Từ lá thư ngỏ của một hội viên gửi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đăng trên tài khoản Facebook cá nhân, trong đó đề cử một số tác giả trở thành thành viên của Hội cùng lá thư trả lời (cũng đăng trên tài khoản Facebook cá nhân) của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các vấn đề liên quan tới kết nạp hội viên ở Hội Nhà văn Việt Nam lại được bàn luận sôi nổi trên diễn đàn mạng xã hội, với những góc nhìn khác nhau, đồng thuận hoặc không đồng thuận.
Một số nhà văn, nhà thơ từng nói đùa rằng thời tiết trong năm có bốn mùa, riêng Hà Nội có năm mùa, vì thêm một mùa kết nạp hội viên. Câu đùa này không phải ngẫu nhiên.
Thường mỗi cuối năm, các hội đồng chuyên môn sẽ họp lại, xem xét các hồ sơ xin gia nhập Hội, từ đó lập ra một danh sách những cá nhân đủ tiêu chuẩn để đưa lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ban Chấp hành sẽ rà soát lại, có quyền bổ sung thêm hay lược bớt. Danh sách hội viên được kết nạp năm đó được công khai trên các phương tiện truyền thông.
Cũng từ lâu, trong giới cầm bút, việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rất được coi trọng. Có vẻ như tấm thẻ hội viên của Hội này danh giá hơn các hội chuyên ngành Trung ương khác.
Điều này không thành văn bản, nhưng nằm sâu trong tâm lý. Thế nên mới có nhiều tình huống hài có bi cũng có. Người thì mở tiệc ăn mừng, trịnh trọng báo cáo tổ tiên. Người cạy cục, theo đuổi bao nhiêu năm mà vẫn ôm nỗi buồn. Người tự hào vì mình được mời vào, kẻ tự ti nộp đơn cả chục năm vẫn bị loại. Nhìn danh sách hội viên mới, người tâm đắc, người lại ngạc nhiên ủa sao kỳ vậy…
Các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật luôn có vai trò nhất định đối với các cá nhân nói riêng, với đời sống sáng tạo nói chung. Nhưng thực tế cho thấy, tấm thẻ hội viên không quyết định việc anh trở thành nhà nọ nhà kia. Có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng chưa chắc đã là nhà văn, nhà thơ. Có người không vào hội mà luôn được bạn văn trân trọng, bạn đọc biết đến.
Bí quyết nằm ở đâu? Chính là tác phẩm.
Vậy thay vì trăn trở có phải hội viên hay không, người viết đích thực luôn đầu tư vào tác phẩm. Đó là sự đầu tư nghiêm túc và “có lời”. Một tác phẩm giá trị sẽ không bị thờ ơ. Còn nếu đã thực sự lao tâm khổ tứ mà không được như mong đợi thì cũng chẳng nên lấy làm buồn phiền quá mức.
Nghệ thuật cần tài năng, đặc biệt những tài năng lớn. Song mặt khác, cuộc sống luôn mở ra nhiều cơ hội, nhiều lĩnh vực lao động sáng tạo, với các giá trị bình đẳng bên nhau.
“Sống đã rồi hãy viết”. Những ngày tham gia kháng chiến, nhà văn - liệt sĩ Nam Cao luôn tự nhắc nhở mình như vậy. Thực hành giá trị sống nhân ái, làm việc và cống hiến vì xã hội vì cộng đồng chính là đang viết bài thơ hay bất tận.