Giải pháp đổi mới hoạt động của tổ chuyên môn

GD&TĐ - Tổ chuyên môn là một bộ phận trong bộ máy của trường học dưới sự quản lý của hiệu trưởng, ban giám hiệu; tuy nhiên không phải vì thế mà thụ động chờ đợi cấp trên “cầm tay chỉ việc” mà phải chủ động sáng tạo. Hoạt động của tổ chuyên môn cũng có những nguyên tắc riêng, đặc thù riêng.

Giải pháp đổi mới hoạt động của tổ chuyên môn

Công tác tham mưu của tổ chuyên môn cho hiệu trưởng

Tham mưu về các hoạt động giáo dục và dạy học: Tổ chuyên môn căn cứ và kết quả hoạt động của năm trước, tình hình thực tế của trường, của tổ bàn bạc thống nhất ý kiến sau đó có thể trực tiếp trao đổi trực tiếp hoặc gửi bằng văn bản cho hiệu trưởng đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch nhà trường, xây dựng các hoạt động của tổ chuyên môn phù hợp với kế hoạch và hoạt động chung của nhà trường. Các nội dung tham mưu tập chung vào vấn đề cụ thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhà trường:

Tham mưu việc xây dựng kế hoạch năm học; tham gia góp ý xây dựng các nội dung, biện pháp tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng hàng năm đảm bảo tính khoa học, dân chủ và công bằng;

Tham gia góp ý xây dựng lề lối làm việc, các nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị;

Tham mưu với lãnh đạo mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách tham khảo, phục vụ hoạt động dạy học; hoặc điều chỉnh kế hoạch phân công khi cần thiết;

Tham mưu hiệu quả về việc phân công chuyên: Căn cứ kết quả quá trình công tác của giáo viên, năng lực chuyên môn, tinh thần thái độ công tác, khả năng phát triển cũng như hoàn cảnh gia đình, sức khỏe có thể tác động tích cực và ảnh hưởng đến công việc của từng thành viên trong tổ chuyên môn để phân.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của nhà trường và quyền lợi học tập của học, nguyện vọng, hoàn cảnh của giáo viên để đề xuất phương án phân công nhằm tạo ra sự hợp lý, hợp tình, tạo ra tâm lý thoải mái để giáo viên an tâm cống hiến tốt nhất.

Đề xuất những phương án cụ thể, khả thi trong sử dụng đội ngũ đề xuất, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục.

Xây dựng kế hoạch tổ chuyên môn

Xây dựng kế hoạch là chức năng đầu tiên trong bốn chức năng của quản lý là xây dựng kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra. Xây dựng kế hoạch là chức năng rất quan trọng đối với tổ chuyên môn bởi vì nó gắn liền với việc lựa chọn mục tiêu và chương trình hành động trong tương lai, tổ chuyên môn xác định được các chức năng khác còn lại nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.

Có 5 bước xây dựng kế hoạch: Lập dự thảo sinh hoạt chuyên môn; thông qua, lấy ý kiến đóng góp của tập thể; điểu chỉnh, hoàn thiện chỉnh lý dự thảo kế hoạch; gửi dự thảo kế hoạch cho hiệu trưởng phê duyệt; công bố và thực hiện.

Khi xây dựng kế hoạch cần đảm bảo các nguyên tắc: tính Đảng; tập trung dân chủ; tính khoa học; tính pháp lệnh.

Đổi mới công tác quản lý của tổ trưởng chuyên môn

Tổ trưởng chuyên môn có các chức năng quản lý như một người đứng đầu một đơn vị sản xuất, được hiệu trưởng bổ nhiệm và giao nhiệm vụ đầu năm học. Một trong những công việc quan trọng của tổ trưởng chuyên môn là quản lý mọi hoạt động của tổ.

Quản lý hồ sơ: Đổi mới hình thức quản lý về hồ sơ vừa là “con số biết nói” vừa lưu giữ khoa học. Để làm được điều đó, cần có những quy định rõ ràng, phổ biến nghiêm túc tới các thành viên trong tổ để mọi người cùng hiểu và đồng lòng sáng tạo.

Hồ sơ chung, tổ trưởng chuyên môn không ôm đồm làm mà phân công cho các thành viên của tổ thống kê, ghi chép, theo dõi từng mặt, sang năm học sau lại đổi nhiệm vụ. 

Tổ trưởng chuyên môn quản lý hồ sơ sổ sách theo dõi các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn các thành viên trong tổ chuyên môn, như: Quản lý hồ sơ chuyên môn; quản lý nội dung hồ sơ.

Lưu ý, sinh hoạt chuyên môn không ghi chiếu lệ mà thống kê ghi chép nghiêm túc những con số, những nội dung “biết nói” thực sự có giá trị thúc đẩy chuyên môn của tổ, khuyến khích giáo viên sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ.

