Giai đoạn mới của đại dịch

GD&TĐ - Trong khi Mỹ đang chờ cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 thì đại dịch đã khiến 2.760 người nước này chết chỉ trong ngày 2/12, cao nhất kể từ tháng 4.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự nguy hiểm không giới hạn của virus Corona đã khiến Nga và Anh không thể đợi thêm và ra quyết định trong cùng thời điểm về kế hoạch tiêm chủng.

Quyết định của Anh hôm 2/12 khiến họ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cấp phép lưu hành cho vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Theo đó, loại vắc-xin có kết quả thử nghiệm hiệu quả 95% này sẽ được tiêm đại trà cho người dân xứ sở sương mù kể từ tuần sau.

Hãng Pfizer-BioNTech dự tính có khả năng cung cấp 50 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 ra thị trường toàn cầu trong năm 2020. Con số này trong năm 2021 sẽ là 1,3 tỷ liều. Riêng nước Anh đã ký hợp đồng đặt mua trước tổng cộng 40 triệu liều vắc-xin và sẽ được nhận lô hàng đầu tiên gồm 800.000 liều trong tuần tới.

Đây sẽ là thời khắc mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống Covid-19, đánh dấu việc khoa học sẽ chiến thắng đại dịch. Ủy ban vắc-xin của Anh đang chuẩn bị công bố chi tiết các nhóm dân số được ưu tiên tiêm vắc-xin đầu tiên, nhiều khả năng sẽ là những người sống trong viện dưỡng lão, các nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và nhóm có bệnh nền nguy cơ tổn thương nặng khi nhiễm virus.

Cùng thời điểm Anh ra quyết định cấp phép cho vắc-xin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu giới chức nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin Sputnik V trên phạm vi toàn quốc, từ thứ Tư tuần sau. Đây là loại vắc-xin ngừa Covid-19 do các nhà khoa học Nga nghiên cứu và phát triển, được khẳng định hiệu quả ngừa bệnh trên 90 %.

Cả Anh và Nga đều nằm trong nhóm các nước có ổ dịch lớn nhất thế giới và quyết định của họ sẽ đánh dấu việc thế giới chính thức bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch, khi vắc-xin bắt đầu được tiêm trên diện rộng. Tuy nhiên, khi thời của vắc-xin bắt đầu cũng là lúc nảy sinh hàng loạt yếu tố liên quan, trong đó có cả vấn đề hình sự.

Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol vừa phát cảnh báo cho 194 quốc gia thành viên về nguy cơ xuất hiện làn sóng tội phạm sản xuất vắc-xin Covid-19 giả trên toàn cầu. Do vậy các nước cần có sự chuẩn bị để đối phó với hành vi phạm tội để trục lợi khó tránh khỏi này song song với việc triển khai tiêm vắc-xin đại trà.

Bên cạnh đó, các yêu cầu khắt khe về bảo quản vắc-xin cũng đang đặt ra hàng loạt thách thức cho công tác hậu cần tiêm chủng. Riêng vắc-xin của hãng Pfizer-BioNTech đòi hỏi phải luôn được bảo quản ở nhiệt độ lạnh tới âm 70 độ C, vượt quá khả năng của các loại tủ lạnh hoặc cấp đông thông thường hiện nay.

Ngoài ra, khi vắc-xin giúp hoạt động du lịch và vận chuyển hàng không quốc tế phục hồi cũng sẽ dẫn tới nhu cầu đột biến về xét nghiệm sàng lọc. Đây chính là điều kiện có thể làm phát sinh loại tội phạm làm giả các bộ xét nghiệm virus và tung ra thị trường đang bùng nổ trên quy mô toàn cầu này.

Việc Anh cấp phép trong thời gian nhanh kỷ lục cho vắc-xin ngừa Covid-19 đã khiến nhiều nước nghi ngại và chỉ trích, trong đó có EU. Các nước EU như Đức cho biết, họ sẽ có thủ tục phê chuẩn vắc-xin lâu hơn và yêu cầu kiểm tra nhiều hơn so với Anh để tạo sự tin tưởng. Tuy nhiên, khi tranh cãi đang nổ ra thì Covid-19 vẫn không ngừng cướp đi sinh mạng bệnh nhân như con số kỷ lục được ghi nhận tại Mỹ hôm 2/12 vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