Giải pháp để học sinh nói không với thuốc lá

GD&TĐ - Thầy Phạm Thái Sơn, Trưởng nhóm Công tác học sinh trường THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ giải pháp giúp học sinh nói không với thuốc lá.

Học sinh trường THCS&THPT Phenikaa chia sẻ về tác hại của thuốc lá.
Học sinh trường THCS&THPT Phenikaa chia sẻ về tác hại của thuốc lá.

Cần cho học sinh hiểu rõ tác hại từ thuốc lá

Để học sinh “nói không” với thuốc lá, thầy Phạm Thái Sơn cho rằng, trước hết cần cho học sinh hiểu thật rõ các tác hại gây ra bởi thuốc lá.

Theo đó, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi; gây tổn thương đến các mô phổi, gây suy hô hấp và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh phổi như viêm phổi mạn tính và bệnh MPOC (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Ngoài ra, nó cũng có thể gây ra ung thư về miệng, họng, thực quản và nhiều vị trí khác trong cơ thể.

Sử dụng thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau thắt ngực, đau tim, suy tim và đột quỵ.

Thuốc lá có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến sự thụ tinh và là nguyên nhân gây ra vô sinh nam và nữ.

Thuốc lá gây ra vấn đề về răng miệng như răng ố vàng, màu răng bị biến đổi, viêm nướu, hôi miệng và nhiều vấn đề khác.

Hút thuốc lá kéo dài có thể làm giảm mật độ xương và gây loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương.

Sử dụng thuốc lá có thể làm suy giảm thị lực và gây ra các vấn đề về mắt như mắt đỏ, đau mắt và mất thị lực.

“Sự hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh thông qua khói thuốc thụ động, có thể gây ra các bệnh tương tự hoặc tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá”, thầy Phạm Thái Sơn cho hay.

Giáo viên tuyên truyền về tác hai của thuốc lá.

Giáo viên tuyên truyền về tác hai của thuốc lá.

Giải pháp giúp học sinh “nói không” với thuốc lá

Theo thầy Phạm Thái Sơn, cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền để giúp học sinh nhận thức rõ hơn về sự cám dỗ, tác hại, những hậu quả hút thuốc cũng như những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nhân và các vấn đề về thần kinh, hệ hô hấp.

“Tại Trường THCS&THPT Phenikaa, qua các tiết sinh hoạt theo chủ đề, phòng tham vấn tâm lý học đường kết hợp với phòng y tế đã cùng các học sinh thảo luận về những nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực mà thuốc lá, thuốc lá điện tử gây ra cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Từ đó, học sinh nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử trong cộng đồng học đường nói riêng và xã hội nói chung.

Nhà trường tin rằng, hiểu biết và nhận thức đúng đắn sẽ giúp các em học sinh khỏe mạnh hơn, tránh xa khỏi những tệ nạn xã hội, trở thành những công dân tốt”, thầy Phạm Thái Sơn chia sẻ.

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, điều vô cùng quan trọng là người lớn làm gương. Giáo viên và Phụ huynh chính là những tấm gương sáng cho học sinh bằng cách không sử dụng các loại thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử.

Ngoài ra, thầy Phạm Thái Sơn cho rằng, cần giảng dạy cho học sinh từ bỏ việc sử dụng thuốc lá ngay từ đầu, đặc biệt là cha mẹ cần thể hiện rõ quan điểm của mình về việc hút thuốc.

Thúc đẩy lòng tự tôn của học sinh thông qua việc hướng dẫn cách đối mặt với sự thuyết phục từ bạn bè và nhận biết tác hại của thuốc lá; cũng như cách từ chối khi được mời và ứng xử khi bị bạn bè khích bác hoặc cổ vũ.

Nhà trường cần tích cực thi hành phòng chống thuốc lá trong trường học. Ví dụ như thiết lập các quy định cho giáo viên và nội quy cho học sinh; đồng thời tổ chức các chiến dịch ngắn hạn nhằm nâng cao ý thức của cả giáo viên, học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