Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục' là một diễn đàn ý nghĩa

GD&TĐ - Nhà báo Hoàng Đình Giang, phóng viên Báo Thanh Hóa là người luôn trăn trở với đề tài giáo dục và có "duyên" với các cuộc thi viết về ngành.

Nhà báo Hoàng Đình Giang chụp ảnh với một trẻ em vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC
Nhà báo Hoàng Đình Giang chụp ảnh với một trẻ em vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Nhà báo Đình Giang (36 tuổi) tốt nghiệp cử nhân văn, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Cách đây 12 năm, Lê Đình Giang về công tác tại Báo Văn hóa và Đời sống (Thanh Hóa). Đến năm 2021, tờ báo này sáp nhập về Báo Thanh Hóa và anh công tác ở Phòng Bạn đọc - Tư liệu của đơn vị.

Anh Đình Giang cho hay, 12 năm gắn bó với nghề, nhưng mỗi lần đi công tác là một lần trải nghiệm đối với anh về con người và cuộc sống. Từng con chữ, từng bài viết đã được bồi đắp cách viết, cách diễn đạt thêm phần sinh động, hấp dẫn theo năm tháng.

Đối với anh, mảng đề tài văn hoá - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đã thực sự là “mảnh đất màu mỡ” cho tâm hồn giàu xúc cảm của mình có dịp thăng hoa. Những nét đẹp văn hoá trong cuộc sống đời thường, gương người tốt - việc tốt, những mảnh đời bất hạnh… được anh say sưa tìm hiểu và viết với tất cả niềm đam mê, tâm huyết của mình.

Nhà báo Đình Giang cho rằng, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024, là cuộc thi ý nghĩa, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong ngành giáo dục cùng toàn xã hội về truyền thống tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp “trồng người”.

Những nhân vật mà anh lựa chọn tham dự cuộc thi này, là các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, vùng sâu, biên giới xa xôi của xứ Thanh.

Trong chuyến công tác đi về những bản vùng sâu, vùng xa huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa), tác giả đã ghi lại những gian truân, nỗ lực của nhiều thầy, cô giáo - những người không ngại khó khăn, dậy sớm đi bộ, vượt đèo lội suối để gieo chữ cho học trò.

Ở vùng đất khó ấy, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa coi trọng việc học tập của con em, nên dẫn đến tình trạng học sinh thường xuyên nghỉ học, gián đoạn đến trường...

46c54e644b11f04fa900.jpg
Nhà báo Hoàng Đình Giang và học sinh miền núi. Ảnh: NVCC

Để vận động học sinh đến lớp, các thầy cô giáo, cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng... phải đi đến từng nhà, thậm chí thức khuya, vượt qua những ngọn đồi, lội qua nhiều con suối để gặp gỡ, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường.

“Cuộc thi “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo GD&TĐ - đơn vị thường trực, là một diễn đàn ý nghĩa, một cầu nối để xã hội có thể hiểu, trân trọng và sẻ chia những cống hiến thầm lặng của người làm giáo dục”, anh Đình Giang chia sẻ.

Theo nhà báo Đình Giang, giải thưởng này tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc viết về giáo dục, những tấm gương nhà giáo tận tụy, các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi, thu hút sự tham gia của nhiều người với đa dạng các loại hình báo chí, như: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ, tính bao trùm của cuộc thi.

Điều này mở ra cơ hội cho nhiều nhà báo và người viết ở mọi miền đất nước có thể chia sẻ những câu chuyện cảm động, những sáng kiến, nỗ lực của những người làm giáo dục ở các vùng miền khác nhau.

Cuộc thi không chỉ vinh danh những thành tựu trong ngành giáo dục mà còn truyền tải một thông điệp sâu sắc về giá trị của giáo dục đối với sự phát triển của xã hội.

"Mỗi tác phẩm là một lời nhắc nhở về sự quan trọng của giáo dục trong việc hình thành và nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Những bài viết, phóng sự, câu chuyện trong cuộc thi đều góp phần khích lệ tinh thần vì sự nghiệp giáo dục của các tác giả và cộng đồng; động viên, cổ vũ tinh thần các nhà giáo nơi vùng sâu, vùng xa, những người đã không ngại khó khăn gian khổ để mang tri thức đến mọi miền.

Những tác phẩm đoạt giải sẽ là động lực to lớn, giúp các nhà giáo thêm niềm tin, sự tự hào và động lực để tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp “gieo chữ”. Các nhà báo và người viết sẽ được khích lệ và gắn bó hơn với lĩnh vực viết về giáo dục, một lĩnh vực đòi hỏi sự cảm thông, tình yêu thương và lòng trắc ẩn cao", anh Đình Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái chủ trì phiên họp. (Ảnh: CTTĐT Yên Bái)

21 Đảng viên ở Yên Bái bị khởi tố

GD&TĐ - Cơ quan điều tra công an các cấp tại Yên Bái khởi tố 13 vụ/29 bị can liên quan đến kinh tế, tham nhũng, trong đó có 21 bị can là đảng viên.