Giải pháp nào cho các di tích bị biến dạng và trẻ hóa sau trùng tu?

GD&TĐ - Trả lời về giải pháp khi di tích bị biến dạng sau trùng tu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trách nhiệm chính của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quochoi.vn

Yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng

Tranh luận về thực trạng hiện nay các di tích bị biến dạng và trẻ hóa sau trùng tu, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trách nhiệm về vấn đề này? Với tư cách là cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát, Bộ sẽ xử lý các di tích bị biến dạng và trẻ hóa sau trùng tu như thế nào? Bộ trưởng có cam kết gì với Quốc hội để tình trạng này không tái diễn?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai về giải pháp khi di tích bị biến dạng sau trùng tu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã phân cấp nguyên tắc đầu tư, nguyên tắc tôn tạo thì do chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đề nghị có giải pháp căn cơ nào nhằm khắc phục tình trạng di lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đề nghị có giải pháp căn cơ nào nhằm khắc phục tình trạng di lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quochoi.vn.

Các dự án này đều xuất phát từ địa phương, địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích.

Cùng với đó, tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chấn chỉnh, cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa.

Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ. Nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.

Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa vẫn còn hạn chế

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế.

Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.

Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Cơ chế thu hút cho đầu tư vào tôn tạo di tích

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Điểu Sang - Đoàn ĐBQH về cơ chế thu hút cho đầu tư vào tôn tạo di tích, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những di tích văn hóa được doanh nghiệp quan tâm và tự tìm đến đầu tư khi họ thấy được lợi ích. Tuy nhiên đối với những di tích như di tích lịch sử cách mạng thì doanh nghiệp chưa mặn mà lắm.

Đại biểu Điều Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tranh luận về các giải pháp khắc phục thực trạng di tích xuống cấp và giải pháp nhằm khuyến khích phát triển ngành du lịch. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Điều Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tranh luận về các giải pháp khắc phục thực trạng di tích xuống cấp và giải pháp nhằm khuyến khích phát triển ngành du lịch. Ảnh: Quochoi.vn.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sẽ sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực nhà nước như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm. Đồng thời Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ để ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP.

Trả lời câu hỏi về tôn tạo di tích chiến khu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định di tích lịch sử cách mạng là vấn đề được Bộ rất được quan tâm.

Mới đây an toàn khu Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã đề xuất lên Chính phủ và Chính phủ đã có Quyết định để phê duyệt, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch để bảo quản, tu tồn, tôn tạo di tích.

Thời gian tới, chính quyền địa phương sớm thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi có nguồn lực được phân bổ thì địa phương sẽ triển khai tổ chức thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