Giải pháp nào tạo sự trong sáng cho văn học dịch?

Giải pháp nào tạo sự trong sáng cho văn học dịch?

(GD&TĐ) - Văn học dịch và những giá trị mà nó mang lại đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam. Song những năm trở lại đây các tác phẩm nước ngoài được dịch ra tiếng Việt xuất hiện với tần xuất lớn nhưng nội dung  không được kiểm soát chặt chẽ đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền văn học trong nước.

Nếu như trước đây những tác phẩm được dịch từ tiếng nước ngoài chủ yếu là của Anh, Pháp, Trung Quốc thì bây giờ có xu hướng mở rộng về biên độ dịch. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngoài sự ảnh hưởng về vị trí địa lý thì yếu tố xã hội là một trong những nguyên do để các tác phẩm dịch có chỗ đứng trên văn đàn của một dân tộc nào đó. 

Sự ảnh hưởng trong một xã hội hiện đại về trào lưu tư tưởng cũng khiến cho độc giả lựa chọn phông văn hóa cho mình. Các tác phẩm được dịch trước đây chủ yếu đều là những tác phẩm kinh điển đã được khẳng định về giá trị ngay ở địa hạt mà nó ra đời. Có thể kể ra hàng loạt các phẩm: Những người khốn khổ, Không gia đình, Lão Hà tiện, Hăm lét, Tấn trò Đời, Tuyển tập Lỗ Tấn, Chiến tranh và hòa bình, Số phận con người, Người thầy đầu tiên… và nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Trải qua thời gian những tác phẩm này đã có chỗ đứng trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam và theo đánh giá những tác phẩm này được dịch rất cẩn thận không những chuyển tải được nội dung, không khí xã hội lúc đó mà cũng rất dễ hiểu với người đọc Việt Nam. Các tác phẩm dịch gắn liền với các dịch giả quen thuộc như  như Đỗ Đức Hiểu,  Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào, Dương Tường, Lê Hồng Sâm….

Những tác phẩm dịch hiện đang gây nhiều tranh cãi
Những tác phẩm dịch hiện đang gây nhiều tranh cãi

Dịch giả Lê Hồng Sâm chia sẻ tại Tọa đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản, trước đây thời gian mà các dịch giả dành cho việc dịch một tác phẩm được đầu tư nhiều vì vậy tuy có sai sót nhưng không đáng kể. Bà cho biết, khi hệ thống lại các tác phẩm dịch của Balzac tại Việt Nam, trách nhiệm với độc giả Việt Nam và Tổ chức nghiên cứu quốc tế về Balzac mà bà là thành viên đã xem xét rất kỹ: “Khi xem lại chúng tôi thấy, các lỗi rất ít. Ví dụ như cả cuốn "Miếng da lừa" do dịch giả Trọng Đức dịch, thì chỉ bị sót một chữ thôi và chữ đó không quan trọng. Tôi cho rằng sai ít như thế bởi vì các vị đó rất giỏi. Tuy rằng không có điều kiện sống ở Pháp, nhưng họ đã sống với nền văn hóa, cảm nghĩ, cuộc sống... trong các tác phẩm văn chương.”. Như vậy sự hiểu biết về văn hóa và xã hội chính là điều kiện để các dịch giả chuyển tải thành công tác phẩm nước ngoài đến độc giả trong nước. 

Hiện nay có hai xu hướng dịch đang tồn tại. Đó là dịch bản địa hóa và tiếp nhận ngoại lai. Mỗi một xu hướng lại có cách thức khác nhau. Dịch theo hướng bản địa hóa phù hợp với đối tượng độc giả có trình độ tiếp nhận hạn chế hơn. Còn dịch theo hướng ngoại lai lại hướng tới đối tượng độc giả có khả năng ngôn ngữ, kỹ năng đọc hiểu cao hơn. Theo các dịch giả cách dịch này sẽ làm phong phú thêm tiếng Việt, tạo ra ngôn ngữ thuần túy - thứ ngôn ngữ chung nhất đứng giữa các loại ngôn ngữ - và làm giàu thêm cho nền văn hóa.

Thời gian qua bên cạnh những tác phẩm được các độc giả hào hứng đón nhận thì không ít những tác phẩm khi ra mắt đã tạo ra những tranh cãi về bản dịch và nguyên tác. Đó là Lolita, Bản đồ và vùng đất, Đoàn hộ nhẫn, Những thứ họ mang của Công ty Nhã Nam. 

Gây nhiều tranh cãi thậm chí bị dư luận “ném đá” phải kể đến tác phẩm Những thứ họ mang của tác giả Tim O’Brien do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ tiếng Việt đã khiến dư luận chê trách bởi ngôn từ khi tác giả lựa chọn để diễn tả thái độ của nhân vật qua câu chửi quá thô tục lại được dịch rõ ràng điều này là không thể chấp nhận. Chính phản ứng của độc giả trước những tác phẩm dịch là những tín hiệu đáng mừng bởi công chúng đã quan tâm tới văn hóa dịch và chứng tỏ trình độ hiểu biết của độc giả. Họ không những dành sự quan tâm tới văn hóa đa sắc màu trong thế giới đương đại mà biết lựa chọn định hướng cho chính những dịch giả cần lựa chọn phong cách dịch như thế nào cho phù hợp. Và như vậy văn hóa dịch không chỉ đòi hỏi về phông thẩm mỹ văn hóa, kỹ năng dịch thuật mà các dịch giả ngày càng phải cố gắng bám sát vào nguyên tác nhưng cũng phải thể hiện được tinh thần chung của tác phẩm.

Áp lực về thời gian và tính chất thương mại hóa khi dịch đã khiến cho các tác phẩm dịch gần đây giảm về chất lượng. Như vậy để làm trong sạch các tác phẩm dịch trước hết cần có sự quản lý chặt chẽ về đội ngũ dịch thuật ở Việt Nam. Bên cạnh đó thì đội ngũ biên tập viên tại các nhà xuất bản phải là những người có năng lực thực sự để có thể thẩm định các tác phẩm đã dịch. Và điều quan trọng về phía các nhà xuất bản cần phải xem xét kỹ khi lựa chọn các tác phẩm để dịch. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ là cơ quan thẩm định đánh giá cuối cùng để cho tác phẩm được xuất bản ra ngoài thị trường. 

Châu Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.