Gia tăng tảo hôn do biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, hàng năm có khoảng 14,2 triệu nữ thiếu niên trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn. Hiện tại, tỷ lệ tảo hôn gia tăng mạnh ở Châu Phi hạ Sahara với tỷ lệ 4/10 phụ nữ kết hôn trước tuổi 18, trong đó có 1/8 kết hôn trước tuổi 15. Tiếp đến là Châu Mỹ Latinh, Caribean, Trung Đông và Bắc Phi. Bên cạnh nguyên nhân chính là nghèo đói về kinh tế, giáo dục, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang góp phần thúc đẩy sự gia tăng tỷ lệ tảo hôn. 

Nữ thiếu niên Châu Phi tảo hôn để đối phó tình trạng đói nghèo
Nữ thiếu niên Châu Phi tảo hôn để đối phó tình trạng đói nghèo

Những mảnh đời bất hạnh

Thống kê của Girlsnotbrides.org cho biết, 700 triệu nữ dân số hiện tại kết hôn từ khi còn là thiếu niên. Nếu không có biện pháp giảm tỷ lệ tảo hôn, đến năm 2050, số thiếu nữ dưới 18 tuổi kết hôn sẽ đạt 1,2 tỷ người.

Năm đầu tiên Ntonya Sande, cô bé của Malawi (quốc gia ở Đông Phi) bước vào tuổi thiếu niên (13 tuổi) cũng là năm Ntonya bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Lũ lụt không chỉ cướp đi một thân nhân của bé mà còn đẩy cả gia đình Ntonya vào cảnh bần cùng. Vì thế, khi có người đến hỏi con gái, cha mẹ Ntonya không tốn nhiều thời gian để đắn đo. Mặc Ntonya van xin thống thiết, bé vẫn phải xuất giá. 10 tháng sau, cô bé 13 tuổi trở thành mẹ.

Không chỉ Ntonya, khoảng 1,5 triệu bé gái ở Malawi có nguy cơ phải kết hôn vì biến đổi khí hậu. Với trường hợp của Ntonya, cha mẹ bé không còn cách nào khác là phải gả bé đi để bớt một miệng ăn.

Nhận thức của chúng ta về biến đổi khí hậu không giống nhau. Đối với người này, nó chỉ là chuyện cá voi phải vật lộn kiếm tìm không gian sống do băng tan. Đối với người kia, đấy lại là viễn cảnh cả thành phố bị nhấn chìm trong nước. Còn đối với các bé gái Châu Phi, đó là ngồi ôm con trong khi ngắm nhìn bạn bè đồng trang lứa cắp sách tới trường.

Những câu chuyện như Ntonya phổ biến khắp Châu Phi. Nắng hạn, mưa lũ thất thường khiến trồng trọt thất bát. Nhiều gia đình từng đủ điều kiện chăm sóc, cho con đi học giờ phải đối mặt với tình trạng không thể làm tròn trách nhiệm 1 trong 2 hoặc cả 2 nghĩa vụ trên. Thời tiết thay đổi và, việc duy nhất có thể cứu vãn tình hình là để con gái đi lấy chồng.

Có khi, người ra quyết định là cha mẹ. Vì lợi ích của các thành viên trong gia đình, một thành viên sẽ phải hy sinh. Gả con gái vừa là để bớt miệng ăn vừa có thêm tiền cưới. Cũng có khi, người ra quyết định là chính các cô gái nhỏ, vì quá khốn khổ mà làm liều, hy vọng chồng là cứu cánh.

Lucy Anusa trở thành mẹ ở tuổi 15

Lucy Anusa trở thành mẹ ở tuổi 15

Carlina Nortino, 15 tuổi ngồi cạnh chồng, Horacio, 16 tuổi trên mặt cát khô nóng, tất cả những gì còn lại sau hạn hán. “Tôi nhớ lúc tôi ngắm nhìn người ta câu cá trên dòng sông. Tôi từng buôn cá ở chỗ này, sau khi mua lại từ các ngư dân. Nước lúc đó dâng ngập đôi bờ. Nhưng rồi không còn mưa. Lũ cá cũng chết hết”.

Carlina kết hôn từ năm 13 tuổi. Trong những năm trước, cặp vợ chồng trẻ thu được chừng 1 tấn sắn/năm. Hiện tại, họ chỉ có 20-40kg. Horacio nhìn về phía dòng sông giờ chỉ còn như con lạch. “Nước rút hết rồi. Giờ tôi chuyển sang làm nông. Trước đây, mưa bắt đầu vào tháng 9, kéo dài đến tháng 3 sang năm. Bây giờ, chỉ tháng 1, 2 là có mưa”.

Carlina từng mơ ước trở thành nữ hộ sinh. “Tôi không bao giờ muốn kết hôn ở tuổi đó. Tôi muốn đi học. Nhưng tôi buộc phải làm vậy. Nhà tôi không có đủ thức ăn. Cha tôi phải gả con gái vì ông không thể nuôi và cho tôi đến trường”. Carlina cũng không giữ được con trai đầu lòng vì không đủ tài chính trả phí lồng ấp cho bệnh viện. “Nếu cha và chồng tôi không quá nghèo, tôi đã giữ được đứa con”.

Nhìn con gái vất vả, cha Carlina, Carlitos Camilo xót xa. “Nếu có thể nuôi con bé, tôi đã không bắt nó phải lấy chồng sớm. Cứ nhìn những đứa trẻ khác mà xem, chúng được lớn lên, đi học, rồi kết hôn ở tuổi bình thường”.

