Tọa đàm với sự tham dự của TS-NSND Bạch Tuyết, TS Nguyễn Thanh Hùng, Ths Thụy Anh, cùng toàn thể giáo viên, học sinh của trường THPT Nguyễn Du.
Nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn trong học đường?
Tuổi trẻ học đường rất dễ chịu tác động từ nhà trường, gia đình. Hiện nay, nhiều học sinh dễ rơi vào tình trạng "cô đơn" ngay cả khi ở trường hoặc ở nhà, các em khó có thể chia sẻ, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, hay thậm chí là cả cha mẹ. Không chỉ có những suy nghĩ tiêu cực, một số em còn có những hành động dại dột để giải tỏa sự cô đơn.
Theo TS Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Huế, có rất nhiều trạng thái biểu hiện cho sự cô đơn: nghe đi nghe lại bản nhạc nào đó một cách vô thức, thường xuyên thức khuya, đắm chìm bản thân trong bóng tối, đặt niềm tin của mình vào các mối quan hệ ảo, không biết người nói chuyện với mình là ai, không biết họ ở đâu nhưng vẫn tâm sự với họ, cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, cảm thấy bản thân mình là người thất bại... đó là những biểu hiện của sự cô đơn.
"Đối với học sinh, sự cô đơn biểu hiện rõ nhất là khi bản thân cảm thấy không có nhiều bạn, cảm thấy thua thiệt với bạn khác, luôn đánh giá bản thân mình kém cỏi, luôn dày vò bản thân bằng những suy nghĩ tiêu cực, những điều này làm cho sự cô đơn trong mỗi học sinh đang lớn dần lên" - TS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Ths Thụy Anh thông tin, theo nghiên cứu từ Ấn Độ, 80% độ tuổi dưới 18 trải nghiệm cảm giác cô đơn, trong khi đó, chỉ có khoảng 40% số người trên 65 tuổi trải nghiệm cảm giác ấy. Tuổi vị thành niên là lứa tuổi đi tìm kiếm bản thân mình, tìm kiếm "tôi là ai?", tìm kiếm con người mình như thế nào? dưới con mắt của bạn bè, cha mẹ, thầy cô.
Để tìm được những câu trả lời ấy, học sinh khao khát được yêu thương, khao khát được trân trọng, khi phải đối diện với thất bại, đối diện với sự chối từ, trống rỗng của bản thân, học sinh sẽ rơi vào trạng thái cô đơn.
Gia đình thường đặt ra một khuôn mẫu hướng đến cho con mình, học sinh lại không thích nghi được với khuôn mẫu ấy, cảm thấy bản thân không thuộc về một nơi nào cả, những lúc ấy cũng khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái cô đơn.
Về những tác động tiêu cực từ sự cô đơn đem đến cho học sinh, Ths Thụy Anh đã chia sẻ câu chuyện về một học sinh 17 tuổi tìm đến với cô khi vừa ra viện sau lần tự tử bất thành do cô đơn trong chính gia đình mình. Học sinh ấy kể, mỗi người trong gia đình đều bận rộn với công việc của riêng mình, rất ít có thời gian ở bên nhau, cả gia đình gần như không để ý đến những thành viên khác.
Bỗng một ngày bạn ấy có suy nghĩ "Nếu mình biến mất thì sao?" và học sinh ấy đã chọn cách tiêu cực nhất để giải thoát sự cô đơn ra khỏi bản thân mình. "Lúc em thoát khỏi tử thần, em mới nhận ra, việc giải tỏa sự cô đơn của em thật sự dại dột, em luôn là điều quý giá nhất đối với gia đình. Cha mẹ bận rộn, làm tất cả mọi thứ là để dành những điều tốt nhất cho em. Cha mẹ sẽ không ổn một chút nào nếu một ngày em biến mất" - học sinh 17 tuổi chia sẻ.
Khi học sinh rơi vào trạng thái cô đơn, các em có một sự e ngại rất lớn về việc chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Sự cô đơn sẽ làm cho học sinh sợ sệt, không giám bước đến để nhận sự giúp đỡ từ người khác.
Làm sao để xóa bỏ sự cô đơn trong trường học?
Chia sẻ về cách để giúp học sinh tránh được sự cô đơn trong trường học, Ths Thụy Anh nói: "Nhà trường là nơi có nội quy, luật lệ, nhưng thầy cô nên tạo cho học sinh một môi trường giáo dục Không phán xét, để học sinh được là chính bản thân mình. Trước khi để trẻ đến với môi trường có kỷ luật giáo dục, phụ huynh nên đồng hành cùng các em, là những người bạn trên một hành trình đủ chậm, chấp nhận và yêu thương bản thân con. Đừng vội vàng đẩy học sinh đến hoàn thiện trong môi trường giáo dục khi chưa chấp nhận con người của các con. Học sinh sẽ bị cô đơn trong chính môi trường gia đình cũng như trường học".
Đồng quan điểm về sự quan trọng của môi trường giáo dục đến với tâm lý học sinh, TS Nguyễn Thanh Hùng cũng cho rằng, không có học sinh nào là người kém cỏi, thầy cô không chỉ là người giúp học sinh tìm cách giải quyết một bài toán, bài văn, thầy cô còn là những người giúp học sinh giải quyết những khó khăn, xóa đi điều tiêu cực trong cuộc sống, đó chính là sự yêu thương, nhân ái của giáo dục vì mỗi ngày đến trường là một niềm vui.
Tham gia buổi tọa đàm, nhiều học sinh cũng có những chia sẻ về bản thân mình, học sinh luôn mong muốn phụ huynh và giáo viên không chỉ là đầu tàu, là ngọn đèn soi sáng, mà còn là người bạn đồng hành, là nơi học sinh có thể chia sẻ những điều khó khăn, vui buồn trong cuộc sống, để tâm trạng không còn nặng nề, không phải mang theo sự cô đơn đến trường, không còn cảm thấy bản thân chỉ có một mình khi đến lớp, xóa đi cảm giác trống rỗng, lạc lõng khi ở nhà.