Muôn kiểu đòn thù
Ly hôn là lối thoát, nhưng với chị Đinh T.C. (Phường 28, Bình Thạnh, TPHCM) lại là ngõ cụt vì sự làm càn, bất chấp pháp luật của chồng cũ.
Khi còn sống chung, tính vũ phu, ghen tuông của chồng cướp mất hạnh phúc gia đình; giờ ly hôn, anh ta lại càng trở thành “hung thần” của chị và các con.
Kiếm chuyện quấy rối chị, lúc thì anh ta đòi gặp, chở con đi, khi thì chửi mắng hoặc đánh chị ngay chốn đông người. Ông chồng cũ này hành hung chị không gây thương tích nặng nề nhưng khiến chị lo sợ, ám ảnh dai dẳng…
Làm nghề bán bánh canh cua nuôi ba con, trong đó có một con bị chứng chậm phát triển, gánh mưu sinh đã oằn vai, chị C. không còn sức chống chọi với “đòn thù” của chồng cũ.
Chị khóc: “Mượn cớ đến thăm con, anh ta bắt con gái học mầm non về ở với mình rồi giấu biệt. Nhiều lần, anh ta mang con theo, đưa con đi học rồi quên đón khiến cô giáo phải điện thoại gọi tôi đến đón. Tôi mở miệng trách thì anh ta đánh.
Khổ tâm hơn, đứa con trai 14 tuổi bị “lây nhiễm” bản tính hung hăng của cha. Mỗi lần cháu nói hỗn hoặc cãi lời, tôi la rầy, thể nào sau đó anh ta cũng biết chuyện và đánh tôi”.
Chị đã nhiều lần nhờ chính quyền can thiệp nhưng “đánh hơi” được, anh chồng cũ trốn biệt, sau đó còn hành chị thê thảm hơn vì "tội" báo công an.
Một ngày, chị Nguyễn T.N. (phóng viên một tờ báo mạng ở TPHCM) vừa dắt xe ra khỏi cửa thì bất ngờ té ngã vì thềm nhà đầy dầu nhớt. Cùng lúc, chị nhận được tin nhắn là cái mặt cười hả hê, kèm theo dòng chế giễu: “Cho mày khỏi đi dẹo trai”.
Trong công việc, chị T.N. cũng bị “dội bom” vì nhiều lá đơn nặc danh, tố cáo chị đặt điều, viết sai sự thật lẫn... ăn tiền khiến bao phen chị phải giải trình với sếp.
Tuy không có sai phạm nhưng những lúc ấy, tâm trạng chị rất hoang mang; kéo theo mất tập trung, năng suất làm việc giảm, chưa kể uy tín bị ảnh hưởng. Tất cả những “tai vạ” đó xuất hiện kể từ khi chị thôi chồng.
Thủ phạm tuy không xuất đầu lộ diện nhưng chị T.N. đoan chắc chính là chồng cũ. Ngày ly hôn, vừa ra khỏi cổng tòa án, anh ta trừng mắt nhìn chị, rít lên: “Mày dám ly hôn, đi kiếm thằng khác thì tao sẽ cho mày thân bại danh liệt, đi lượm rác mà ăn!”.
Công việc buộc chị phải đi nhiều, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người nên dù sợ “bóng ma” đeo bám, chị vẫn phải ra ngoài. Có người vừa uống cà phê với chị, quay ra bất ngờ gặp kẻ lạ sấn tới dằn mặt, gây sự. Dù biết luật, biết cách để đưa kẻ giấu mặt ra ánh sáng nhưng chị lại không muốn vụ việc thêm lùm xùm, càng khổ thân.
Tự hại mình
Phục thù người cũ không chỉ là chuyện của riêng phái mạnh. Nhiều phụ nữ sau ly hôn vẫn luôn tìm cách làm cho chồng cũ điêu đứng, “sống không bằng chết”.
Chị Dương Thị A.D. (nhân viên văn phòng ở quận 8) đã mất rất nhiều công sức để tập hợp hồ sơ gồm hình ảnh, đoạn phim quay cảnh “mặn nồng” của chồng chị cùng người tình và đoạn ghi âm của những người tự nhận là nạn nhân từng bị chồng chị lừa đảo, gạt tiền...
