Đây là hoạt động chuyên đề nhằm giúp học sinh hiểu biết về pháp luật, nói không với hành vi bạo lực học đường.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh
Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM vừa phối hợp với các đơn vị chức năng của quận 11 (TPHCM) tổ chức phiên tòa giả định với nội dung “Phòng chống bạo lực học đường” tại Trường THPT Trần Quang Khải.
Phiên tòa giả định đã nhận được sự quan tâm của các em học sinh cũng như thầy cô tại trường.
Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook từ trước giữa Trần Phi Công (sinh năm 2006) và Huỳnh Minh (sinh năm 2005) nên cả hai hẹn nhau để nói chuyện. Khi hẹn với Trần Phi Công, Minh gọi điện kể cho Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 2006) nghe sự việc, Minh hỏi Sơn có cây không cho Minh mượn để đi đánh nhau và rủ Sơn cùng đi. Đến 18 giờ ngày 2/10/2022, Minh rủ thêm Lê Văn Lâm, Huỳnh Văn Khang đến địa điểm đã hẹn gặp nhóm của Công để giải quyết mâu thuẫn.
Sau khi gặp nhau, sau những lời thách thức của hai bên, Sơn đã dùng cây sắt chuẩn bị trước đó đánh trúng vào đầu của Công khiến cho Công té xuống bất tỉnh. Sau đó Công được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu. Theo kết luận cơ quan y tế Công chấn thương đầu gây tụ máu da đầu, tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh phải có chèn ép mô não, tỷ lệ thương tích là 10%.
Tại phiên tòa bị cáo Sơn phạm tội “Cố ý gây thương tích”, bị tuyên mức án 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày tuyên án. Đồng thời Sơn phải nộp 200 nghìn đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Phiên tòa giả định với sự tham gia đầy đủ các thành phần Chủ tọa, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, Luật sư, Bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Quá trình xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đã phân tích lý do, nguyên nhân dẫn đến hành vi gây thương tích đáng tiếc.
Từ đó nêu lên được mục đích của phiên tòa giả định là tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên, học sinh về các quy định của Bộ luật hình sự, về các hành vi cố ý gây thương tích, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức về văn hóa, cách ứng xử trong đoàn viên, thanh niên và học sinh.
Chủ động ngăn ngừa bạo lực học đường
Thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải cho biết, tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội và trở thành nỗi lo lắng không chỉ cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là nỗi lo của tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Phiên tòa giả định không chỉ là hoạt động bổ ích giúp cho các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa, nắm được các văn bản, điều luật mà còn góp phần truyền tải, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho lứa tuổi, đưa pháp luật vào cuộc sống.
Đông đảo giáo viên và học sinh tham dự phiên tòa giả định. |
“Việc mô phỏng lại trình tự diễn biến của một phiên tòa, nhất là những vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, thường gặp trong học sinh đã thu hút sự chú ý theo dõi của học sinh và cả giáo viên nhà trường. Qua đó, giúp cho các em học sinh hiểu và có cách xử sự phù hợp, đúng quy định của pháp luật khi đối mặt với những va vấp, mâu thuẫn trong cuộc sống và trong học đường, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phòng ngừa tội phạm”, thầy Tài nhấn mạnh.
Em Hoàng Mạnh Trung, lớp trưởng 10A8 Trường THPT Trần Quang Khải cho biết: “Tham gia phiên toà này em được khám phá, được biết đến những sự việc mà bình thường chúng em chỉ được xem trên ti vi. Lúc nghe chủ tọa điều hành phiên tòa, em còn có phần hồi hộp, cảm xúc rất khó tả vì diễn biến quá chân thật. Từ phiên toà này, em biết thêm được luật mới, sẽ áp dụng với bản thân và tuyên truyền rộng hơn cho các bạn của mình biết, giúp cuộc sống văn minh hơn”.
Trước đó, tháng 10/2022, Sở GD&ĐT TP HCM đã có văn bản gửi các đơn vị giáo dục trên địa bàn về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023. Trong đó yêu cầu các trường phải xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Đồng thời yêu cầu các trường có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường cần kiên quyết khắc phục tư tưởng chuyên môn đơn thuần, xem nhẹ công tác chính trị tư tưởng và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng bạo lực học đường; hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Đồng thời, nhà trường phải chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, tăng cường kỹ năng thực hành.
“Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc sử dụng mạng xã hội Facebook an toàn, hiệu quả đối với học sinh luôn được nhà trường quan tâm. Việc các em được dự một phiên tòa giả định mang tính thực tế đã góp phần tăng tính răn đe, giáo dục pháp luật về sử dụng mạng xã hội. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa và bổ ích, có tác dụng cao”, thầy Tài chia sẻ.