Giải Cánh diều cần bứt phá để bay cao

GD&TĐ - Đến kỳ này, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam tròn tuổi 20.

Một cảnh trong bộ phim độc lập 'Tro tàn rực rỡ' dù xuất sắc giành nhiều giải quốc tế danh giá nhưng không thành công về doanh thu khi ra rạp cuối năm 2022.
Một cảnh trong bộ phim độc lập 'Tro tàn rực rỡ' dù xuất sắc giành nhiều giải quốc tế danh giá nhưng không thành công về doanh thu khi ra rạp cuối năm 2022.

Đến kỳ này, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam tròn tuổi 20. Ngay khi bước sang độ rực rỡ xuân thì, không ít kỳ vọng được đặt ra cho giải thưởng cùng băn khoăn cần bứt phá thế nào để góp sức đưa nền Điện ảnh nước nhà thực sự cất cánh…

Sắc màu lễ hội

Giải Cánh diều 2023 được Hội Điện ảnh Việt Nam khởi động từ tháng 7 và 8 với các hoạt động tiền sự kiện. Cụ thể, Ban Giám khảo thẩm định, đánh giá các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình dự thi.

Chương trình nhiều số đối thoại mở thoại talkshow/podcast trên nền tảng mạng xã hội về giải Cánh diều 2023 với sự tham gia của các đoàn làm phim dự giải thưởng cũng được bắt đầu từ tháng 8.

Từ ngày 6 - 9/9, sẽ là khoảng thời gian cao điểm của sự kiện với chuỗi hoạt động hấp dẫn. Đó là một “Cung đường điện ảnh” sẽ chiếu phim điện ảnh dự Cánh diều 2023 tại Lotte Cinema Nha Trang Trần Phú và Lotte Cinema Nha Trang Thái Nguyên kết hợp lấy ý kiến khán giả trực tiếp bình chọn Phim truyện điện ảnh yêu thích.

Bên cạnh đó còn chiếu giới thiệu các phim truyện điện ảnh, tài liệu, hoạt hình giành Cánh diều Vàng từ 2002 - 2022 tại các điểm chiếu ngoài trời thành phố Nha Trang và một số vùng sâu của tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, một Liên hoan Văn hóa - Ẩm thực - Điện ảnh sẽ được tổ chức gồm các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp nhằm tăng cường tương tác xã hội của Cánh diều 2023 và góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Khánh Hòa tại Quảng trường Nhà hát Đó thuộc Dự án Vega City Nha Trang và trung tâm TP Nha Trang.

“Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình 20 năm của Giải thưởng Cánh diều Vàng khi được nâng lên tầm cao mới: Trở thành thương hiệu Điện ảnh Quốc gia và từng bước hướng đến tầm quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này rất cần có tầm nhìn chiến lược với những tư duy mới mẻ trên cơ sở kết nối nguồn lực từ chính quyền đến các doanh nghiệp trong cả nước cùng với Hội Điện ảnh Việt Nam nhằm tạo nên chương trình hấp dẫn vừa thể hiện tinh thần, bản sắc truyền thống, vừa lan tỏa những giá trị nhân văn, hướng tới những cộng đồng” - PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

Đặc biệt, tại sự kiện tâm điểm, Lễ công bố và trao Giải thưởng Cánh diều Vàng 2023 cho tác phẩm và nghệ sĩ điện ảnh, phim truyền hình xuất sắc gồm nhiều hoạt động đáng chú ý như: Nghi thức chào cờ Tổ quốc đón bình minh tại kỳ đài mới khánh thành tại Quảng trường 2/4; triển lãm “Con đường danh vọng” tổng kết 20 năm giải thưởng Cánh diều (2002 - 2022), vinh danh người làm phim, tác phẩm giành giải thưởng Cánh diều Vàng và các nghệ sĩ lão thành có cống hiến đặc biệt xuất sắc cho nền Điện ảnh dân tộc.

Hoạt động thảm đỏ sẽ kết hợp trình diễn âm nhạc, giao lưu nghệ sĩ, người làm phim với công chúng, khán giả, doanh nghiệp…

Lễ trao giải thưởng Cánh diều Vàng 2023 tại Nhà hát Đó sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV9, KTV và các nền tảng mạng xã hội...

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch của Hội Điện ảnh Việt Nam, người đã bắc thành công nhịp cầu giải Cánh diều đến với thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa, suốt 18 kỳ trước, sự kiện thường tổ chức luân phiên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Năm 2021, lần đầu giải Cánh diều tổ chức ở Nha Trang và sẽ tiếp tục được nối dài liên tiếp trong nhiều năm tới.

