc phục thực trạng trên.

Bộ trưởng trả lời:

Nói đến việc làm nói chung và việc làm cho sinh viên tốt nghiệp nói riêng là nói về thị trường lao động, với các vấn đề cung - cầu nhân lực và các thể chế, tổ chức trung gian.

1. Về một số hạn chế trong cung ứng nhân lực:

- Trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu xã hội. Thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng trong giai đoạn 2006 - 2011;

- Quy trình mở trường, cấp phép hoạt động còn thiếu các quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có cơ sở đào tạo chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên vẫn được phép hoạt động, làm cho chất lượng đào tạo thấp. Điều đó đã làm cho số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng mà chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện.

- Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo theo khả năng của mình, chưa chú ý đến nhu cầu nhân lực của xã hội, địa phương.

- Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học – công nghệ; văn hóa – xã hội trong khu vực và trên thế giới; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học;

- Thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh, hiệu quả để thu hút nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đại học trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước vừa thiếu vừa dàn trải, mang tính bình quân, không gắn kết với chất lượng đào tạo của nhà trường, không tạo động lực để nhà trường nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Những hạn chế, yếu kém trên đã dẫn đến quy mô tuyển sinh (và theo đó là quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm) tăng nhanh, trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và không được chú ý nâng cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém trên đây.

Ý thức được trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số việc như sau:

- Thay đổi mô hình phát triển giáo dục đại học từ chú trọng phát triển số lượng sang mô hình chú trọng chất lượng và hiệu quả. Cụ thể:

+ Chủ động rà soát và kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cho phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương. 

(Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020; theo đó điều chỉnh chỉ tiêu sinh viên/ 1 vạn dân từ 450 xuống còn 256; điều chỉnh giảm số lượng trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 còn 460 trường)

+ Đề nghị các bộ, ngành và địa phương rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

+ Dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng từ nay đến năm 2015 (Công văn số 1352/BGDĐT-GDĐH ngày 19/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

+ Dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở các khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Phối hợp với các bộ, ngành để mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội ( Như: Hộ sinh (trình độ cao đẳng); Năng lượng nguyên tử, Thương mại điện tử, An ninh mạng, quản lý thủy sản…)

+ Tách bạch thủ tục và quy trình thành lập trường thành 2 giai đoạn: Quyết định thành lập và cho phép hoạt động đào tạo; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường một cách chặt chẽ, không để tình trạng trường mới thành lập không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ giảng viên được hoạt động đào tạo.

Từ năm 2006 đến năm 2011 cả nước thành lập và nâng cấp 188 trường đại học và cao đẳng (trong đó 89 đại học, 99 cao đẳng) - tính trung bình mỗi năm thành lập 31 trường.

Trong 2 năm 2012, 2013 số lượng trường trường đại học, cao đẳng thành lập đã giảm đáng kể (năm 2012 thành lập 3 trường đại học và 3 trường cao đẳng, trong đó có 2 trường của ngành Công an; năm 2013 thành lập 8 trường đại học, 4 trường cao đẳng, trong đó có 2 trường cao đẳng của Công an, 2 trường đại học của Quân đội.

- Thực hiện đổi mới công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (chính quy, vừa học vừa làm), thạc sỹ, tiến sỹ trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo (đội ngũ giảng viên cơ hữu, diện tích sàn xây dựng).

Trong giai đoạn 2006 - 2010 chỉ tiêu tuyển mới đại học, cao đẳng chính quy tăng bình quân 15%/năm (trong đó đại học tăng 11%, cao đẳng tăng 20%.

Trong giai đoạn 2011 - 2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường đại học, cao đẳng đã giảm bình quân 2,5%/năm , hệ vừa học vừa làm giảm bình quân 18%/năm). 

Điều chỉnh quy mô đào tạo của từng nhóm ngành cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của từng lĩnh vực kinh tế và các địa phương (Năm 2013 đã áp dụng đối với ngành khoa học sức khỏe và sư phạm).

- Tạm dừng việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp cử nhân muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông từ năm 2014.

- Chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo. 

Triển khai xây dựng một số trường đại học xuất sắc, chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE)...

- Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong các trường đại học, cao đẳng: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ. 

Từ năm 2011 đến nay, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng; (Năm 2011: 13.892 tăng so với 2010 là 10,5%; năm 2012: 15.174, tăng so với năm 2011 là 9,2%; năm 2013: 16.530 tăng so với năm 2012 là 8.9%). 

Tham mưu ban hành một số chính sách có tính chất đột phá cho đội ngũ giảng viên (Kéo dài thời gian làm việc của giảng viên có trình độ tiến sĩ và học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư; chính sách về lương đối với Phó Giáo sư, Giáo sư).

Đồng thời, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên cơ hữu của từng trường theo ngành đào tạo làm cơ sở quản lý và sắp tới sẽ công bố công khai cơ sở dữ liệu này để xã hội giám sát.

- Thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, công khai kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; 

Tham gia mạng lưới kiểm định khu vực và quốc tế (Hiện có 5 thành viên tham gia Mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; 6 thành viên tham gia Mạng lưới chất lượng châu Á – Thái Bình Dương; 2 thành viên tham gia Mạng lưới chất lượng ASEAN và 3 thành viên tham gia Mạng lưới các trường đại học ASEAN).

- Tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, các ngành đào tạo; kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở không đảm bảo chất lượng;

Cụ thể: Năm 2010, Bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu.

