Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hôm nay, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam vẫn "neo" quanh mức đỉnh. Trong khi, tại miền Trung rục rịch lập đỉnh mới ngưỡng 100 nghìn đồng/kg sau nhiều ngày ổn định. Việc tái đàn vẫn đang gặp khó khăn về con giống, Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho Viện Chăn nuôi chủ động cung cấp lợn giống để phục vụ tái đàn nhanh nhất có thể.
Tại miền Bắc, miền Nam "lặng sóng"
Hôm nay, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục giữ đỉnh 105.000 đồng/kg, miền Nam giao dịch quanh mức đỉnh 98-100 nghìn đồng/kg sau khi giảm 1-2 nghìn đồng/kg.
Cụ thể, tại các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên giá lợn hơi giao dịch ngưỡng 100-103 nghìn đồng/kg.
Tại Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng yên tiếp tục giao dịch với mức đỉnh 100-102 nghìn đồng/kg.
Riêng tại Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang giá lợn hơi vẫn duy trì ngưỡng 97-98 nghìn đồng/kg…
Thị trường miền Nam dù đã giảm tại một số địa phương trong ngày hôm qua, tuy nhiên, đây là vùng có nhiều địa phương giữ mức đỉnh mặc dù được đánh giá là vùng có sản lượng chăn nuôi tốt nhất.
Cụ thể, tại Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu có mức giao dịch 98-100 nghìn đồng/kg.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), giá lợn hơi hôm nay vẫn giữ mức giao dịch ngưỡng 95-96 nghìn đồng. Số lượng về chợ vẫn ổn định mức hơn 3.000 con mỗi ngày.
Riêng Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long giá lợn hơi đều tăng lên mốc 98 nghìn đồng/kg, tăng 1-2 nghìn đồng/kg…
Tại miền Trung, Tây Nguyên: Lập đỉnh mới
Thị trường miền Trung, Tây Nguyên bất ngờ tăng lập đỉnh mới sau khi ổn định nhiều ngày với mức thấp nhất cả nước.
Cụ thể, tại Khánh Hòa, Lâm Đồng giá lợn hơi tăng thêm 2-3 nghìn đồng/kg lên ngưỡng đỉnh 99-100 nghìn đồng/kg. Đây là địa phương có giá cao nhất của vùng, trong khi các vùng khác vẫn duy trì ổn định, không có dấu hiệu tăng giá.
Tại Nghệ An giao dịch ngưỡng 94-96 nghìn đồng/kg. Một số nới ghi nhận mức tăng 98 nghìn đồng/kg như huyện Diễn Châu , Yên Thành, Tp Vinh... Đây cũng là mức giá giao dịch tại Thanh Hóa.
Tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn duy trì giao dịch ngưỡng 93-95 nghìn đồng/kg, không có dấu hiệu tăng giá.
Tại Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắk Lắk cũng ổn định ngưỡng 95-96 nghìn đồng/kg, không có dấu hiệu tăng giá.
Viện Chăn nuôi được giao nhiệm vụ chủ động cung cấp con giống
Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, hiện tại, cả 2 cơ sở của Viện Chăn nuôi là Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (phía Bắc) và Trung tâm Heo Bình Thắng (phía Nam) đã lưu giữ được khoảng 1.300 lợn nái cụ kỵ, ông bà, chiếm 1-1,5% tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà 109.000 con của cả nước. Tổng số lợn này vẫn được an toàn, sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ông Hiếu, với đàn lợn cụ kỵ, ông bà như vậy, bình quân mỗi tháng hai đơn vị nuôi giữ giống gốc của Viện Chăn nuôi cung ứng ra thị trường trung bình 450 lợn nái hậu bị, ông bà, bố mẹ từ các nguồn gen nhập nội và từ kết quả của các đề tài nghiên cứu chọn lọc tạo dòng của Viện.
Với chủ trương tăng đàn, tái đàn lợn hiện nay, Bộ NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cho Viện Chăn nuôi chỉ đạo hai cơ sở nuôi giữ giống gốc lợn tăng quy mô đàn cụ kị, ông bà với quỹ chuồng trại cho phép để cung ứng con giống cho sản xuất.
"Trong giai đoạn tới, định hướng nghiên cứu của Viện Chăn nuôi, thịt lợn vẫn chiếm khoảng gần 70% và xu hướng kéo dần xuống 63-65%; Thịt gia cầm, thủy cầm nâng từ 18-20% lên 25-27% và thịt đỏ bao gồm trâu, bò, dê… lên khoảng 8-10%.
Tuy nhiên, để đạt được con số, tỷ lệ hài hòa mơ ước này cần phải có lộ trình bởi thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân không thể thay đổi ngay trong ngày một ngày hai được”, ông Thiếu nói.