Sinh viên phải tự định vị được bản thân
Bên cạnh rất nhiều vấn đề được đặt ra, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chính bản thân mỗi sinh viên phải tự định vị được bản thân mình.
Bà Nguyễn Ngọc Bích - Phó Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - cho biết: Sinh viên hãy tự tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng bày tỏ mong muốn, suy nghĩ của mình với nhà tuyển dụng. Nên nhớ, nhà tuyển dụng không không tìm người giỏi nhất mà tìm người phù hợp nhất với công việc.
“Thực tế tiếp xúc với nhiều sinh viên mới ra trường, tôi thấy rằng không ít bạn cảm thấy chán nản hoặc không chấp nhận khi được giao những công việc mà bản thân là cho nhỏ nhặt, không xứng đáng với mình.
Đừng bao giờ coi thường và hãy làm những công việc đó bằng tinh thần cầu tiến, không qua loa; bởi lãnh đạo sẽ nhìn và khả năng của các bạn từ chính những công việc nhỏ đó. Nếu hoàn thành tốt nó họ mới yên tâm giao cho bạn những công việc khác quan trọng hơn.
Ngoài ra, đừng từ bỏ ngay khi gặp thử thách. Có thể thời gian đầu mình chưa nắm được công việc, nhưng hãy tự tin mình có khả năng nắm bắt công việc đó sau một thời gian nhất định” - bà Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.
Bà Hướng Mai - Giám đốc công ty Đồ gỗ Hướng Mai - nhấn mạnh việc sinh viên phải có được những mục đích cụ thể để phấn đấu. Không thể thành công nếu sinh viên không có khát vọng thực sự và không biết khi ra trường mình sẽ là gì.
Là Chủ tịch HĐQT một sàn bất động sản ở Hà Nội, ông Vũ Cao cho biết: Khi tuyển dụng, công ty đã loại rất nhiều ứng viên. Nhưng, một số ít em được nhận vào làm vẫn cần phải đào tạo lại. Doanh nghiệp không ngại phải trả lương cao cho nhân sự, nhưng dường như tâm lý nhiều sinh viên hiện nay không xác định học nghề cho giỏi mà chỉ cố sao để lấy được tấm bằng tốt, cố thi vào trường danh tiếng để dễ xin việc.
“Các bạn chỉ cần ghi nhớ một điều: Mình đi học nghề và phải giỏi nghề, như vậy doanh nghiệp sẽ dang rộng vòng tay đón các bạn” – ông Vũ Cao đưa lời khuyên.
Giải pháp từ mô hình đại học ứng dụng
Ông Trần Văn Vinh - Giám đốc Trung tâm quản lý đào tạo và thanh tra, khảo thí (Trường ĐH Nguyễn Trãi) - đề cập đến giải pháp áp dụng mô hình đào tạo mới – mô hình đại học ứng dụng.
Mô hình đại học ứng dụng là mô hình đào tạo tiên tiến được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển. Theo mô hình này, sinh viên sẽ học 30% lí thuyết trên giảng đường, 70% phần kiến thức còn lại sẽ là trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.
Quy trình đào tạo đại học ứng dụng được tiến hành theo 6 bước. Đó là: Thay đổi tư duy, khái quát chung về công việc và vị trí việc làm, thăm quan thực tế doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp sơ bộ, tổ chức đào tạo, hỗ trợ tuyển dụng việc làm và nhận thông tin từ doanh nghiệp.
Theo ông, áp dụng mô hình đại học ứng dụng, sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ I.
“Hiện tại, đã có hơn 100 doanh nghiệp ký kết hợp tác đào tạo với Trường ĐH Nguyễn Trãi, luôn tạo điều kiện cho sinh viên đến trải nghiệm thực tê tại các vị trí chuyên ngành mà các em theo học.
Ngoài ra, để xây dựng thành công mô hình đại học ứng dụng, Trường ĐH Nguyễn Trãi còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục (Smart University) nhằm đơn giản hóa công tác quản lý và tổ chức đào tạo; tạo ra sự tương tác đa chiều cho sinh viên.
Việc đào tạo sinh viên trở thành những con người toàn diện là mục tiêu cốt lõi của mô hình đại học ứng dụng. Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo ngoại ngữ, sinh viên còn được trang bị thêm 15 kỹ năng mềm và kỹ năng hội nhập. Mô hình đại học ứng dụng đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao và cơ hội thăng tiến tốt cho tương lai” – ông Trần Văn Vinh cho hay.