Năm 2012, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phụ được tình trạng thiếu giảng viên

Năm 2012: Dừng tuyển sinh 161 ngành đào tạo ThS của 50 cơ sở đào tạo.

Năm 2013, Bộ dùng tuyển sinh đối với 207 ngành đào tạo trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo.

Năm 2014, Bộ tiếp tục rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của hệ cao đẳng.

Cùng đó, phối hợp với các địa phương để giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư (đất đai, giảng viên cơ hữu…).

- Đã trình Thủ tướng đề án Thí điểm tự chủ tài chính cho 4 trường đại học và đang xây dựng đề án Đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, làm cơ sở đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong thời gian tới theo hướng tự chủ về tài chính; 

Tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, điều chỉnh mức học phí, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo để đảm bảo chất lượng và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

- Thành lập Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các cơ sở đào đạo với các đơn vị sử dụng lao động.

- Tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về thị trường lao động kết hợp với việc quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế theo từng giai đoạn, theo ngành nghề và từng trình độ đào tạo. 

Tăng cường cảnh báo về dấu hiệu “bão hòa” nhân lực ở một số ngành/lĩnh vực (Như: kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng. Thực tế trong những năm qua  (2012, 2013, 2014) số thí sinh đăng ký vào các ngành này giảm 10% mỗi năm);

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, tổ chức điều tra về việc làm, hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học cao đẳng, giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở đào tạo triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội, tạo sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động.

Ví dụ: Đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác với một số tập đoàn và tổng công ty nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho sự gắn kết này như thoả thuận giữa Bộ GDĐT với Viettel, Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Dầu khí.... ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Nhật Bản và đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để ký kết với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc. 

Theo thỏa thuận, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước ký kết sẽ hỗ trợ cho sinh viên trong bố trí nơi thực tập, chi trả lương trong thời gian thực tập, ưu tiên tuyển dụng khí tốt nghiệp và hỗ trợ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo).

Xây dựng tiêu chí và chỉ số đánh giá công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực.

Với những giải pháp đã áp dụng nêu trên, từ năm 2011 quy mô tuyển sinh đại học đã giảm dần và đi vào thế ổn định (không tăng trưởng nóng nữa), chất lượng giáo dục đào tạo có có sự chuyển động tiến bộ: 

Theo bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World University Rankings) năm 2014, lần đầu tiên, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được lọt vào danh sách, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 161-170, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm 191-200 và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300. Hai năm trước đây, Việt Nam chỉ mới có Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp trong nhóm 201-250.

2. Để giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp, xin phép trao đổi thêm một số ý kiến về các vấn đề liên quan khác: 

- Thị trường lao động của Việt Nam đã được hình thành nhưng còn sơ khai, chưa có đủ thể chế để hoạt động hiệu quả. Các trung tâm hỗ trợ tìm kiếm việc làm, sàn giao dịch việc làm… tuy đã được thành lập ở các địa phương, có nhiều cố gắng trong hoạt động nhưng chưa trở thành kênh kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa các nhà sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và người lao động.

Các nhà sử dụng lao động chưa tích cực, chủ động phối hợp với các nhà trường để đặt hàng đào tạo; người lao động, trong đó có sinh viên tốt nghiệp chưa có thói quen tìm việc trên các sàn giao dịch việc làm. 

- Việc quy hoạch phát triển nhân lực của các địa phương, bộ/ngành còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế, dẫn đến công tác thông tin và dự báo (tăng, giảm) nhu cầu sử dụng lao động (theo ngành nghề và trình độ đào tạo) gặp nhiều khó khăn, chưa được thực hiện thường xuyên và kịp thời.

- Cùng với việc nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu về nhân lực trên thị trường lao động rất đa dạng, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và thường xuyên thay đổi theo tình hình phát triển kinh tế của đất nước. 

Thực tế những năm vừa qua, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, nên nhu cầu nhân lực giảm mạnh.

- Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tâm lý “chuộng bằng cấp”; còn phổ biến thói quen “đi xin việc”, “tìm việc” sau khi tốt nghiệp ra trường vào các cơ quan nhà nước, ở tại các thành phố lớn mà chưa có ý trí, hoài bão “tự thân lập nghiệp”, tự mình tạo ra việc làm cho bản thân và xã hội.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành và các địa phương sẽ triển khai mạnh mẽ một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo hướng: Xây dựng cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn để hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập; Xây dựng cơ chế cho thuê cơ sở vật chất ở các cơ sở công lập sau khi quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường học; 

Xây dựng chính sách đảm bảo sự công bằng về hỗ trợ cho nhà giáo và sinh viên trong các cơ sở đào tạo, không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập.

- Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển kinh tế để tăng việc làm; hoàn thiện các thể chế, các yếu tố của thị trường lao động; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về thị trường lao động;

- Thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế, theo từng giai đoạn, theo ngành nghề và theo trình độ đào tạo… để làm cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống trường, quy hoạch ngành đào tạo, định hướng cho các cơ sở đào tạo xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo và người học có cơ sở lựa chọn ngành học.

- Thực hiện các giải pháp hữu hiệu để thu hút lao động qua đào tạo từ nơi thừa (các thành phố lớn, vùng đã phát triển) đến làm việc ở nơi có nhu cầu.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia và việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.  Thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại cho người lao động mất việc, chuyển nghề.

- Triển khai các đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW để góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