Giải bài toán thiếu giáo viên ở Trung Quốc

GD&TĐ - Hình thức bài giảng trực tuyến (online) đang giúp học sinh nông thôn Trung Quốc tiếp cận những môn học như Anh ngữ trong bối cảnh thiếu giáo viên…  

Giải bài toán thiếu giáo viên ở Trung Quốc

Khắc phục hiện trạng thiếu giáo viên

Một trong những rào cản lớn nhất với giáo dục nông thôn Trung Quốc là không có đủ giáo viên sẵn sàng làm việc tại những khu vực hẻo lánh và nghèo nàn. Tuy nhiên một nhóm giáo viên công nghệ tại phía Đông Trung Quốc đã có giải pháp.

Trong 4 năm rưỡi qua, Wang Fei và đồng nghiệp đã đưa những tiết học trực tuyến vào lịch học của học sinh ở nhiều môn, trong đó có Anh ngữ - vốn trước đây không được dạy ở THCS.

Trong tiết học, qua màn chiếu, học sinh có thể nhìn trực tiếp giáo viên và các bạn ở trường khác qua nền tảng học trực tuyến.

Wang là một trong 100 nhà giáo được trao tặng giải thưởng của Quỹ Jack Ma cho sự đóng góp vào giáo dục nông thôn Trung Quốc trong buổi lễ mới diễn ra tại Tam Á trên đảo Hải Nam. Mỗi người đoạt giải nhận 100.000 tệ (15.000 USD).

Tại ngôi trường của Wang nằm ở hạt Huantai, tỉnh Sơn Đông, các tiết học trực tuyến là một phần chính thức trong chương trình. Các tiết học miễn phí được dạy bởi giáo viên có kinh nghiệm, phần lớn đang làm việc ở các thành phố lớn, dạy tình nguyện. Chương trình – chạy trên nền tảng học online Cctalk của Công ty Hujiang EdTech (trụ ở tại Thượng Hải) – mở tới toàn bộ học sinh tiểu học và THCS tại Trung Quốc qua kết nối Internet.

“Trong quá khứ, những học sinh nông thôn dùng sách giáo khoa đã lỗi thời và giáo viên cũng già cỗi” – Wang, giảng dạy tại Trường THCS thị trấn Xingjia, chia sẻ - “Nay học sinh của tôi như có một cánh cửa nhìn ra thế giới qua các tiết học online này”.

Trang bị sự tự tin cho trẻ nông thôn

Các tiết học online giúp phát triển kĩ năng học trực tuyến của trẻ và chúng đã học được nhiều thủ thuật tin học cơ bản.

“Tôi muốn trang bị cho bọn trẻ những kiến thức và kĩ năng mới nhất để chúng có thể dễ dàng hoà nhập xã hội khi ra trường” – Wang nói – “Hiện tại, khi tương tác với trẻ thành phố, chúng không còn cảm thấy sự khác biệt nào”.

“Tiết học online diễn ra trực tiếp, vì vậy học sinh có thể tương tác với giáo viên” – Wang nói thêm – “Vì vậy nếu học sinh trả lời đúng, chúng được giáo viên khen, chúng cũng cảm thấy hãnh diện bởi được khen trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học sinh trên cả nước đang tham gia tiết học”.

Wang tốt nghiệp khoa Âm nhạc Trường Sư phạm và về thẳng nông thôn dạy học. Khi biết đến loại hình học trực tuyến, Wang cảm thấy như “mở mắt” bởi kiến thức mình học được quá lỗi thời.

Câu chuyện của Wang phổ biết tại nông thôn Trung Quốc, nơi trường tiểu học và THCS chỉ có thể tuyển dụng giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm, thậm chí cả những người không đủ chuẩn bằng cấp.

Họ được trả lương thấp và mặc dù chính phủ có những biện pháp thu hút giáo viên nông thôn – gồm tăng lương, hỗ trợ và cả miễn học phí cho sinh viên sư phạm cam kết làm việc ở nông thôn trong một thời gian nhất định – số lượng vẫn giảm xuống. Theo số liệu gần đây nhất, có 4,7 triệu giáo viên nông thôn năm 2010 nhưng đã giảm còn 3,3 triệu năm 2013.

Loại hình học trực tuyến như Wang đang đẩy mạnh phù hợp với chiến lược của Bộ Giáo dục Trung Quốc kết nối trường nông thôn với “tài nguyên giáo dục mở”. Khoảng 87% trường tiểu học và THCS tại đại lục Trung Quốc đã truy cập Internet vào năm 2016, theo Bộ Giáo dục.
Theo SouthChinaMorningPost

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.