Khác với 19 lần trước thường chỉ trọng tâm vào hoạt động chiếu phim, thảm đỏ, trao giải hoặc tọa đàm, tại giải Cánh diều lần này, công chúng sẽ được hòa vào bầu không khí lễ hội không chỉ của riêng điện ảnh mà còn có những kết hợp với âm nhạc, thực cảnh, du lịch…

Đánh giá Nha Trang là nơi kết nối không gian tổ chức các hoạt động và cả dàn dựng bối cảnh quay phim lý tưởng, ông Tú mong muốn sự kiện sẽ đem đến cho thành phố biển những màu sắc mới hấp dẫn và trở thành điểm hẹn đầy quyến rũ không chỉ với du khách mà còn với các đoàn làm phim, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho việc tổ chức các liên hoan phim, gặp gỡ, giao lưu giữa những người làm phim, nghệ sĩ điện ảnh - truyền hình…

Với tỉnh Khánh Hòa, việc chọn sự kiện trao giải Cánh diều để hợp tác, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với điện ảnh cùng mong muốn sớm đưa Nha Trang – Khánh Hòa trở thành Trung tâm Giao lưu Văn hóa – Điện ảnh thế giới, kết nối tạo thành một liên minh điện ảnh toàn cầu.

Đồng thời, từ ký kết phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao Khánh Hòa (do UBND tỉnh Khánh Hòa ủy nhiệm), Hội Điện ảnh Việt Nam và Công ty cổ phần Vega City cùng tổ chức giải Cánh diều thường niên từ năm 2023 – 2025 vào tháng 8 và lễ trao giải ở Nhà hát Đó, sự kiện được kỳ vọng sẽ trở thành Festival Điện ảnh mang tầm quốc gia, hướng tới tầm quốc tế.

Tất nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thiện – Giám đốc Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, ngành Văn hóa nghệ thuật và thể thao Khánh Hòa cũng rất cần các ban, bộ, ngành Trung ương, các Hội Trung ương, Hội Điện ảnh Việt Nam cùng đồng hành đưa các hoạt động thiết thực, cụ thể của điện ảnh nước nhà…

Một cảnh trong bộ phim 'Phơi sáng' do Cục Điện ảnh đặt hàng Hãng phim Giải phóng sản xuất, vừa hoàn thành đầu tháng 8.

Một cảnh trong bộ phim 'Phơi sáng' do Cục Điện ảnh đặt hàng Hãng phim Giải phóng sản xuất, vừa hoàn thành đầu tháng 8.

Bứt phá thế nào?

Ở các hạng mục tranh giải Cánh diều, phim truyện điện ảnh luôn được công chúng đặc biệt quan tâm, gần như lấy đó là thước đo đánh giá sự chuyển mình của ngành Điện ảnh Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, kỳ liên hoan lần thứ 20 này có 16 phim truyện điện ảnh được sản xuất năm 2022 - 2023 tranh tài, gồm: “Hoa nhài”, “Em và Trịnh”, “Tro tàn rực rỡ”, “Memento Mori: Đất”, “Nhà bà nữ”, “Mười: Lời nguyền trở lại”, “Tiểu đội hoa hồng”, “Phơi sáng”, “9”, “Vong nhi”, “Cô gái từ quá khứ”, “Con Nhót mót chồng”, “Chị chị, em em”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Hạnh phúc máu”, “Biệt đội rất ổn”.

Trong đó, chiếm số đông vẫn là phim tư nhân (14/16 phim). Hai phim được Nhà nước đầu tư là “Tiểu đội hoa hồng” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 2022; phim “Phơi sáng” được Cục Điện ảnh đặt hàng Hãng phim Giải phóng sản xuất vừa hoàn thành đầu tháng 8.

Ngoài ra, có một bất ngờ: Bộ phim “9” là của tập thể sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cùng tham gia tranh tài năm nay.

Ngoài các phim “Hoa nhài”, “Tiểu đội hoa hồng”, “Phơi sáng” và “9” chưa bán vé doanh thu thì nhìn về doanh số các bộ phim đã công chiếu (theo trang box office), có ba tác phẩm vượt trăm tỷ đồng là “Nhà bà Nữ” hơn 450 tỷ, “Chị chị em em 2” và “Siêu lừa gặp siêu lầy” cùng hơn 120 tỷ.

Các phim trên 70 tỷ đồng có “Em và Trịnh” hơn 97 tỷ, “Con Nhót mót chồng” hơn 75 tỷ. Phim “Cô gái từ quá khứ” đạt hơn 50 tỷ đồng. Còn lại các phim dưới 25 tỷ đồng (“Vong nhi”, “Mười: Lời nguyền trở lại”); thậm chí có phim chỉ được vài tỷ đồng như “Tro tàn rực rỡ” (khoảng 4 tỷ) và vài trăm triệu như “Memento Mori: Đất” (hơn 260 triệu đồng).

Bức tranh doanh thu này chưa chắc đã phản ánh đúng chất lượng vì trên thực tế có không ít bộ phim đạt doanh thu cao song chất lượng nghệ thuật, nội dung chỉ ở mức thường thường. Và ngược lại, có phim được chăm chút đầu tư cả về nội dung, hình ảnh, thông điệp, được giải cao trong nước và quốc tế song khi ra rạp lại thất bại.

Một cảnh trong phim 'Nhà bà Nữ' – bộ phim có doanh thu kỷ lục lên đến hơn 450 triệu đồng. Ảnh: Nam Nguyễn.

