7 sai lầm phá hủy hệ miễn dịch cơ thể

GD&TĐ - Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), hệ miễn dịch là một trong những yếu tố nền tảng và được coi là tường rào giúp mọi người có một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, có 7 thói quen sai lầm mà nhiều người mắc phải đang phá hủy hệ miễn dịch một cách nghiêm trọng.

Hệ miễn dịch là yếu tố nền tảng giúp cơ thể khỏe mạnh. Ảnh minh họa.
Hệ miễn dịch là yếu tố nền tảng giúp cơ thể khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

1. Stress kéo dài

Theo bác sĩ Khánh, stress chính là tác nhân quan trọng dẫn tới hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng. “Ví dụ, chúng ta gặp trục trặc về tình cảm hoặc cú sốc về tinh thần nào đó, chắc chắn ngày hôm ấy, cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi. Điều này cho thấy, khi đó, hệ miễn dịch của chúng ta giảm vô cùng nghiêm trọng.”

Bác sĩ Khánh chia sẻ, những người độc thân hay ly hôn sẽ đối mặt với khả năng có sức khỏe giảm sút nghiêm trọng và dễ bị tai biến, ung thư cũng như các biến cố về sức khỏe.

“Khi gặp những biến cố đó, chúng ta thường lo âu, stress kéo dài. Từ đó dẫn tới việc hệ miễn dịch bị tổn thương. Hệ miễn dịch giảm cũng đồng nghĩa rằng, bệnh tật có thể ùa tới”.

Để cải thiện điều này, mọi người được khuyến cáo chú trọng tới việc cân bằng cuộc sống, công việc, bạn bè và luôn giữ tinh thần vui vẻ. Ngoài ra, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến bản thân gặp stress, như lo âu vì chuyện gia đình, hay công việc...

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, trong trường hợp cảm thấy công việc không phù hợp, cần chuyển chỗ làm và không do dự. Bởi lẽ, nếu tiếp tục gắn bó với công việc mình không mong muốn, khả năng cao người đó sẽ bị stress.

2. Sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Bác sĩ Trần Quốc Khánh.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh.

Theo bác sĩ Khánh, thực phẩm chế biến sẵn có thể là đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp, tinh bột như phở, bún, bánh mì. Lý giải cho điều này, chuyên gia chia sẻ, đây là những thực phẩm tạo ra đường đơn và không có tác dụng hỗ trợ sức đề kháng. Ngoài ra, những thực phẩm chế biến sẵn này không có nhiều vitamin hay khoáng chất cũng như chất xơ.

Bác sĩ Khánh trích dẫn: “Một chế độ ăn nhiều carbonhydrate - tinh bột tinh luyện và đường nhân tạo sẽ làm cho hệ miễn dịch khó khăn hơn trong việc thực hiện chức năng”.

Để khắc phục, mọi người được gợi ý có thể sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung chất xơ hòa tan. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cũng là điều vô cùng quan trọng, bởi các chất xơ hòa tan sẽ làm tăng mức protein, kích thích cơ thể tạo ra tế bào T để chống lại bệnh.

3. Thức quá khuya

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, điều quan trọng là mọi người cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Cách đơn giản để nhận biết ngủ đủ giấc là khi cơ thể không cảm thấy mệt mỏi mỗi lúc tỉnh dậy.

Những người thiếu ngủ không chỉ mệt mỏi, mà thường xuyên ngáp vặt. Do đó, thời gian đi ngủ tốt nhất là 22 giờ và muộn nhất là 23 giờ. 

4. Sử dụng nhiều bia rượu

Bác sĩ Khánh cho biết, hiếm ai có sức khỏe tốt nếu uống rượu và hút thuốc lá nhiều. Rượu không chỉ ảnh hưởng đến gan và dạ dày, mà còn có tác động tiêu cực đến toàn bộ cơ thể. Rượu mạnh khi vào cơ thể có khả năng làm bỏng niêm mạc vùng miệng, thực quản, tăng nguy cơ bị sẹo xơ ở niêm mạc, tạo tiền đề sinh ra các tế bào lạ (ung thư).

“Đó là nguyên nhân những người uống rượu mạnh nhiều thường bị ung thư vòm miệng hoặc thực quản. Ngoài ra, rượu có thể phá hủy tế bào gan nghiêm trọng. Bởi gan là “cơ quan hậu cần” để nhận chất dinh dưỡng từ ngoài vào. Rượu cũng làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp và viêm tụy mạn”, bác sĩ cho biết.

Cụ thể, sau khi vào gan, rượu sẽ lên não và chỉ từ 10 - 15 phút, toàn bộ tế bào não có thể bị “ngâm trong rượu”. Rượu sẽ phá hủy các đường dẫn truyền thần kinh, các kết nối nơ-ron của não, dẫn đến hiện tượng rối loạn cảm xúc và hành vi. Nghiêm trọng nhất, rượu làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể.

5. Hút nhiều thuốc lá

Trong khi đó, thuốc lá cũng không chỉ ảnh hưởng đến phổi, mà tác động xấu đến cả cơ thể. Bác sĩ Khánh cho biết, theo thống kê, có 90% các trường hợp ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá. Thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, vòm miệng, bàng quang và khiến người thân đối mặt với khả năng ung thư nhiều hơn 20%.

Bên cạnh đó, thuốc lá làm tổn thương tim mạch: Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tổn thương thành mạch, mao mạch nhỏ. Hút thuốc lá thường xuyên cũng khiến cơ thể đối mặt với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen, viêm loét dạ dày, thoái hóa khớp và loãng xương.

Nghiêm trọng hơn, thuốc là làm tăng nguy cơ sâu răng, giảm thính lực và đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, người thân và trẻ nhỏ của người hút thuốc lá cũng phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

6. Không tiêm phòng cúm hằng năm

Bác sĩ Khánh nhận định, đa số người trưởng thành tại Việt Nam không duy trì thói quen tiêm phòng cúm hằng năm.

“Tiêm phòng cúm hằng năm là một trong những “phản xạ” mà tất cả người dân nên thực hiện, nhằm duy trì và tăng cường sức đề kháng. Khi xuất hiện, cúm sẽ phá hủy hệ miễn dịch và khiến chúng ta có khả năng bị nhiễm các bệnh khác”, chuyên gia cảnh báo. 

7. Lười tập thể dục

Theo bác sĩ Khánh, sẽ không người nào có hệ miễn dịch và sức khỏe kém nếu duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Vì vậy, những ai chưa từng tới phòng tập, cũng như dành thời gian chạy bộ hoặc chơi bóng đá... cần thay đổi thói quen.

“Nếu không, đau ốm sẽ kéo đến và bác sĩ cũng sẽ không cứu được bạn”, bác sĩ cảnh báo.

Bác sĩ lý giải, cơ thể khỏe mạnh khi có sự chuyển hóa. Khi tập thể dục, tim co bóp mạnh và nhanh, khiến lượng máu đi vào cơ thể mạnh, mạch máu co giãn thường xuyên giúp các mảng xơ vữa động mạch tan đi.

Nhờ tập thể dục, sức đàn hồi của mạch máu tốt hơn, phổi thở liên tục và thông khí tăng lên. Khi mồ hôi tiết ra, các chất cặn bã được thải. Nhờ đó, việc uống nhiều nước giúp cơ thể dễ chuyển hóa. Bác sĩ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, đó chính là “gốc rễ” của một cơ thể khỏe mạnh khi tập thể dục đều đặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.