Thủ tướng yêu cầu phải duy trì quản lý chặt chẽ của Nhà nước về giá thuốc, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm có tác động rộng khắp đến cuộc sống, sức khỏe người dân. Trong khi đó Bộ Y tế tỏ ý muốn “đá quả bóng” trách nhiệm quản lý giá về cho Bộ Tài chính.
Bộ Y tế kể khổ vì “nai ra ép giá, áp giá”
Trình bày dự thảo sửa đổi Luật Dược, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phiền muộn: Sau 8 năm giữ trách nhiệm quản lý giá thuốc theo Luật Dược hiện hành, Bộ Y tế thấy việc dùng mệnh lệnh hành chính, “nai ra ép giá, áp giá các doanh nghiệp” để giữ giá thuốc là không hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, không nên tiếp tục cách làm không giống ai là để Bộ Y tế quản lý hoàn toàn giá thuốc theo quy trình khép kín, khiến Quốc hội và nhân dân chê trách là Bộ Y tế vừa “đá bóng, vừa thổi còi”, thiếu công khai minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực...
Theo Bộ trưởng Y tế, trên thế giới không ai làm như vậy. “Với thuốc Bảo hiểm Y tế, họ tăng cường dùng thuốc gốc, thuốc nội, tránh biệt dược và các hãng thương mại” - Bà nói.
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, thế giới chủ yếu đàm phán giá thuốc, chứ đấu thầu có khi giá lại cao hơn. Chỉ có thuốc “đường phố” thì để theo quy luật thị trường.
Bộ trưởng Tiến yêu cầu phải thành lập hội đồng về giá thuốc, trong đó Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về giá, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, còn Bộ Công Thương công bố giá gốc, hàng giả hàng nhái.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tỏ ra không mặn mà, khi đề nghị Bộ Y tế vẫn nên “là người chủ trì, phù hợp luật hiện hành”. Bộ trưởng Tài chính còn ca ngợi sự điều hành của Bộ Y tế trong thời gian qua, khi giúp “giá thuốc ổn định, thấp hơn CPI”.
Bộ trưởng Y tế phải đứng đầu Hội đồng Quốc gia về giá thuốc
Song đề xuất của Bộ Y tế cũng không được các thành viên chính phủ đồng tình. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, giá thuốc có tác động đến toàn dân, và thực tế vừa qua cho thấy có những bất cập trong quản lý.
“Nếu mới nghe qua, tưởng như đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý giá thuốc là đúng. Nhưng tôi thấy lo ngại, vì Bộ Tài chính chỉ đảm nhận giám sát, thanh tra, kiểm tra” - Ông nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, việc điều hòa cung cầu, kiểm soát tồn kho, phân phối cũng là việc của bộ chuyên ngành, chứ không phải là Bộ Tài chính.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình, nêu phương án thành lập Hội đồng Quốc gia về giá thuốc do Bộ trưởng Y tế đứng đầu, để người chịu trách nhiệm chính trước người dân và chính phủ là Bộ y tế. “Chứ Bộ Tài chính làm sao biết được các sản phẩm thuốc mới” - Ông phân tích.
Phải kéo giá thuốc xuống, không dân khổ lắm
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Bộ Y tế phải quản lý giá thuốc, còn Bộ Tài chính chỉ là bên thẩm định, kiểm tra.
Giá thuốc đang cao quá, càng đấu thầu càng cao. Sau lưng mỗi bệnh viện, bác sĩ có bao nhiêu nhà thuốc. Họ yêu cầu chỉ kê thuốc ở các nhà thuốc đó thôi, dân khổ lắm vì mua thuốc là không bao giờ được trả giá, vay mượn gì cũng phải mua
Thủ tướng cũng nêu một thực tế buồn về tình trạng cho thuê bằng dược sĩ mở cửa hàng thuốc tràn lan, khi chủ cửa hàng vừa bán thuốc, vừa kê đơn.
Thủ tướng cho rằng còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật Dược sửa đổi, cần phải tiếp tục bàn về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp soạn thảo lại để kịp trình QH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu “phải làm sao để kéo giá thuôc ở bệnh viện xuống”.
“Bộ trưởng Tiến có nói giá thuốc còn kéo xuống nữa được, sao không làm? Giá thuốc nói bao nhiêu là người dân phải trả bấy nhiêu, chứ không ai dám nói bớt cho tôi 10 đồng.
Đây là trách nhiệm của nhà nước, phải quản lý sát sạt, nhất là thuốc bệnh viện. Phải bàn bạc, thảo luận để quản lý chắc, kéo giá thuốc xuống cho phù hợp không thì dân khổ quá” - Thủ tướng yêu cầu.