Giải đáp về phụ cấp thanh tra nhân dân

Ông Hoàng Long (hl8361488@....) hỏi: Mức phụ cấp đối với thanh tra nhân dân trong cơ quan sự nghiệp? Dùng quỹ công đoàn để thanh toán phụ cấp cho thanh tra nhân dân có đúng không?

Các đại biểu Trường ĐH Kiến trúc TP HCM bỏ phiếu bầu Ban Thanh tra Nhân dân nhiệm kỳ 2013 -2015
Các đại biểu Trường ĐH Kiến trúc TP HCM bỏ phiếu bầu Ban Thanh tra Nhân dân nhiệm kỳ 2013 -2015

Luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội) trả lời:

Khoản 1 Điều 72 , Khoản 1 Điều 73 và Khoản 4 Điều 75  Luật Thanh tra năm 2010 quy định, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu.

Ban Thanh tra nhân dân có từ 3 - 9 thành viên là người lao động hoặc đang công tác trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.  Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân là 2 năm.


Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động. 

Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm động viên người lao động ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ủng hộ, tham gia hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Theo Khoản 1 và Khoản 5 Điều 74 của Luật này thì người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân về các chế độ, chính sách và những thông tin cần thiết khác; 

Bảo đảm quyền lợi đối với thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong thời gian thành viên đó thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ kinh phí, phương tiện để Ban Thanh tra nhân dân hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp ông Hoàng Long hỏi về chế độ phụ cấp cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thì hiện nay, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với thanh tra viên là công chức xếp lương theo các ngạch Thanh tra viên Thanh tra nhà nước được thực hiện theo Quyết định số 202/2005/QĐ-TTg ngày 9/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhưng chế độ phụ cấp đối với thanh tra viên nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thì chưa thấy có quy định cụ thể.

Thực tiễn cho thấy, thành viên Ban thanh tra nhân dân thường là Tổ trưởng công đoàn, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn cơ sở kiêm nhiệm công tác thanh tra nhân dân tại cơ quan, đơn vị  nên họ được hưởng chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đặc thù Ban thanh tra nhân dân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động và nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đó.

Do đó, để đảm bảo khách quan trong hoạt động giám sát, nếu thành viên Ban Thanh tra nhân dân được hưởng phụ cấp từ nguồn quỹ công đoàn thanh toán là phù hợp.

Theo chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.