(GD&TĐ)- Phiên giao dịch đêm qua (23/9), trên sàn Comex- NewYork giá vàng giao tháng 12 giảm tới 101,9 USD, xuống còn 1.639,80 USD/ounce. Trong khi các nhà đầu tư đang tăng lượng tiền mặt nắm giữ do lo ngại những bất ổn trên các thị trường tài chính toàn cầu.
>>>Vàng trong nước và thế giới chênh kỷ lục: 2 triệu đồng/lượng
Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất của vàng loại này kể từ tháng 6/2006 tới nay.
Giá vàng tương lai đánh dấu mức giảm trong ngày lớn nhất trong vòng 5 năm qua, khi chốt phiên giảm tới 5,9%. Trong khi đó đây cũng là mức giá chốt thấp nhất của vàng kỳ hạn kể từ ngày 1/8, khi giá ở mức 1.621,7 USD/ounce.
Ảnh minh họa. |
Tính chung cả tuần giao dịch, giá vàng tương lai giảm tới 9,7%, mức giảm theo tuần tệ nhất kể từ giữa thập niên 1980, theo đánh giá của hãng nghiên cứu FactSet. Giá vàng giao tháng 9 trượt 9,6% trong tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/1983.
Trên thị trường vàng giao ngay, đêm qua, giá cũng bốc hơi mạnh, xuống còn 1.643 USD/ounce. Trong phiên, giá vàng giao ngay biến động từ 1.628,69 USD/ounce tới 1.754,71 USD/ounce. Tính chung cả tuần, vàng giao ngay mất 9%, mức giảm lớn nhất trong vòng 31 năm qua.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 22/9, giá vàng quốc tế cũng đã trượt giảm 3,7%. Thị trường đi xuống trong toàn bộ thời gian giao dịch, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 400 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng kế hoạch trên không đủ để cứu vãn nền kinh tế đang tăng trưởng èo uột của Mỹ. Tuy nhiên, chương trình còn được gọi là QE 2.5 này đã khiến đồng USD tăng giá mạnh mẽ, đẩy các thị trường hàng hóa như vàng, dầu, chứng khoán trượt sâu.
Giá bạc đã giảm tới 18% trong phiên giao dịch đêm qua, đây mức giảm mạnh nhất trong hàng thập niên của kim loại quý này. Bạch kim trượt 5,7%. Các kim loại quý hiếm khác cũng đồng loạt rớt giá.
Cụ thể, giá bạc hợp đồng tháng 12 hạ 6,48 USD, xuống còn 30,10 USD/ounce, mức chốt thấp nhất kể từ ngày 11/2, khi giá đứng ở 29,99 USD/ounce. Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất của bạc hợp đồng giao sau kể từ năm 1984 tới nay, theo đánh giá của FactSet.
Giá bạch kim tương lai cũng giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/5/2010, khi giá hợp đồng tháng 10 trượt tới 97,40 USD, tương ứng 5,7%, xuống chốt ở 1.613,20 USD/ounce. Đây là mức chốt thấp nhất của bạch kim kể từ ngày 21/9/2010, khi đứng ở mốc 1.612,4 USD/ounce.
Một động thái liên qua khác, trong phiên giao dịch hôm qua (22/9), chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã vượt lên mức 78,80 điểm, cao chưa từng có kể từ ngày 18/1 tới nay.
Đóng cửa trước đó, tại châu Á phiên 22/9, đồng USD cũng đã lấy lại được sức sống khi tăng giá mạnh mẽ so với một số đồng tiền châu Á, như đồng SGD, Won hay TWD, do nhà đầu tư ngại bị rủi ro sau vài tháng rơi vào tình trạng bán tháo xuất phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ.
Phiên 22/9 ở Tokyo, đồng USD tăng từ mức 76,48 Yên/USD trong phiên 21/9 ở New York lên 76,73 Yên/USD. Trong khi đó, đồng Euro được giao dịch với giá 104,1 Yên/Euro, so với mức 103,74 Yên/Euro trong phiên trước. Còn tỷ giá Euro/USD không đổi, đứng ở mức 1,3562 USD/Euro.
Trong khi đó, giá vàng trong nước hôm nay (24/9) giảm 1 triệu đồng xuống 45,6 triệu đồng/lượng. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng của thị trường vàng trong nước.
Lúc 8h30 sáng nay, giá vàng trong nước giảm 600 nghìn - 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua, xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng.
Giá vàng SJC hiện giao dịch tại 45,1 - 45,6 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng. Đây là mức thấp nhất của giá vàng SJC kể từ ngày 26/8.
So với giá vàng thế giới quy đổi, hiện khoảng cách giá vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng
An Sương