Giải pháp nào cho đào tạo nghề ở khu vực nông thôn?

Giải pháp nào cho đào tạo nghề ở khu vực nông thôn?

(GD&TĐ) - Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến nay mới đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước là 25%; lao động nông thôn qua đào tạo nghề có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế (vùng đồng bằng Sông Hồng 19,4%, đồng bằng Sông Cửu Long 17,9%; trong khi đó vùng Tây Bắc chỉ có 8,3%).

Bên cạnh đó mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế này cho thấy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong một thời gian dài chưa được coi trọng đúng mức. 

Lao động khu vực nông thôn rất cần được trang bị kỹ năng nghề
Lao động khu vực nông thôn rất cần được trang bị kỹ năng nghề

Số liệu từ thực tế

Dự báo xu thế chung là lao động nông thôn và lao động nông nghiệp có xu hướng giảm dần, tới năm 2015 chiếm khoảng 63,09% (33,1 triệu người) và năm 2020 chiếm khoảng 57,33% (32,1 triệu người). Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề, hàng năm cần đào tạo nghề cho khoảng 350.000 tới 400.000 người. Vùng chuyên canh cây nguyên liệu có nhu cầu lao động qua được đào tạo nghề khoảng 96.000 người. Một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp trình độ đến năm 2020 khoảng 800.000 người… Những ngành khác như du lịch giai đoạn 2009-2015 là khoảng 20.000 người/năm, những năm sau đó khoảng 50.000 người/năm. Ngoài ra, số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hàng năm là khoảng 50.000 người. Một điều tra tại 16 địa phương có số lượng đất thu hồi lớn trên toàn quốc, chỉ có 13% lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề. Còn hầu hết nông dân có được kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chậm đổi mới nên năng suất lao động, giá trị sản phẩm hàng hoá tạo ra không tương xứng với thời gian lao động.

Có thể nói nhu cầu học nghề đang rất lớn nhưng thực tế, nhiều bộ, ngành, các cấp và cả người lao động cũng chưa nhận thức, chưa thực sự quan tâm tới việc học nghề. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới sự chồng chéo, kém hiệu quả và bất cập như bị giới hạn về đối tượng, thời gian đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo thấp. Cùng với đó là công tác dự báo của thị trường lao động quá thiếu, không đầy đủ và kịp thời khiến người lao động lúng túng trong việc lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề. Điều này lý giải vì sao nhiều lao động trong độ tuổi dù chưa có nghề ngỗng gì nhưng khi được hỏi cần học nghề gì thì họ lúng túng như gà mắc tóc vì thực sự không biết trả lời ra sao, vì họ biết lấy thông tin ở đâu.

Đất nước ta đang phấn đấu trở thành nước CNH, HĐH vào năm 2020, trong khi, tới thời điểm này, vẫn có tới 73% người dân là nông dân và 50% lao động nông nghiệp. Đây là bất hợp lý cần sớm xoá bỏ và thực tế hiện nay đã chỉ ra cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động, thậm chí có chương trình, giáo trình dạy nghề đã lạc hậu. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị. Khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ, hoặc có thì diện tích ít, thiếu xưởng thực tập thực hành... Cả nước hiện còn 253 huyện chưa có trung tâm dạy nghề, 31% phòng học và 20,7% số nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà cấp 4.

Ngày càng có thêm các chương trình đào tạo nghề cho khu vực Tây Nguyên
Ngày càng có thêm các chương trình đào tạo nghề cho khu vực Tây Nguyên

Giải pháp tháo gỡ

Vậy có cách nào để khắc phục thực trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan xây dựng Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Theo đó, Đề án xây dựng cho 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 2009-2010, một mặt tiếp tục thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Dự án "Tăng cường năng lực dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT đến năm 2010 (khoảng 800.000 người trong 2 năm 2009-2010), mặt khác thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị triển khai đại trà cho các giai đoạn tiếp. Giai đoạn 2011-2015: Đào tạo nghề cho 5.200.000 lao động nông thôn. Giai đoạn 2016-2020: Đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, đào tạo chuyên sâu cho 500.000 lượt cán bộ, công chức xã. Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn Ngân sách Nhà nước dự kiến là 32.679 tỷ đồng. Trong số đó, kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 31.153 tỷ đồng (25.551 tỷ đồng để chi hỗ trợ nông dân học nghề; 5.105 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề huyện). Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 1.526 tỷ đồng. Đề án áp dụng cơ chế huy động tối đa nguồn, đồng thời, huy động thêm nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng.

