Giá vàng đạt đỉnh, người dân tranh thủ mang bán kiếm lời

GD&TĐ - Liên tục tăng vọt thời gian qua, giá vàng SJC đã đạt mốc cao nhất trong lịch sử ở mức 74 triệu đồng/lượng.

Người dân tranh thủ mang vàng đi bán kiếm lời sau khi giá vàng đạt đỉnh.
Người dân tranh thủ mang vàng đi bán kiếm lời sau khi giá vàng đạt đỉnh.

Trước biến động này, nhiều người dân đã tranh thủ mang đi bán kiếm lời.

Giá vàng tăng “phi mã”

Theo khảo sát, ở thị trường trong nước, giá vàng đã tăng phi mã. Tới 9h sáng 29/11, vàng miếng SJC tiếp tục tăng dựng đứng, mức tăng cao nhất lên tới 1,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC của thương hiệu vàng Doji thậm chí đạt 74,6 triệu đồng/lượng, thiết lập kỷ lục mới cao nhất, phá vỡ mức cao nhất thiết lập vào tháng 3 năm ngoái.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 73,2 - 74,42 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 73,2 - 74,6 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với mức giá chốt phiên liền trước.

Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 73,3 - 74,5 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1.000.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.

Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 73,2 triệu đồng/lượng và bán ra mức 74,4 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng ở chiều mua và 900.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên hôm trước.

Giá vàng nhẫn 9999 cũng tăng mạnh, thiết lập kỷ lục mới. Vàng nhẫn PNJ có giá niêm yết mua vào - bán ra là 61,2 - 62,4 triệu đồng, tăng 600.000 đồng/lượng cả hai chiều.

Nhận định về giá vàng trong nước từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước Tết và trong Tết.

Tuy nhiên, giá vàng rất thất thường, lên cao nhưng cũng có thể tụt xuống. Vì vậy, với những người không có năng lực, khả năng kinh doanh và nắm bắt thị trường thì sẽ có xu hướng gửi tiết kiệm để an toàn, bảo vệ được tài sản.

Còn với những người có khả năng nắm bắt nhanh, có năng lực quyết định, thường họ sẽ mua vào, bán ra rất nhanh. Do vậy, nhân cơ hội này nhiều người sẽ đầu tư kinh doanh vàng để nhanh chóng kiếm lời.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên, điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác để đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính.

Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

Theo ông Hiếu, những nhà đầu tư đang “ôm” vàng nên chốt lời, nếu có điểm chốt lời 10 hay 20% thì nên bán ra, không đợi giá lên thêm vì giá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Người dân chốt lời

Theo ghi nhận tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khách đến khá đông, đứng kín cả phía trong cửa hàng. Nhiều người cho biết họ đang có ý định bán vàng khi giá lên cao.

Anh Trần Thành Lâm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh vừa nhận được một lượng vàng do bạn bè trả nợ hồi tháng trước. Hôm nay thấy giá vàng lên cao nên quyết định đem bán.

“Bạn bè thân thiết của chúng tôi thường cho nhau vay bằng vàng. Tôi từng giúp bạn 1 lượng vàng vào năm ngoái, tháng trước người bạn đó đã trả lại toàn bộ số vàng, hôm nay giá vàng lên cao nên đem bán vì tôi cũng đang cần tiền. Hơn nữa, cũng rất lâu rồi giá vàng mới cao như thế nên tôi phải tận dụng luôn”, anh Lâm nói.

Chị Lan Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị có tổng cộng 3 lượng làm của hồi môn lúc cưới, giờ có điều kiện kinh tế ổn định, kèm theo giá vàng tăng cao nên chị đã quyết định cùng chồng đi bán để lấy tiền lời.

Tương tự, anh Hoàng Huy (Phú Xuyên, Hà Nội) đã mang toàn bộ số vàng trong nhà đi chốt lời. Nếu giá mua vào là 70 triệu đồng/lượng, anh sẽ lãi mỗi lượng là 20 triệu đồng.

“5 lượng vàng của tôi đã mua từ lâu, tôi định dùng để xây nhà vào cuối năm nay. Bây giờ, giá vàng đang tốt nên tôi tranh thủ chốt lời luôn vì không biết sắp tới giá biến động thế nào”, anh Huy nói.

Ở một tâm lý khác, có hơn 300 triệu đồng gửi tiết kiệm đến thời gian đáo hạn, chị Kim Linh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện tại lãi suất tiết kiệm quá thấp, nếu gửi tiếp 6 tháng thì tiền lãi chỉ nhận về hơn 5 - 6 triệu đồng. Vì vậy, chị đang băn khoăn có nên mua vàng đầu tư lúc này hay không.

“Lãi suất ngân hàng tôi đang gửi chỉ ở mức 5,4 - 5,8%/năm, gửi 300 triệu đồng trong 6 tháng chỉ nhận về 7,1 triệu đồng tiền lãi cuối kỳ. Trong khi đó, mọi người đang kháo nhau giá vàng có thể còn tăng nữa, nếu lướt sóng khả năng cao sẽ có lãi”, chị Linh nói.

Tuy nhiên, nhìn bảng giá vàng, thấy mức chênh lệch giữa mua vào và bán ra lên đến 1 triệu đồng, chị Linh lại băn khoăn chưa biết nên xuống tiền mua vàng lúc này hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.