Chị hùng hồn cho biết, nếu pháp luật không xử lý rốt ráo, chị sẽ tung đoạn phim lên mạng cho chồng cũ xấu mặt, mất chức. Theo chị A.D., việc trừng trị kẻ sai phạm chỉ là “thay trời hành đạo”, để xã hội công bằng, tốt đẹp hơn.
“Vì sao trước kia, chị không tố cáo mà đợi đến sau ly hôn? Giờ nếu chồng cũ của chị bị mất tất cả những gì đang có thì chị được gì?”.
Nghe chuyên viên hỏi “được gì”, chị D. khóc nghẹn, thú thật: “Tôi không biết mình được gì nhưng không cam lòng nhìn người đàn ông từng lừa lọc vợ, đối xử tệ bạc với con vẫn ung dung thăng quan tiến chức, sống phây phây bên vợ trẻ. Kẻ ác cứ nhơn nhơn, không phải trả giá thì còn gì luật nhân quả ở đời?”.
Chị D. thừa nhận, mấy năm trời làm “thám tử” bất đắc dĩ, lo rình rập theo dõi, nghe lén điện thoại, cài thiết bị định vị, thu thập chứng cứ để tố giác chồng, chị đã thay đổi quá nhiều: mắt thâm quầng, mặt phờ phạc, công việc xuống dốc, sự hiền lành, nhu mì thuở nào giờ bay biến, nhường chỗ cho sự đanh đá, mưu mô.
Sự thay đổi ấy đã cướp mất hình ảnh người mẹ hồn hậu, tận tụy trong lòng các con. “Nhiều đêm tôi thức trắng, lớp nát óc nghĩ cách cho chồng cũ một bài học, lớp lo chuyện thằng con bỏ học, mê game, còn đứa con gái thì…” - chị bỏ lửng. Cuộc sống càng khó khăn, gặp trắc trở chị càng cay cú chồng cũ vì nghĩ chính anh đã gây ra tất cả những bất hạnh đó cho chị.
Chia tay, không ai tránh khỏi hụt hẫng. Vì thế, nếu đổ vỡ là chuyện tất nhiên, người trong cuộc phải chuẩn bị mọi mặt, nhất là về tâm lý để không chìm đắm vào nỗi buồn, vào những suy nghĩ tiêu cực, có hành động nông nổi, mất kiểm soát.
Hãy trị liệu tâm lý cho mình bằng cách chia sẻ, tâm sự với bạn bè, người thân, tham gia các môn giải trí, hoạt động xã hội… để vực dậy tinh thần, giữ được sự bình an cho bản thân.
Theo chuyên viên Nguyễn Ngọc Diệp, những người phá rối, gây phương hại cho vợ/chồng cũ chỉ là lấy tổn thương bù đắp tổn thương. Làm cho người khác không được yên ổn, hạnh phúc thì bản thân mình cũng không thể yên ổn, hạnh phúc.
Hại người cũng chính là hại mình. Hậu quả cuối cùng không chỉ là vi phạm pháp luật hay đánh mất những mối quan hệ quan trọng mà là “ta không còn là ta nữa”.
Neo giữ sự thù hằn cũng là nuôi giữ “tính ác”, khiến những gì tốt đẹp vốn có trong ta bị lấn át, tiêu biến. Một lúc nào đó, chính ta sẽ tự thấy thất vọng, căm ghét và xa lạ với chính mình, bế tắc không lối ra.
Thay vì bỏ thời gian, công sức để trả thù, mỗi người nên dùng năng lượng đó tập trung làm việc, chăm lo bản thân, nuôi dạy con cái. Đã thất bại trong “sự nghiệp” làm chồng, làm vợ thì nên đầu tư tích cực vào “sự nghiệp” làm cha, làm mẹ.
Cuộc sống mới sẽ mở ra. Nếu không thể xem nhau là bạn thì cũng đừng xem là kẻ thù vì dù sao cả hai cũng từng trải qua một thời gắn bó, còn có chung trách nhiệm với các con.