Trong những năm qua, kinh phí cho Dự án "Tăng cường năng lực dạy nghề" đang thực hiện thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT đến năm 2010 tăng nhanh, nhưng số lượng trường và trung tâm dạy nghề được hỗ trợ đầu tư của Dự án còn ít (mới chỉ hỗ trợ cho 3 trường tiếp cận trình độ khu vực; 60 trường trọng điểm; 50 trường trung cấp nghề khó khăn; 219 trung tâm dạy nghề cấp huyện). Trong khi đó, mức kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm dạy nghề huyện cũng hạn chế, mỗi trung tâm dạy nghề mới được hỗ trợ với mức 500-800 triệu đồng/năm, nhiều trung tâm dạy nghề mới được đầu tư trong 1-2 năm gần đây. Và thực tế cũng chỉ ra một điều là Dự án mới chỉ bố trí kinh phí để xây dựng các chương trình khung dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, chưa bố trí kinh phí để xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên, kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn trong Dự án mới chỉ hỗ trợ cho khoảng 300.000 người/năm. Mức hỗ trợ như vậy là thấp so với yêu cầu thực tế.

Rõ ràng thực tế đã chỉ ra rằng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, xóa dần khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi thì đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc cần làm. Theo tính toán của cơ quan chức năng sẽ có 179 nghề cần phải đào tạo cho nông dân, và song song với đó cũng cần phải thay đổi cung cách đào tạo, để người nông dân được chọn trường, chọn nghề cần học. Và cũng cần phải thay đổi quan điểm đó là việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá, trường đào tạo nghề cho nông dân không nhất thiết là trường của nhà nước, do vậy cần đẩy mạnh xã hội hóa và đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo nghề cho những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất công nghiệp, đô thị. Nhưng vấn đề đặt ra là lao động nông thôn cần học nghề gì, học như thế nào để hiệu quả. Đây là dấu hỏi lớn đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà trường cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Thực tế hiện nay đang đặt ra rằng, có hay không tiếp tục triển khai việc cấp vốn đào tạo cho cơ sở dạy nghề như trước đây rồi các cơ sở đó có gì dạy đấy, hay là thay bằng việc sẽ phát thẻ học nghề cho nông dân, để họ chủ động hơn trong việc chọn cơ sở dạy nghề. Xem ra việc trao “quyền tự chủ” cho lao động để họ tự do trong việc chọn ngành nghề đào tạo theo sở thích và điều kiện tìm việc làm là hợp lý hơn cả. Chắc chắn sẽ không có chuyện họ đang nuôi tôm lại đi học nghề trồng rừng. Và đây cũng là cách các nhà đào tạo phải vận động nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Cách làm này được xem là hiệu quả và kinh phí thực hiện sẽ được chi vào đúng việc, đúng người vì chỉ có nhu cầu thì họ mới đi học chứ chẳng ai đi học để chơi làm gì.

Một giải pháp được cho là hợp lý hơn cả cho khu vực nông thôn là triển khai dạy nghề tại chỗ. Theo đó, bên cạnh những ngành nghề mà lâu nay ta đào tạo phải tăng cường thêm các ngành nghề mới ở nông thôn thông qua việc phát huy triệt để các tiềm năng sinh học sẵn có ở địa phương. Bài học thực tế ở nhiều địa phương cho thấy đã có nhiều ngành nghề mới như: nuôi ba ba, ếch, lươn, giun đất, nhím, heo rừng... và cả những nghề rất đơn giản như nuôi dế, nuôi nhông cát... đã đem lại hiệu quả không nhỏ. Và quan trọng hơn cả và quyết định sống còn là địa phương phải dự báo chính xác thị trường lao động, nhu cầu học nghề để từ đó các cơ quan quản lý đưa ra quy hoạch hệ thống đào tạo phù hợp với từng vùng, miền, chuẩn hoá chương trình đào tạo. Để sao cho người học phải được tư vấn nghề, được thông tin nghề nào ở địa phương đang có nhu cầu, tránh tình trạng học xong mà không có việc làm. Hay chính xác là: Người học phải biết được nhu cầu việc làm ở địa phương; biết được chính sách và nhiệm vụ của người đi học; biết được khi học xong thì cơ hội việc làm ở địa phương mình như thế nào.

 Tuấn Bùi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.