Phân tích tình hình kết quả từng lớp tăng hay giảm tìm nguyên nhân để khắc phục khó khăn; theo dõi kết quả thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, các cuộc thi của giáo viên học sinh… làm căn cứ để xây dựng kế hoạch cho năm học tiếp theo.

Tổ trưởng chuyên môn tham gia quản lý các kế hoạch dạy học và giáo dục (Thời khoá biểu) của các tổ viên theo quy định.

Ký duyệt giáo án và kiểm tra đánh giá học sinh: Tổ trưởng chuyên môn ký giáo án cho các thành viên trước một tuần. Khi ký giáo án nghiêm túc chỉ duyệt những giáo án đúng theo quy chế chuyên môn có đổi mới phương pháp không soạn theo giáo án dạy học truyền thống – quy định đầu vào.

Giáo án không cùng môn với tổ trưởng thì nhóm trưởng, tổ phó cùng môn ký duyệt chiuh trách nhiệm về nội dung sau đó tổ trưởng chuyên môn ký duyệt giáo án.

Tham gia quản lý việc kiểm tra đánh giá học sinh, chấm trả bài của giáo viên; bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu; quản lý thanh tra nội bộ trường học; xây dựng kế hoạch kiểm tra; tổ chức kiểm tra.

ổ trưởng chuyên môn là người kiểm tra hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn theo kế hoạch và sự phân công của Hiệu trưởng. Tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng được lực lượng kiểm tra.

Lực lượng này thường bao gồm nhóm trưởng bộ môn trong tổ ghép, giáo viên bộ môn có năng lực và uy tín đối với giáo viên trong tổ chuyên môn, giáo viên giỏi được mời từ trường bạn (nếu cần)…

Hình thức kiểm tra: Báo trước theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất chỉ báo trước thời gian 5 – 10 phút. Như vậy, sẽ tạo tâm thế cho giáo viên nghiêm túc trong công việc.

Nội dung kiểm tra là những hoạt động của nhà giáo: Kiểm tra việc thực hiện qui chế chuyên môn của giáo viên, kiểm tra công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, kiểm tra chế độ điểm việc chấm trả bài cho học sinh.

Kết quả thành tra, kiểm tra: Biểu dương những giáo viên có kết quả thanh tra tốt, nhắc nhở phê bình những giáo viên còn vi phạm. Cần lưu ý khi phê bình cũng phải khéo léo, mềm mỏng trao đổi tránh làm tổn thương đồng nghiệp mà mang tính thúc đẩy. Phát huy tinh thần dân chủ, phê và tự phê nghiêm túc.

Bồi dưỡng đội ngũ

Bên cạnh việc bồi dưỡng lập trường tư tưởng là bồi dưỡng thường xuyên: Nhà trường, tổ chuyên môn tăng cường bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ với nhiều hình thức như dự giờ thăm lớp để cho tất cả các giáo viên học tập rút kinh nghiệm.

Tạo mọi điều kiện cho giáo viên được đi tham quan học tập, tham gia dự giờ học tập, rút kinh nghiệm ở các trường bạn trong và ngoài tỉnh...

Bồi dưỡng qua phong trào thi đua; qua việc tổ chức chuyên đề; tập huấn chuyên môn; khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng; phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Khuyến Khích tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến..

Tổ chuyên môn phối hợp với hiệu trưởng, ban chấp hành công đoàn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước, chăm lo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.

Do đặc thù của ngành giáo dục đa phần là nữ nên tổ chuyên môn luôn quan đến vấn đề bình giới, quan tâm đến các chế dộ chính sách dành riêng cho nữ giáo viên, nhân viên. Đồng thời quan tâm đến để họ coi nhà trường, tổ chuyên môn là mái ấm, yên tâm công tác, công hiến.

Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu

Về giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi: Cần phải phân công chuyên môn một cách hợp lý, lựa chọn giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, cố gắng phân công theo hướng ổn định để phát huy kinh nghiệm của giáo viên. Bản thân giáo viên phải tâm huyết nghề.

Tổ chuyên môn thống nhất biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng khối, lớp, về từng mảng kiến thức, rèn luyện các kỹ năng.

Thống nhất số tiết tối thiểu cho từng phần, từng chuyên đề. Bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để các em học sinh bắt nhịp dần. Xác định rõ trọng tâm kiến thức giảng dạy cho từng khối lớp để tránh trùng lặp.

Không dạy nhồi nhét thụ động mà dạy sáng tạo: Phát triển phương pháp suy nghĩ ở trình độ cao phù hợp với khả năng trí tuệ của học sinh. Bồi dưỡng năng lực lao động, làm việc sáng tạo. Phát triển các kĩ năng, phương pháp và thái độ tự học suốt đời

Để chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi có hiệu quả, nhà trường cần có kế hoạch ngay trong hè, liên tục và đều đặn, không dồn ép ở tháng cuối trước khi thi.

