Oumuamua (tên đầy đủ là 1I/’Oumuamua) là vật thể bí ẩn đến chỗ chúng ta từ ngoài Hệ Mặt trời. Nó được nhà vật lý người Canada Robert Wedyk phát hiện năm 2017 dựa trên các quan sát của Kính viễn vọng Pan STARRS đặt ở Hawaii (Mỹ). Lúc đó, Oumuamua ở cách Trái đất khoảng 30 triệu km.
Ban đầu, các nhà thiên văn học cho rằng Oumuamua là sao chổi. Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ lưỡng, người ta xếp Oumuamua vào danh sách các tiểu hành tinh. Vật thể này không ngừng làm các nhà khoa học ngạc nhiên: Hóa ra, nó thể hiện là có gia tốc phi hấp dẫn; còn các đặc tính vật lý trên bề mặt của nó khiến người ta nghĩ là nó có nhân như sao chổi.
Những nghiên cứu mới nhất cho rằng, Oumuamua có lẽ là một mảnh vỡ từ một thiên thể lớn hơn. Thiên thể này đã bị các lực hấp dẫn xé rách khi di chuyển gần một ngôi sao.
Nguồn gốc cái tên 1I/’Oumuamua cũng khá thú vị. Chữ I xuất phát từ “interstellar” (liên sao); số 1 được thêm vào để nhấn mạnh rằng đây là thiên thể đầu tiên từ ngoài Hệ Mặt trời. Phần chính của tên (Oumuamua) xuất phát từ tiếng Hawaii, thể hiện đây là “sứ giả đầu tiên” đến từ không gian liên sao.
“Kịch bản “mảnh vỡ” không chỉ bảo đảm cách thức hình thành vật thể kiểu này, mà còn chứng tỏ có rất nhiều vật thể liên sao giống tiểu hành tinh” - nhà khoa học Yun Zhang ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết.
Giả thuyết mới cũng giải thích “sự kỳ quặc” của vật thể. Chẳng hạn, Oumuamua có hình dạng thuôn dài, trông giống điếu xì gà vũ trụ. Các nhà thiên văn học chưa từng quan sát thấy thiên thể nào có hình dạng như vậy. Ngoài ra, Oumuamua thể hiện “gia tốc phi hấp dẫn”, tức là chuyển động không bị thúc đẩy bởi Mặt trời, sao Mộc hoặc bất kỳ thiên thể lớn nào khác.
Chuyển động như vậy có thể được giải thích là do sự thoát khí sao chổi gây ra. Tuy nhiên, Oumuamua không thể hiện bất kỳ dấu hiệu thoát khí nào; nó không có đuôi cũng như không có nhân như sao chổi. Một số người còn đồn đại rằng Oumuamua có thể là tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh.
Giả thuyết mới nói về nguồn gốc tự nhiên của Oumuamua. Nhóm nghiên cứu của Zhang đã sử dụng các mô phỏng máy tính để nghiên cứu xem các vật thể thay đổi như thế nào khi bay gần các ngôi sao. Việc di chuyển quá gần có thể khiến vật thể bị xé rách; sau đó các mảnh vỡ tiếp tục lang thang trong không gian vũ trụ.
Quá trình nóng lên cực đoan trong khi bay gần ngôi sao và sau đó nguội lạnh khiến cho các mảnh vỡ này tạo ra lớp vỏ bên ngoài, giúp duy trì hình dạng kỳ quặc của chúng. “Trung bình, mỗi hệ hành tinh phải ném vào không gian liên sao khoảng 100 tỷ vật thể giống như Oumuamua” - Zhang cho biết.
Các mảnh vỡ có thể rất khác nhau: Từ sao chổi, tiểu hành tinh đến hành tinh nhỏ. Các vật thể liên sao tương tự như Oumuamua có thể cung cấp các chỉ dẫn quý giá về sự hình thành và tiến hóa của các hệ hành tinh.
Oumuamua không phải là “vị khách ngoài Hệ Mặt trời” duy nhất. Vào tháng 7/2019, các nhà thiên văn học phát hiện thiên thể liên sao thứ hai - sao Chổi 2I/Borisov.