Giải pháp ra đáp án, hướng dẫn chấm đề thi văn nghị luận xã hội

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Văn Song (Trường THPT Phù Cừ - Hưng Yên) cho rằng: Hướng dẫn chấm của một bài văn nghị luận xã hội vừa phải đảm bảo yêu cầu của một bài văn nói chung, vừa phải đảm bảo các thao tác làm văn nghị luận xã hội nói riêng. Với mỗi dạng bài lại có hướng ra đáp án khác nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hướng ra đáp án với dạng đề là một câu nói, đoạn thơ, mẩu chuyện

Với dạng đề này, thầy Nguyễn Văn Song chia sẻ hướng ra đáp án với các bước như sau:

Bước thứ nhất: Phải giải thích được mẩu chuyện, đoạn thơ, câu nói ấy muốn nói tới vấn đề gì.

Muốn giải thích được phải trả lời câu hỏi: Nói như thế nghĩa là thế nào? (giải thích)

Tuỳ theo từng yêu cầu cụ thể mà mức độ và cách giải thích có thể khác nhau. Có những đề bài, khâu giải thích có thể làm rất gọn gàng, đơn giản nhất là khi trong yêu cầu, nhận định không có những khái niệm phức tạp, khó hiểu hay những hình ảnh có khả năng khơi gợi những tư tưởng sâu xa nhưng lại có những đề bài, khâu giải thích rất công phu, phải giải thích cả nghĩa đen rồi sau đó suy ra nghĩa bóng.

Ví dụ: Anh, chị suy nghĩ như thế nào về câu nói sau: “Con tàu rất an toàn khi neo đậu ở cảng, nhưng người ta đóng tàu không phải vì mục đích đó”( Grace Hopper) . Đề bài này yêu cầu phải giải thích được nghĩa đen, nghĩa bóng của câu nói.

Nghĩa đen: Con người đóng tàu là để khám phá đại dương và thực hiện những mục đích lớn lao. Giá trị con tàu chỉ được khẳng định khi nó vượt qua phong ba, bão tố để thực hiện những mục đích ấy. Con tàu neo đậu ở bến cảng sẽ an toàn nhưng không có giá trị, không có ý nghĩa về sự tồn tại.

Nghĩa bóng: Câu nói khẳng định con người chỉ có giá trị, có ý nghĩa khi dám đối mặt với khó khăn, thử thách để thực hiện những mục đích, hoài bão, khát vọng lớn lao của mình. Đây chính là vấn đề cần nghị luận.

Bước thứ hai: Bình luận được vấn đề cần nghị luận được gửi gắm trong câu chuyện, đoạn thơ, câu nói.

Muốn thao tao này được tốt phải trả lời được câu hỏi: Nói như thế đúng hay sai? Tại sao đúng? Tại sao sai?

Vẫn với đề bài trên, đến bước hai này, có thể có những ý trong hướng dẫn chấm như sau:

Ý kiến trên là đúng vì: Khi phải đối mặt với khó khăn, con người sẽ bộc lộ được những khả năng, những giá trị còn tiềm ẩn;

Dám đối mặt với thử thách, con người mới đạt được những mục đích lớn, vì những mục đích lớn thường không dễ dàng thực hiện;

Không dám đối mặt với gian khổ, con người sẽ có cuộc đời êm ả những cũng chẳng thực hiện được những điều gì lớn lao, cuộc sống sẽ tẻ nhạt, vô vị.

Bước thứ ba: Cần phải chứng minh được tính đúng đắn hoặc sai lầm của vấn đề cần nghị luận. Phải trả lời được câu hỏi: Cơ sở nào chứng minh cho điều đó?

Thao tác này yêu cầu phải lấy được những dẫn chứng xác thực để chứng minh cho luận điểm của mình. Bài viết phải đưa ra được những dẫn chứng thì mới thuyết phục được người đọc.

Tuỳ từng đề bài mà có cách lấy dẫn chứng khác nhau: có thể lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống, trong các tác phẩm văn học, có thể chứng minh trực tiếp, có thể chứng minh bằng phản đề…

Với đề bài trên yêu cầu học sinh lẫn dẫn chứng về những con người đã dám đối mặt với khó khăn thử thách để khẳng định giá trị của bản thân.

Bước thứ tư: Bước này yêu cầu người viết phải rút ra cho mình bài học từ vấn đề cần nghị luận. Với đề bài trên, bài học cần rút ra là: Không ngại khó, ngại khổ để vươn lên trong cuộc sống; phê phán những người tìm lối sống hưởng thụ, an nhàn vô nghĩa.

Hướng dẫn chấm dạng đề về một hiện tượng đời sống

Thầy Nguyễn Văn Song cho biết, để ra được hướng dẫn chấm cho dạng đề này cần trả lời một số câu hỏi sau:

Câu hỏi: Hiện tượng đó là gì? Để trả lời được câu hỏi này, học sinh phải nêu được khái niệm các hiện tượng. Đây là cơ sở quan trọng để các em có thể trình bày quan điểm của mình theo đúng yêu cầu mà đề bài đặt ra. 

Có những hiện tượng diễn ra hàng ngày, rất quen thuộc với học sinh thì các em sẽ dễ dàng nêu được khái niệm. Ví dụ: hiện tượng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nghiện internet, bạo lực học đường…

Câu hỏi: Hiện tượng đó đang diễn ra trong cuộc sống ra sao? Tương ứng với câu trả lời này là việc nêu thực trạng của vấn đề. Đây là phần việc đòi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội sâu rộng để có thể nhận diện được thực trạng vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống như thế nào.

Đối với các hiện tượng tiêu cực trong đời sống như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, gian lận trong thi cử…, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh “mô típ” của việc nêu thực trạng là: hiện tượng đó đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, ngày càng phổ biến, đáng báo động và là nỗi quan tâm lo lắng của toàn xã hội.

Câu hỏi: Nguyên nhân của hiện tượng đó? Nêu được thực trạng của vấn đề thì phải giải thích được các nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. Có đưa ra được những nguyên nhân mới chứng tỏ được sự hiểu biết của mình về vấn đề một cách cặn kẽ, bài viết mới có sức thuyết phục.

Sau khi đưa ra các nguyên nhân, bài viết cần làm sáng tỏ vấn đề bằng cách trả lời câu hỏi: Hậu quả hay tác dụng của hiện tượng đó?

Nếu vấn đề cần nghị luận là hiện tượng tiêu cực của đời sống thì bài viết phải đưa ra hậu quả của hiện tượng. Ngược lại, nếu là hiện tượng tích cực phải nêu được tác dụng của hiện tượng.

Từ việc nêu hậu quả hay tác dụng của hiện tượng, bài viết cần đưa ra được các giải pháp qua việc trả lời câu hỏi thứ năm: Giải pháp để ngăn chặn hay đẩy mạnh hiện tượng đó?

Nếu vấn đề cần nghị luận là hiện tượng tiêu cực của đời sống thì bài viết phải đưa ra giải pháp để ngăn chặn. Ngược lại, nếu là hiện tượng tích cực phải nêu được giải pháp để thúc đẩy. Có thể căn cứ vào các nguyên nhân để nêu ra giải pháp.

Như ở trên đã nói, mục đích của kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống là tìm ra ý nghĩa về tư tưởng, đạo đức của hiện tượng nên bài viết cần trả lời câu hỏi tiếp theo: Suy nghĩ và hành động của bản thân với hiện tượng đó?

Phần này yêu cầu học sinh phải nêu được cảm nghĩ riêng của mình về hiện tượng đã nêu. Có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm để phần liên hệ được sâu sắc, thấm thía.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