Để hỗ trợ cho công tác dưỡng học sinh giỏi có hiệu quả, Ban giám hiệu cũng cần quan tâm đặc biệt và có những biện pháp hỗ trợ đúng mức như: tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng; bớt công tác kiêm nhiệm, chi trả công bồi dưỡng đội tuyển thỏa đáng cho giáo viên, có chế độ ưu tiên khuyến khích đối với học sinh đạt giải; tuyên dương khen thưởng kịp thời.

Với công tác phụ đạo học sinh yếu – kém, đầu tiên cần phân loại học sinh; chọn giáo viên phụ đạo là giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên giỏi; giải thích và động viên để cha mẹ học sinh hiểu được sức học của con em họ để có sự phối hợp, tạo điều kiện cho học sinh đi học đầy đủ...

Hàng tuần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm; tổng hợp kết quả, tham mưu với Ban giám hiệu có những chỉ đạo kịp thời nâng cao hiệu quả công tác phụ đạo học sinh.

Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch phụ đạo. Tăng cường giám sát việc chuyên cần học tập của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi sổ đầu bài, sổ gọi tên ghi điểm để nắm tình hình học tập, hoạt động của lớp.

Tổ chức các nhóm bạn giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện. Phân công học sinh giỏi giúp đỡ những bạn học yếu, hoàn cảnh khó khăn, không chăm học...

Thực hiện khen thưởng kịp thời đối với đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, sáng tạo, đạt hiệu quả trong các đợt huy động học sinh đến trường, vận động học sinh yếu kém học tập tiến bộ; khen thưởng học sinh yếu đi học chuyên cần, kết quả học tập nâng lên trung bình, khá.

Dự giờ thăm lớp

Các tổ chuyên môn căn cứ vào thời khoá biểu trên lớp của mỗi giáo viên, các tổ trưởng chuyên môn lên lịch dự giờ cụ thể cho mỗi giáo viên, lịch dự giừ đột xuất chỉ báo trước giờ lên lớp 5 phút. Có lịch cụ thể để giáo viên đến dự giờ các đồng nghiệp. 

Người dự giờ. Không ngồi cuối lớp mà đứng xung quanh lớp học, quan sát, vẽ sơ đồ chỗ ngồi của học sinh. Tập trung quan sát học sinh học như thế nào.

Sự vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp không. Suy nghĩ, phát hiện khó khăn trong học tập của học sinh, của giáo viên và đưa ra các biện pháp khắc phục.

Hoạt động rút kinh nghiệm giờ dạy của giáo viên: Cần cho giáo viên ghi lại những ý kiến đóng góp của mình vào phiếu dự giờ, khi sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên dựa vào phiếu đó để phát biểu ý kiến xây dựng tiết dạy.

Dựa trên kết quả học tập của học sinh để rút kinh nghiệm. Tập trung phân tích việc học của học sinh, đưa ra minh chứng cụ thể. Mọi người cùng phát hiện vấn đề học của học sinh, tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục

Người chủ trì tóm tắt các vấn đề thảo luận, gợi ý các nội dung cần suy ngẫm để mỗi giáo viên tự rút ra bài học. Nếu trong tiết dạy có nhiều ý kiến đóng góp trái ngược nhau,

Tổ trưởng sẽ trực tiếp thống nhất ý kiến với các giáo viên để đi đến kết luận và có thể chỉ đạo giáo viên dạy lại tiết dạy đó để mỗi giáo viên thực sự hết những thắc mắc băn khoăn về tiết dạy. Giáo viên dự giờ chia sẻ ý kiến về giờ học.

Phối kết hợp với tổ chức và giáo viên trong hội đồng sư phạm 

Phối kết hợp của tổ trưởng chuyên môn với các tổ trưởng chuyên môn khác; phối kết hợp giữa tổ chuyên môn với giáo viên chủ nhiệm; phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban chấp hành công đoàn triển khai thực hiện các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt:

Sơ kết, tổng kết, điều chỉnh

Tổ trưởng thực hiện sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra trong các cuộc họp chuyên môn của tổ chuyên môn trong tháng, theo từng đợt kiểm tra, từng học kỳ, tổng kết năm học.

Lưu trữ và bảo quản các thông tin về hoạt động kiểm tra bằng hồ sơ kiểm tra đảm bảo các yêu cầu của hồ sơ kiểm tra: tính chính xác, khách quan; tính toàn diện; tính rõ ràng, cụ thể; tính nhân văn.

Những đổi mới nội dung hoạt động của tổ chuyên môn cụ thể, khoa học, nội dung rõ ràng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo của nhà trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tổ chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.