Từ đó, gia tăng các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ phát triển cộng đồng.
Đầu tư cho nhà khoa học
Với sứ mệnh hỗ trợ các nhà khoa học, sinh viên khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) được thành lập theo mô hình doanh nghiệp. Ông Trần Phi Long - cán bộ phụ trách cho hay, Vườn ươm cung cấp các dịch vụ đa dạng nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trên cơ sở đó, đơn vị có một số hoạt động chính gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp, Ươm tạo công nghệ, Ươm tạo doanh nghiệp, Kết nối các nguồn lực và cung cấp dịch vụ khác. Ngoài ra, Vườn ươm còn hợp tác với các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp.
Những năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện nhiều chính sách đầu tư cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học công nghệ… PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Trưởng ban Khoa học Công nghệ cho biết, ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về sở hữu trí tuệ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, thành lập và phát triển doanh nghiệp.
“Các chính sách này được triển khai đồng bộ, góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhà khoa học để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị cao. Nhiều sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn”, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú chia sẻ.
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhiều sản phẩm từ các hoạt động khoa học công nghệ đã và đang được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; cải tiến và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; phát triển thị trường cho doanh nghiệp.
Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các trường đại học, không chỉ là trung tâm đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển giao tri thức. Các cơ sở giáo dục đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Khó thương mại hóa sản phẩm
Nhấn mạnh, phát triển các doanh nghiệp Spin-off/startup từ các trường đại học không chỉ đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong đời sống, PGS.TS Đào Thanh Trường trao đổi, việc này còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới giải quyết các bài toán từ thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, dù có nhiều nỗ lực nhưng quá trình chuyển giao tri thức, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội.
Đề nghị, Chính phủ quan tâm, có chính sách đặc thù để khuyến khích đội ngũ trí thức, khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Đưa ra đề xuất, GS.TS Nguyễn Thị Lan (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội kiêm Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đồng thời khẳng định, đây chính là lực lượng nòng cốt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia. Hằng năm, nhiều đề tài được thực hiện và không ít quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhận thấy, chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh. Vô hình trung gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Để có thể phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn về trí tuệ, khoa học công nghệ, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất, Quốc hội, Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp Spin-off (mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ).
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, mô hình này thành công ở nhiều nước trên thế giới và có doanh thu khá lớn. Từ đây, tạo ra không ít việc làm cho xã hội, lan tỏa tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên. Đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Qua đó, nhằm huy động đội ngũ trí thức, khoa học của các trường, viện nghiên cứu tham gia đổi mới, sáng tạo bằng kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu phát triển mô hình Spin-off.
Từ kinh nghiệm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tham khảo các mô hình Spin-off của các nước trên thế giới, GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát, bổ sung các quy định pháp luật, hướng dẫn thực hiện cho loại hình doanh nghiệp Spin-off. Ngoài ra, Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi; trong đó cho phép các nhà khoa học được tham gia vào Ban quản lý điều hành doanh nghiệp Spin-off để làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ.
Từ đây, tạo sản phẩm mới chất lượng và hiệu quả; giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học quyết định khai thác, sử dụng sản phẩm đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư để nghiên cứu.
Kết nối doanh nghiệp - nhà trường - nhà khoa học
Khẳng định, tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học/nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp nhìn nhận, đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia.
Qua đó, nhằm gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu và giải quyết bài toán thực tiễn. Có như vậy, các kết quả, sản phẩm tạo ra mới nhanh chóng được áp dụng trong thực tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
“Việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp Spin-off, startup trong cơ sở giáo dục đại học là giải pháp mang tính chiến lược để đạt được các mục tiêu trên; đặc biệt là phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả”, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm nhấn mạnh.
Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang hỗ trợ các nhà khoa học, người học cũng như doanh nghiệp một số hoạt động như: Tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; Tiếp nhận và chuyển giao tri thức, ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ; Ươm tạo công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo và nghiên cứu theo đặt hàng để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, hỗ trợ các nhà khoa học hợp tác doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư phát triển cho các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ; đa dạng nội dung và hình thức triển khai, chú trọng chất lượng, hiệu quả. Mặt khác, tăng cường công tác chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, thúc đẩy các hoạt động ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo.
Từ thực tiễn kinh doanh, ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An chia sẻ, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp có nhiều vấn đề nảy sinh rất cần sự tư vấn, hỗ trợ, đồng hành của nhà khoa học. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin, kênh kết nối là hạn chế khiến doanh nghiệp - nhà trường - nhà khoa học chưa hợp tác chặt chẽ với nhau. Vì vậy, việc hỗ trợ của đơn vị trung gian là cần thiết.
“2 năm qua, chúng tôi đã làm việc với các nhà khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) để đặt hàng, hợp tác nghiên cứu trong việc kiểm định chất lượng, phát triển sản phẩm mới. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học đem lại giá trị gia tăng, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thời gian tới, hai bên tiếp tục tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu theo đặt hàng để đưa ra những sản phẩm tốt, chất lượng phục vụ nhân dân”, ông Trương Văn Hiền chia sẻ.
Từ góc nhìn nhà khoa học, TS Hoàng Văn Hà - Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) mong muốn thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học của mình. “Không có gì hạnh phúc hơn khi được thấy sản phẩm do mình nghiên cứu phục vụ cộng đồng và người dân”, TS Hoàng Văn Hà bày tỏ và cho biết, các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc kinh doanh, gọi vốn, bán hàng. Do đó, cần nhận được hỗ trợ từ đơn vị ươm tạo để thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ mình tạo ra và thành lập doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào thị trường.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ tiếp tục xây dựng cơ chế phù hợp nhằm tăng cường gắn kết giữa viện - trường - doanh nghiệp. Từ đó, hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam; đồng thời thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học.