Một cảnh trong phim 'Nhà bà Nữ' – bộ phim có doanh thu kỷ lục lên đến hơn 450 triệu đồng. Ảnh: Nam Nguyễn.

Có thể điểm một loạt phim chất lượng tốt vì kịch bản phần lớn chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học và được dụng công sáng tạo, đã xuất sắc giành giải Cánh diều Vàng, Bạc… từ 2011 trở về trước như: “Người đàn bà mộng du” (2003); “Thời xa vắng” (không có giải Vàng 2004); “Mùa len trâu”, “Chuyện của Pao” (2005); “Sống trong sợ hãi” (Giải Báo chí phê bình 2005); “Hà Nội Hà Nội”, “Áo lụa Hà Đông” (2006); “Đừng đốt” (2009); “Long thành cầm giả ca”, “Cánh đồng bất tận” (2010); “Mùi cỏ cháy” (2011)… gần như vắng bóng ở rạp; cũng có phim phát hành song thu về chẳng bao nhiêu.

Từ 2011 trở lại đây, những bộ phim được vinh danh tại giải này có màu sắc khác, thường có doanh thu cao ở phòng vé. Ví như “Long ruồi” (2011), “Thần tượng” (2013); “Trúng số”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015); “Sài Gòn, anh yêu em”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (2016); “Cô ba Sài Gòn”, “Cô gái đến từ hôm qua” (2017); “Chàng vợ của em” (2018); “Hai Phượng” (2019); “Bố già” (2020)…

Khi đó, những phim được Nhà nước đặt hàng hoặc của Điện ảnh quân đội thường lùi lại phía sau với những giải thưởng không ở thứ hạng đầu tiên (giải Vàng) như: “Những người viết huyền thoại” (2013); “Những đứa con của làng”; “Thầu Chín ở Xiêm” (2014); “Cuộc đời của Yến”; “Người trở về” (2015); “Truyền thuyết về Quán Tiên” (2019); “Bình minh đỏ” (2021)…

Thực ra, bài toán tỷ lệ thuận giữa chất lượng và doanh thu không phải là câu chuyện của riêng điện ảnh Việt Nam.

Nhiều phim giành giải cao ở các liên hoan phim danh giá như Cannes, Oscar… cũng khó khăn khi ra rạp. Nhưng, vẫn cần lý tưởng tiến bước với nguyên tắc không thể nương vào thực tế đó mà chỉ chăm chút chất lượng nghệ thuật và ngó lơ nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Và, mỗi tác phẩm chỉ thực sự sống khi được khán giả đón nhận, cùng thấu cảm những giá trị được gửi gắm trong đó, tác phẩm điện ảnh không nằm ngoài quy luật chung này.

Một cảnh trong phim 'Siêu lừa gặp siêu lầy' có doanh thu hơn trăm tỷ đồng.

Một cảnh trong phim 'Siêu lừa gặp siêu lầy' có doanh thu hơn trăm tỷ đồng.

Vậy, đứng trước thực tế ấy, liệu rằng, khi bước sang tuổi 20, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ có những đổi mới cho giải Cánh diều 2023 để góp phần thúc đẩy phim truyện điện ảnh bứt phá mạnh mẽ hơn – nhất là phim đoạt giải vừa đảm bảo giá trị nghệ thuật, nội dung vừa đảm bảo về doanh thu để nhà sản xuất tiếp tục “dấn thân”?.

Sở dĩ có thể kỳ vọng như thế vì Cánh diều vốn là giải thưởng thường niên của Hội, mang tính chất tổng kết năm, động viên phong trào sáng tác, phổ biến ở các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật.

Vậy nhưng, ngay khi xuất hiện – từ năm 2002 cho đến nay (trước đó thuộc hệ thống giải thưởng liên hoan phim Việt Nam), giải Cánh diều luôn được quan tâm, đề cao và kỳ vọng từ đây thúc đẩy nền Điện ảnh nước nhà sẽ bay cao, bay xa.

Có thể mong muốn đó là quá cao với vai trò ban đầu của giải, song lại là niềm hãnh diện, không phải giải thưởng nào của các hội cũng xây dựng được.

Nhịp bước sang tuổi 20 này chính là cơ hội để ban tổ chức giải thưởng chuyển mình và bứt phá, trong đó “không có cách nào khác là chất lượng giải thưởng phải đặt lên hàng đầu, đi liền với sự chuyên nghiệp, đẳng cấp trong công tác tổ chức.

Trong đó, phải tìm ra hình thức tôn vinh xứng đáng, trân trọng với những thành viên ban giám khảo...”, như ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh tại họp báo về giải thưởng Cánh diều Vàng 2023.

Theo thông tin từ BTC có 157 tác phẩm ở các thể loại: Phim truyện điện ảnh (16 tác phẩm), phim truyện truyền hình (17 tác phẩm), phim ngắn (52 tác phẩm), phim hoạt hình (22 tác phẩm), phim tài liệu (34 tác phẩm), phim khoa học (11 tác phẩm) và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình, gửi về tranh giải Cánh diều 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.