Mặc dù mỗi khi bé khóc đều khiến bố mẹ và các thành viên trong gia đình lo lắng, bối rối nhưng khóc không hoàn toàn là tiêu cực với trẻ, đó là phản xạ, khóc có thể làm bé giảm bớt khó chịu. Trên fanpage Hỏi bác sĩ nhi đồng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích và tổng hợp lời khuyên của chuyên gia tâm lý giúp bố mẹ hiểu được ý nghĩa đằng sau tiếng khóc của trẻ.
1. Bé dưới 6 tháng
Ở giai đoạn này, bé rất hay khóc, ngay cả với em bé bình thường, không có vấn đề về sức khỏe. Tiếng khóc giống như một "ngôn ngữ giao tiếp" chính của trẻ. Bé sẽ khóc nhiều trong 6 tuần đầu và sau 4 tháng tuổi, mức độ giảm dần. Đa số các bé khóc vào cuối buổi chiều và đầu buổi tối. Đây là thời điểm bố mẹ đi làm về hoặc sau một ngày làm nhiều việc nên việc bé khóc nhiều dễ gây tâm lý căng thẳng, stress cho bố mẹ.
Trong 10 bé thì sẽ có một bé khóc vì "nết", khóc mà dỗ hoài cũng không nín. Khi bé còn nhỏ thì gần như không có cách dỗ dành nào gọi là hiệu quả nhất nhưng đa phần bé khóc để được quan tâm, vuốt ve, bế bồng nên bố mẹ theo đó để đáp ứng nhu cầu của con hợp lý. Ngoài ra, người mẹ khi trực tiếp chăm sóc bé thì hãy để ý một chút để nhận ra sự khác nhau trong các kiểu khóc của trẻ: khóc do đói, mệt, lạnh, nóng hay ướt...
2. Bé trên 6 tháng
Khi đã biết nhận thức, bé khóc vì nhiều nguyên nhân hơn, có thể do bé đòi thứ gì đó mà không được đáp ứng. Bé cũng biết sợ một số thứ như âm thanh (tiếng máy hút bụi, máy giặt, máy sấy...), sợ người lạ, chỗ lạ, chỗ ngủ mới... và bé khóc khi gặp nhưng điều này. Đến khi chập chững biết đi (chưa đi vững), bé hay đòi tự đi để làm điều gì đó mà không được thì bẽ cũng khóc. Nhiều bé khóc đòi theo mẹ khi mẹ ra khỏi phòng. Trong giai đoạn này, khi bé khoảng 18 tháng tuổi, bé cũng hay khóc hơn vì bé tưởng mình làm được mọi thứ, đòi gì được nấy mà không được thì sẽ phản ứng dữ dội.
Khi be quấy khóc, bố mẹ phán đoán nguyên nhân để làm giảm cơn khóc. Ngoài ra, bố mẹ có thể thử các cách sau đây:
- Di chuyển nhẹ: đu đưa nhẹ, đi quanh nhà.
- Vuốt ve, vỗ về, ôm sát bé vào người, quấn vào chăn ấm.
- Cho bú, cho bú thêm, cho uống nước để bé quên cơn khóc.
- Cho trẻ nghe âm thanh đều đều êm dịu.
- Đưa đồ chơi mà trẻ rất thích.
- Trò chuyện với trẻ, trấn an, thủ thỉ.
Tuy nhiên, khi trẻ khóc dai dẳng, bố mẹ cần tìm hiểu xem trẻ có mắc bệnh gì không. Về phía mình, bố mẹ có thể giảm stress bằng cách nhờ người phụ giúp chăm sóc bé, thở sâu, nghe nhạc nhẹ, suy nghĩ rằng bé sẽ vượt qua, đừng bộc lộ căng thẳng, không lắc mạnh bé...