Giải pháp nào đảm bảo công bằng trong tuyển sinh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều trường đại học sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, giữa các phương thức lại chưa có sự công bằng...

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh: Ngô Chuyên
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh: Ngô Chuyên

Đó là những hạn chế được chỉ ra trong kỳ tuyển sinh năm 2023.

Quá nhiều phương thức

Báo cáo kết quả năm học 2022 - 2023 của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) mới nhất cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng các ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 tăng 4,56% so với năm 2021. Theo đó, trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (ít hơn năm 2022 khoảng 9 nghìn) có hơn 660 nghìn đăng ký xét tuyển, chiếm 65,9%. Tính đến nay, số thí sinh trúng tuyển ngay ở nguyện vọng 1 là 49,1% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Nêu các số liệu trên tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục đại học vừa qua tại TPHCM (26/8), bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng đưa ra một số nhận định về tình hình tuyển sinh năm 2023.

Theo đó, vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp. Nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. “Việc xét tuyển sớm cũng làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường”, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Tại Hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhận định một số mặt chưa tốt của kỳ tuyển sinh năm 2023. Trong đó, điểm yếu nhất là giữa các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xác định trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm “có lẽ là dễ hơn việc trúng tuyển bằng các kỳ thi năng lực và Kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cùng quan điểm trên khi nhìn nhận thực tế công tác tuyển sinh năm 2023. Nguyên hiệu trưởng một trường đại học ở TPHCM cho rằng, có quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây bất công cho các thí sinh.

Mặc dù đa số các trường đại học đều dành 20 - 50% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng trên thực tế số chỉ tiêu này rất thấp. Nhiều trường tuyển đủ phần lớn chỉ tiêu bằng phương thức xét học bạ, tuyển học sinh trường chuyên, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này khiến chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp trên thực tế.

“Hậu quả là, điểm chuẩn xét điểm thi THPT tăng cao gây ảo tưởng đầu vào tốt, bất công cho học sinh các vùng sâu, vùng xa vì phần lớn các em chỉ có điều kiện cho phương thức xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT”, vị này nhận định.

Thực tế năm 2023, chỉ một số ít trường đại học dùng 2 - 3 phương thức tuyển sinh, hầu hết các trường đại học đều đưa ra 4 - 8 phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển sớm được nhiều trường sử dụng nhất xét học bạ THPT với chỉ tiêu lớn.

Chẳng hạn, với hơn 8 nghìn chỉ tiêu đại học chính quy, Trường ĐH Kinh tế TPHCM dùng 6 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng; thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; học sinh giỏi; quá trình học tập theo tổ hợp môn; kết quả thi đánh giá năng lực; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thí sinh nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngày 24/8/2023. Ảnh: Nga Nguyễn

Thí sinh nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngày 24/8/2023. Ảnh: Nga Nguyễn

Giải pháp nào?

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM, cho rằng, việc xét tuyển bằng quá nhiều phương thức sẽ khiến thí sinh bối rối khi lựa chọn, thậm chí nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển.

Nói riêng về việc xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ, ông Phạm Thái Sơn cho biết: “Phương thức này ảo, không chỉ bởi số lượng đăng ký xét tuyển, mà còn ở chất lượng học tập thực sự ở bậc phổ thông”.

Do đó, theo ông Sơn, giữa phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT với các phương thức khác, đặc biệt là xét học bạ chưa đảm bảo sự công bằng. Để hạn chế tình trạng trên, cần giới hạn các môn, tổ hợp môn xét tuyển trong phương thức xét học bạ THPT.

“Ví dụ như xét khối A00, B00... chứ không phải xét tuyển tùy ý theo phương án của trường đại học”, ông Sơn nêu giải pháp.

Bớt phụ thuộc vào kết quả học bạ THPT, tăng cường xét tuyển theo hướng tổng hợp nhiều tiêu chí cũng là cách nhiều trường đưa ra để tìm được nguồn tuyển chất lượng. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM từ nhiều năm nay xác định kỳ thi đánh giá năng lực là phương thức quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh ở trường.

Kể cả khi sử dụng điểm thi đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp THPT, nhà trường còn kết hợp nhiều tiêu chí để chọn thí sinh. Trong đó thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ 5%.

Cụ thể, trong phương thức 5 kết hợp nhiều tiêu chí, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM hoặc ĐH Quốc gia Hà Nội trọng số 75%, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT trọng số 20%, kết quả quá trình học tập THPT trọng số 5% và các tiêu chí khác bao gồm: Thành tích cá nhân, hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

Ngoài ra, một số trường đại học có điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh. Năm 2023 là năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để chọn ra thí sinh có những năng lực cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đều có những kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, các trường đại học nói chung cần chủ động có các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo của trường.

Theo quan điểm của trường, năng lực học tập của người học bậc THPT được thể hiện rõ nét nhất qua việc tiếp thu kiến thức các môn học, từ đó định hình được tư duy định lượng, tư duy định tính và hiểu biết về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Do đó để đánh giá năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu vào đại học, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao.

Trong các giải pháp trọng tâm của năm học 2023 - 2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Thứ trưởng đề nghị, các trường phân tích dữ liệu tuyển sinh 2 năm qua, cùng kết quả học tập của sinh viên khi vào trường. Từ đó, các trường đánh giá việc đưa ra phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển đã phù hợp chưa, người học được tuyển chọn theo các phương thức khác nhau đó có đảm bảo công bằng hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.