Giải pháp hạn chế bạo lực học đường từ gốc

GD&TĐ - Bạo lực, nhẹ hơn là bắt nạt học đường sao vẫn xảy ra, lại còn có xu hướng tăng ở nhiều địa phương?

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Chúng ta đã tìm ra nhiều giải pháp và có những hình thức xử lý giáo viên, học sinh vi phạm rất kịp thời, ráo riết. Tuy nhiên, cách làm này chưa phải là giải quyết được tận gốc của vấn đề, thường mới là chỉ xử lý hiện tượng, phần ngọn.

Cách tối ưu nhất, mang tính khoa học là tác động vào não bộ thông qua huấn luyện cảm xúc tích cực cho giáo viên và học sinh.

Huấn luyện cảm xúc

Khoa học hiện đại não bộ và thần kinh cho thấy rằng, các trung tâm cảm xúc của não liên kết chặt chẽ với các trung tâm điều khiển hành vi của con người và cả các trung tâm nhận thức học tập trong não.

Điều đó có nghĩa là, tất cả suy nghĩ, cảm xúc, phán đoán, quyết định, hành động của chúng ta đều do bộ não chỉ huy.

Huấn luyện cảm xúc sẽ giúp giáo viên và học sinh, học sinh và học sinh mở lòng, tin tưởng, gắn bó với nhau, trở thành thân thiết hơn thay vì không thân thiện hay ghét bỏ nhau.

Đặc biệt trong những tình huống xúc động mạnh, huấn luyện cảm xúc còn giúp giáo viên và học sinh hiểu được cảm xúc của mình để từ đó tự mình tìm cách giải quyết các mối quan hệ bất hòa một cách có giáo dục, văn minh và sáng suốt nhất.

Tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc đã khuyến cáo mỗi xã hội, đặc biệt các nhà trường, trong thời đại ngày nay cần coi trọng việc huấn luyện và thực hành Khung bình phương cảm xúc EMC (EMC^2)để mỗi người học trở thành một công dân toàn cầu có tâm, có lòng thương cảm. Từ đó tạo ra một môi trường hòa bình, đoàn kết và đầy nhân ái trong toàn xã hội trên thế giới.

Vậy, EMC^2 là gì?Ý nghĩa của các thành tố E, M và C là như thế nào?

E (Empathy) là sự thấu cảm. Đây là khả năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu và đọc được cảm xúc của họ. Cảm xúc này đề cập đến khả năng nhận dạng và xác định trạng thái tinh thần của người khác cũng như khả năng chia sẻ những cảm xúc đó với người giao tiếp. Nó xuất hiện tự nhiên trong não và là thành phần chính của nhận thức xã hội, học tập, là sự hợp tác và hành vi xã hội. Khả năng thấu cảm có vai trò quan trọng như chìa khóa mở cửa trái tim của người khác. Sự thấu cảm phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và đồng tình.

M (Mindfulness) là sự chú tâm. Đây là khả năng hướng tâm trí của mình về một điều gì đó, ai đó. Chú tâm nhẹ hơn là quan tâm. Chú tâm đặc biệt trong giây phút hiện tại và không phán xét. Hãy ngưng tiếc nuối quá khứ, ngừng lo lắng cho tương lai. Trong giáo lý nhà Phật thành tố M được gọi là Chánh niệm, có hành động giống như ngồi “thiền”. Sự chú tâm phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và tận tâm.

C (Compassion) là lòng trắc ẩn. Đây là khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác và đáp lại từ sự khổ đau, nỗi buồn hay cảm giác khó khăn của họ. Bản chất của nó vẫn là sự thấu cảm, sự chú tâm nhưng ở mức được thể hiện qua hành động cụ thể. Ở đây có sự nhạy cảm, một khía cạnh cảm xúc với sự cảm nhận về nỗi khổ đau, khó khăn và đáng thương của người khác đang mong được giúp đỡ. Hãy luôn rèn luyện để mình luôn là người không vô cảm trước sự vật hay con người.

Lòng trắc ẩn là phải xuất phát từ một trái tim ấm áp và tình yêu thương dạt dào chứ không chỉ đơn thuần là sự lo lắng hay giúp đỡ những con người khó khăn, không may mắn.

Có thể nói lòng trắc ẩn là đỉnh cao của cảm xúc tích cực, là giá trị sống, là kết quả của quá trình trải nghiệm được dựa trên nền tảng của sự thấu cảm, sự chú tâm của mỗi con người tử tế, có nhân văn. Thấu cảm và chú tâm là hoạt động tâm trí, hoạt động của não bộ. Còn lòng trắc ẩn được nâng cao hơn thể hiện qua hành động cụ thể trong cuộc sống.

Điều quan trọng, lòng trắc ẩn phải được quay trở về phục vụ với chính bản thân mỗi người. Thấu cảm, chú tâm và cao hơn là lòng trắc ẩn, trước hết dành cho chính bản thân con người mình, hãy yêu thương và “ôm ấp, yêu quý bản thân mình, tâm hồn mình”. Điều này là gốc, là cơ bản và nó sẽ dần thay đổi tâm tính, trở thành tố chất trong mỗi con người được giáo dục.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Chiến lược tạo môi trường cảm xúc tích cực

Não của con người có lẽ là cơ quan bí ẩn nhất trong cơ thể. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, 6 cảm xúc cơ bản (gốc), bao gồm: Hạnh phúc, buồn bã, giận dữ, sợ hãi, ghê tởm và bất ngờ có bắt nguồn từ những vùng bán cầu đại não phải.

Trong thực tế, mỗi cảm xúc cơ bản của con người sẽ tương ứng với những trạng thái khác nhau trong cuộc sống, trong hành động cũng như trong học tập hay công việc.

Nghiên cứu cho thấy rằng, khi cảm xúc bùng nổ, không làm chủ bản thân có thể ảnh hưởng đến phản ứng hành vi trong nhiều tình huống như bạo lực thể xác và tinh thần xảy ra trong nhà trường.

Tuy nhiên huấn luyện cảm xúc lại luôn tạo ra một phản ứng xã hội hay nhà trường nhân ái có thể đóng góp rất lớn vào việc giảm bớt căng thẳng và bạo lực sắp xảy ra .

Vì vậy, mỗi Hiệu trưởng nhà trường cần thiết phải có những chiến lược hành động cụ thể để tạo ra môi trường cảm xúc tích cực.

Thiết nghĩ thành lập tổ tư vấn học đường, đẩy mạnh xây dựng trường học hạnh phúc là những công cụ hữu hiệu để huấn luyện cảm xúc cho giáo viên và học sinh.

Đặc biệt quy trình huấn luyện cần phải tuân theo 4 bước: Diễn giải EMC^2 và thực hành thường xuyên các thành tố; trở thành thói quen, hành động tự nhiên và đem lại tâm tính, tố chất mới của con người.

Kích thích rèn luyện bộ não trở nên xuất sắc hơn, hài lòng và yêu quý bản thân hơn, hạnh phúc với những mối quan hệ hơn, sẽ tiến gần hơn đến con người mà mình mong muốn trở thành và mãn nguyện với cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