Giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Vật lý

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng dạy học Vật lý trong năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã có những chỉ đạo triển khai cụ thể đến các nhà trường; trong đó nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Vật lý

Dạy học phải chú ý phát triển năng lực, phẩm chất

Ông Nguyễn Quốc Túy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) - cho biết: Trong hướng dẫn các trường THPT đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, Sở GD&ĐT nhấn mạnh phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của HS, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của HS.

Cũng theo Túy, việc sử dụng phương pháp dạy học cần gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể để có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp...

Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho HS.

Cùng với đó, các giáo viên lưu ý sử dụng đủ và hiệu quả thiết bị dạy học Vật lý tối thiểu đã quy định. Có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm nếu xét thấy cần thiết với nội dung học và phù hơp với đối tượng HS.

Tích cực vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của HS.

Tiếp tục tổ chức dạy học phân hóa và tích hợp theo năng lực của HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lý cấp THCS, THPT.

Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và HS, một giáo án đạt yêu cầu cần thể hiện được việc đổi mới phương pháp dạy học và bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng.

Cụ thể, trong bài soạn phần kiến thức, kĩ năng, thái độ phải nêu rõ các phẩm chất, năng lực cần rèn luyện cho HS thông qua bài dạy. Các phẩm chất, năng lực này cũng cần được chỉ rõ trong các hoạt động của bài dạy (thể hiện ở cột thứ 3 của giáo án: Mục tiêu cần đạt). Ngoài ra, giáo án cũng thể hiện rõ những đơn vị kiến thức tích hợp, liên hệ thực tiễn, vận dụng kiến thức liên môn.

“Chúng tôi cũng hết sức lưu ý hình thức tổ chức dạy học đa dạng, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS liên quan đến các lĩnh vực Vật lý ứng dụng; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như các phần mềm dạy học Vật lý, các thí nghiệm ảo...

Tổ chức và động viên HS tích cực tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật HS trung học lĩnh vực Vật lý - Công nghệ; cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho HS trung học hằng năm và thi giải Toán, Vật lý qua Internet dành cho HS phổ thông.

Ngoài việc tổ chức cho HS thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn HS học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường dưới dạng các bài thuyết trình, các báo cáo nghiên cứu phù hợp với HS...

Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động có gắn với bộ môn Vật lý như: Hội thi thí nghiệm - thực hành của HS, Hội thi tự làm và sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên, Ngày hội công nghệ thông tin, Ngày hội sử dụng ngoại ngữ... nhằm khuyến khích giáo viên và HS tăng cường sử dụng hợp lý, khai thác tối đa tác dụng của các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn; sử dụng ngoại ngữ, chủ động tự làm thiết bị dạy học” - Ông Túy chia sẻ.

Kiểm tra, đánh giá: Kết hợp hợp lý giữa tự luận và trắc nghiệm

Đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học bộ môn Vật lý được Sở GD&ĐT Lâm Đồng triển khai theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của HS.

Chú trọng đánh giá quá trình: Đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án; bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.

Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của HS; coi trọng đánh giá để giúp đỡ HS về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học.

Ông Nguyễn Quốc Túy cho biết: Bên cạnh lưu ý các trường, các thầy cô giáo chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra, Sở GD&ĐT đồng thời yêu cầu tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn.

Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của HS. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của HS. Chú ý hướng dẫn HS đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

Các trường cũng cần thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận, trong đó chỉ rõ các kỹ năng cần được kiểm tra; với các trường có điều kiện, trong các đề kiểm tra Vật lý phần trắc nghiệm khách quan có thể thực hiện ra các câu hỏi nhiều lựa chọn đúng thay vì chỉ có các câu hỏi 1 lựa chọn đúng như trước đây.

“Việc tăng cường ra câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường là vô cùng cần thiết. Liên quan đến nội dung này, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu tăng cường xây dựng “Nguồn học liệu mở” (thư viện) câu hỏi bài tập, đề thi, kế hoạch bài dạy, tài liệu tham khảo có chất lượng trên website của Bộ GD&ĐT (tại địa chỉ http://giaoducphothong.edu.vn) và của bộ môn Vật lý Lâm Đồng (tại địa chỉ http://vatlylamdong.com/forum.php). Cùng với đó, động viên giáo viên và

HS tích cực tham gia Diễn đàn trên mạng (http://truonghocketnoi.edu.vn) về đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS” - ông Nguyễn Quốc Túy cho biết thêm.

“Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn Vật lý để thực hiện. Tuy nhiên, dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc HS tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc”.

Ông Nguyễn Quốc Túy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.