Đây là bước chuyển từ tư duy sang hành động với những công việc hàng ngày. Vậy nên rất cần những động lực thúc đẩy để huy động tính sáng tạo, lòng hăng say, niềm tin và sự đồng thuận cho đổi mới GD-ĐT.
Ngày nay không ai còn nghi ngờ về nguồn động lực có sức mạnh to lớn giúp con người ta làm nên những điều kỳ diệu. Nhất là đối với nguồn động lực trong hoạt động GD-ĐT, với những đặc trưng, đặc thù mà chỉ mới nhìn vào thôi đã cho chúng ta thấy trong từng hoạt động đã bao trùm lên khí chất, bản lĩnh, trí tuệ được sản sinh ra chính từ mỗi nhà giáo.
Đó là lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê nghề nghiệp mong muốn đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sức lực cống hiến, giáo dục đào tạo các thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho xã hội…
Chính những động lực đó mà trong những năm kháng chiến đã thôi thúc lớp lớp các nhà giáo chấp nhận những khó khăn, thách thức để đi theo cách mạng, đi theo lời kêu gọi của Bác Hồ phục vụ kháng chiến, gánh vác trọng trách quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”.
Và cũng chính động lực của nghề dạy học đó đã tạo nên bản lĩnh, trí tuệ của giáo dục Việt Nam, một nền giáo dục dân tộc đi từ những con số không làm nên một nền giáo dục làm cả thế giới khâm phục.
Từ chỗ trước cách mạng Tháng Tám (năm 1945), 95% dân số nước ta bị mù chữ, đến nay chúng ta đã hoàn thành kế hoạch đạt mục tiêu về xoá mù chữ và phổ cập THCS, hàng năm có gần 30% dân cư đi học trong hệ thống giáo dục chính quy và thường xuyên, thu hút gần 23 triệu người học, trong đó gần 2 triệu sinh viên, hàng vạn học sinh tốt nghiệp lớp 12 được vào học các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ðức, Pháp, Anh, v.v.
Số học sinh khá, giỏi ngày một tăng, có năm gần 1.000 học sinh đoạt giải Ô-lim-pích Quốc gia, đem về hàng trăm huy chương Ô-lim-pích Quốc tế.. . Đó là những bằng chứng hùng hồn, là thành quả công lao to lớn của các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý GD-ĐT, là nguồn động lực to lớn để mỗi thầy cô giáo tiếp tục đóng góp công việc thầm lặng của mình.
Giờ đây đất nước càng đổi mới, thì động lực nghề dạy học càng thôi thúc mỗi nhà giáo phấn đấu làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình. Nhìn vào thực tiễn trong những năm đổi GD-ĐT chúng ta thật cảm phục và tự hào trước sự đóng góp bằng chính bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ thầy, cô giáo đã không chỉ đào tạo ra những thế hệ con người “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn làm cho nền GD-ĐT nước nhà từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đó là cơ sở để nói rằng tiềm năng trong mỗi nhà giáo vô cùng to lớn đã, đang và chắc chắn sẽ đưa nền GD-ĐT nước ta bay cao, vươn xa hơn nữa. Thế nên việc khơi dậy trong mỗi nhà giáo động lực cao quý của nghề dạy học để đổi mới GD-ĐT lúc này là rất rất cần thiết.
Có thể nói hoạt động đổi mới GD-ĐT chỉ có thể thành công khi giáo viên có động lực hành động và chuyển hóa được từ ý chí trở thành tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với học sinh, đối với nghề dạy học.
Dẫu vẫn biết rằng để phát huy, khơi dậy động lực, tiềm năng trong mỗi nhà giáo đúng như nhiều người từng nói, đó là công việc khó đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều vấn đề và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, nhưng khó đấy, song không phải không làm được.
Thực tiễn chỉ cho thấy có rất nhiều cách làm khác nhau, nó có thể được bắt đầu từ những công việc như: tạo điều kiện để giảng dạy và không khí, môi trường giảng dạy, hay nói một cách rộng hơn là chính sách với nhà giáo; việc chăm lo đời sống tinh thần, cải thiện đời sống vật chất, tạo điều kiện để giáo viên được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có lộ trình phù hợp với yêu cầu đổi mới.
Trong đổi mới GD-ĐT, công nghệ, điều kiện giảng dạy, nghiên cứu bao gồm thiết bị máy móc trực tiếp, hoặc gián tiếp phục vụ cho công tác dạy học đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt là công nghệ thông tin hiện nay cứ vài năm lại xuất hiện thiết bị mới hiện đại hơn, công suất lớn hơn rất nhiều, vì vậy trong thời gian tới cần tập trung đầu tư trang bị cho các trường chí ít là đủ phương tiện để thực hiện nghiên cứu và dạy học theo kịp trình độ khu vực và thế giới.
Bên cạnh việc trang bị thiết bị, cảnh quan môi trường giáo dục phải lành mạnh luôn là yếu tố tâm lý và là yếu tố giáo dục tích cực. Một trường học nhếch nhác nhất định không thể có phong trào dạy tốt, học tốt được, đó là chưa kể người dạy, người học chỉ có thể gắn bó với nhà trường khi mà nhà trường để lại những ấn tượng nhất định và sẽ kích thích và khơi dậy ý thức giảng dạy, học tập.
Một yếu tố không thể không nhắc đến là động viên, khuyến khích về vật chất và tinh thần để mỗi giáo viên tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy.
Thực tế người làm công tác GD-ĐT vốn là những người không đặt mục tiêu lợi ích về kinh tế của cá nhân, cũng như không đòi hỏi sự đãi ngộ, cầu vinh, mà họ đến với nghề xuất phát từ động lực cao quý- đến với lòng say mê nghề nghiệp, mến trẻ và chấp nhận sự vất vả để đem vinh quang cho dân tộc…
Nhưng rõ ràng khi có sự động viên khích lệ bằng vật chất, tinh thần sẽ là động lực để giáo viên toàn tâm, toàn ý vào công tác đổi mới dạy học, nghiên cứu khoa học, gắn bó nhiều hơn đối với công việc của mình.
Bên cạnh đó cần đổi mới hoạt động phong trào thi đua, có chính sách khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc, khơi gợi nhiệt huyết và ý thức tự hào nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo...
Có như vậy mới thật sự tạo được động lực cho mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hăng say với nghề, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.