(GD&TĐ) - Sáng nay 9/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Một số giải pháp nhắm phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay” do Trường Đại học Đại Nam đăng cai tổ chức với sự tham gia của những chuyên gia kinh tế nổi tiếng cùng những nhà khoa học đến từ các trường Đại học kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu khai mạc của TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đại Nam, cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang gặp phải những khó khăn và thách thức to lớn. Kinh tế Việt nam tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp hạn chế.
Hội thảo sẽ đi sâu vào phân tích 2 nội dung chính là: Chính sách vĩ mô với việc kiểm soát lạm phát và phát triển sản xuất; Các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp & thương mại, bất động sản, nông nghiệp & nông thôn. Những ý kiến của các nhà kinh tế hàng đầu được coi như những gợi ý nhằm tháo gỡ những khó khăn của sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay.
Quang cảnh hội thảo |
Tham luận của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã làm rõ việc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy kinh tế thế giới vào tình thế khó khăn kéo dài cho đến tận ngày nay.
Kinh tế thế giới trở nên bất định, diễn biến khó lường. Ông cũng chỉ ra những thực tế khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải với những rào cản không dễ vượt qua như nợ xấu cao, đặc biệt là trong khối các ngân hàng, các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận với nguồn vốn thì không có nhu cầu vay vốn vì trong bối cảnh sản xuất đình đốn, đầu ra không có thì vay cũng chẳng biết làm gì. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình thì lại không có khả năng tiếp cận với nguồn vốn vì đang vướng vào nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng điểm mặt chỉ tên những khó khăn thách thức suốt từ năm 2011, đặc biệt là quí I/2012 với hàng loạt doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hay ít nhất là thu hẹp sản xuất kinh doanh do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lượng tồn kho tăng cao trong khi chi phí đầu vào đứng ở mức cao nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Thông qua các biện pháp chủ yếu là giãn, hoãn thuế và miễn giảm thuế, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã được cải thiện trong chừng mực nhất định.
Tuy nhiên, những giải pháp nêu trong Nghị Quyết 13/NQ-CP dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam cả về cách thức, qui mô và mức độ hỗ trợ.
Để giúp các doanh nghiệp thực sự vượt qua khó khăn. Ông cho rằng, Nghị quyết 13 cần được mở rộng theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ thông qua giảm chi phí đầu vào, kể cả chi phí nguyên nhiên vật liệu thiết yếu, chi phí vốn vay cũng như gánh nặng thu nộp NSNN và gánh nặng nợ nần trong nền kinh tế.
TS. Võ Trí Thành đến từ Viện nghiên cứu quản lý Trung ương đã đưa ra tham luận về việc “Nâng cao giá trị gia tăng trong điều kiện Hội nhập” từ một số góc độ tiếp cận cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông cho biết: Kết quả hoạt động kinh doanh và khả năng tăng GTGT của DN cũng chịu tác động rất lớn vào cách ứng xử chính sách của nhà nước đối với môi trường kinh doanh nói chung và các nhân tố sản xuất nói riêng. Sự phát triển năng động của doanh nghiệp và tăng trưởng GDP (chính là tăng trưởng của cải hàng hóa, dịch vụ tạo thêm của cả nền kinh tế) phụ thuộcvào nỗ lực của cả DN và nhà nước.
Tham luận đã tập trung vào phân tích thách thức đối với DN Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực và việc cải thiện khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam.
Ông khẳng định, DN khó có thể trụ vững lâu dài trên các thị trường cạnh tranh nếu thiếu khả năng chi trả cho các nguồn lực được sử dụng và duy trì được lợi nhuận. Nền kinh tế cũng khống có tăng trưởng bền vững nếu từng DN hạn chế trong khả năng cạnh tranh và trong việc tạo GTGT.
Song mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi DN có những nỗ lực cần thiết và Nhà nước biết đổi mới tư duy và hoàn thiện chính sách của mình. Một số cách tiếp cận về khả năng cạnh tranh trình bày trong bài viết đều cho thấy như vậy. Điều này lại càng cần thiết khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng có tính thị trường hơn và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Hơn nữa, nỗ lực của cả DN và Nhà nước sẽ thúc đẩy lẫn nhau thông qua thông tin phản hồi và lợi ích mà DN và cả nền kinh tế thu được. Chính ở đây, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp càng có ý nghĩa nổi bật.
Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam - PGS.TS. Phan Trọng Phức đã đưa ra kiến giải “Giải quyết nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam hiện nay”. Tham luận cho biết: Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Nếu chậm giải quyết vấn đề nợ xấu vốn không thể bơm vào nền kinh tế vì “cục máu đông” gây tắc nghẽn vẫn còn đó.
Theo số liệu của NHNN nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và BĐS, ...trong đó dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khoảng 197.000 tỉ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ 2,6 triệu nghìn tỉ đồng của ngân hàng. Nợ xấu của BĐS là 12.000 tỉ đồng, chiếm 6,5% dư nợ cho vay BĐS, nợ xấu cho vay đầu tư chứng khoán khoảng 485 tỉ đồng. Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% nợ xấu.
Chỉ ra những nguyên nhân của nợ xấu, đưa ra một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác, ông đã đưa ra một số giải pháp xử lý nợ xấu là: Trước hết để giải quyết nợ xấu cần phải dựa vào những nguyên nhân tạo ra nợ xấu. Như xiết chặt các nguyên tắc quản trị rủi ro; Khắc phục những lỗ hổng trong cơ chế chính sách tín dụng; Chủ động phối hợp với các khách hàng cơ cấu lại nợ chuyển đổi các khoản nợ; Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; Tăng cường thu hồi nợ, xử lý nợ bán nợ có tài sản đảm bảo cho công ty mua bán nợ Bộ Tài chính (DATC) hoặc cho các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, chuyển nợ thành vốn góp cố phần của doanh nghiệp vay, nhất là đối với các doanh nghiệp có tiềm năng.
Ông cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải: Xác định chính xác tỉ lệ nợ xấu, phân loại nợ xấu theo mức độ, nhóm ngành, từng ngân hàng, từng doanh nghiệp một cách chi tiết và cụ thể; thực hiện vai trò là cầu nối và giám sát các hoạt động tái cấu trúc của doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại; Rà soát và hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm kiểm soát nợ xấu từng bước giảm nợ xấu, nâng cao tính minh bạch của hệ thống và thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; Thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển thông qua triển khai hiệu quả các chính sách về mua bán nợ; Đẩy mạnh hoạt động thanh tra giám sát của NHNN một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng.
Hội thảo đã nhận được 27 bản tham luận đến từ các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Khiêm; Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, GS.TS Nguyễn Quang Thái... các tham luận đều chỉ rõ nợ xấu là nguyên nhân quan trọng đè nặng lên nền kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung xử lý nợ xấu, giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng. Để phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là phải giải quyết được “cục máu đông” là nợ xấu trong các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Muốn vậy cần phải nâng cao chất lượng tín dụng, trách nhiệm trước hết của các tổ chức tín dụng, NHNN.
Thái Yên