Majuma Julio, 17 tuổi và con gái 2 tuổi

Majuma Julio, 17 tuổi và con gái 2 tuổi

Những con số đau lòng

Trên toàn cầu, tỷ lệ tảo hôn cao nhất đang thuộc về Châu Phi hạ Sahara. Ước tính 4/10 thiếu nữ tại đây kết hôn trước năm 18 tuổi. Trong số các nữ thiếu niên tảo hôn này, 1/8 lập gia đình trước năm 15 tuổi.

Ở Tây và Trung Phi, lượng thanh thiếu niên dưới 19 tuổi lập gia đình chiếm 27%. Tại Đông và Nam Phi, con số này chiếm 21%. Thấp nhấp là Trung Đông và Bắc Phi nhưng vẫn chiếm tới 14%. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu không có biện pháp ngăn chặn sự gia tăng, số cô dâu trẻ con trên khắp Châu Phi có thể lên đến 310 triệu người vào năm 2050.

Dù tảo hôn là hủ tục song, trong một số xã hội, nó đơn giản là giải pháp. Đói nghèo buộc bậc sinh thành phải lựa chọn tiếp tục nuôi dạy con gái hay gả cho người khác. Malawi đưa luật cấm tảo hôn vào hiến pháp từ năm 2015 nhưng, đám cưới trẻ con vẫn xảy ra. Tại Mozambique, số cô dâu con nít còn tăng vùn vụt, tương ứng với tỷ lệ gia tăng dân số. “Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể nhưng, tôi dám chắc 30-40% tảo hôn ở Malawi là do lũ lụt, hạn hán gây nên”, Mac Bain Mkandawire, nhà điều hành YONECO (Youth Net and Counselling – Mạng lưới Thanh Thiếu niên và Tư vấn) khẳng định. “Trong khoảng 4-5 triệu nữ thiếu niên Malawi có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn, có chừng 1,5 triệu nữ thiếu niên rơi vào hoàn cảnh này vì những sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu”.

Số liệu thống kê có thể không chính xác. Thông thường, việc cưới xin ở Châu Phi đơn giản là sự thỏa thuận giữa hai gia đình hoặc hai đối tượng. Trường hợp của Filomena Antonio là một ví dụ. Năm Filomena 15 tuổi, chồng cô, Momande Churute, 21 tuổi, đến dạm hỏi cha Filomena, đề nghị tiền cưới là 2.000 metical (khoảng 750.000 VNĐ) và được đồng ý. Cha Filomena là ngư dân. Ông biết Filomena còn quá nhỏ để lấy chồng nhưng cũng đành vậy, vì ông không đủ điều kiện để nuôi nấng hay cho cô bé đến trường. “Tôi có những 5 đứa con đang tuổi ăn học, 2 trong số chúng là con gái, đứa 13 tuổi, đứa 11 tuổi. Tôi không thể không xem xét và suy nghĩ khi có người đến hỏi. Anh ta không chỉ có thể hỗ trợ con gái tôi, đứa sẽ kết hôn, mà còn giúp đỡ những đứa khác tiếp tục học hành”.

Filomena chấp nhận. Chỉ cần đồng ý kết hôn, cô bé có thể tiếp tục đi học ở thành phố. Ước mơ của Filomena là trở thành y tá.

Mozambique là một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, gần 70% trong tổng số 28 triệu dân sống ở mức đói nghèo. Mozambique cũng là đất nước đặc biệt dễ bị tổn thương bởi sự thay đổi khí hậu. Với 1/2 nữ thiếu niên kết hôn trước tuổi 18, 1/7 số đó kết hôn trước tuổi 15, Mozambique còn là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất toàn cầu. Kèm theo tỷ lệ tảo hôn cao ngất là lượng phụ nữ mang thai ở tuổi vị thành niên lớn nhất.

Fatima Mussa, 16 tuổi, đang mang thai tháng thứ 9

Fatima Mussa, 16 tuổi, đang mang thai tháng thứ 9

Fatima Mussa, 16 tuổi, đang mang thai được 9 tháng. Cô kết hôn năm 15 tuổi nhưng không có đám cưới. Chồng Fatima chỉ cần đưa cho cha cô 2.000 metical.

Trên khắp biên giới Malawi, 1/2 nữ thiếu niên kết hôn dưới 18 tuổi, 1/10 trong số đó kết hôn dưới 15 tuổi. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc xếp Malawi là đất nước thứ 11 tồi tệ nhất về tảo hôn. Dù tuổi kết hôn hợp pháp đã nâng lên 18 tuổi vào năm 2015 song, không có bất cứ vụ truy tố tảo hôn nào ở quốc gia này.

Lỗi của kỷ nhân sinh

Anthropocene (Kỷ Nhân Sinh) là thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái đất. Nó không có điểm khởi đầu chính xác, nhưng có thể coi là bắt đầu vào khoảng cuối Thế kỷ 18, khi những hoạt động của loài người bắt đầu có ảnh hưởng toàn cầu đến khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất, gây nóng lên toàn cầu và sự tuyệt chủng của nhiều loài.

Nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tảo hôn song, hiện nay, cái dẫn đến nghèo đói chính là biến đổi khí hậu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay, 70% trong tổng số 19 triệu dân nghèo thế giới sống dưới mức nghèo, 25% trong tình trạng đói nghèo cùng cực. Toàn bộ họ, bao gồm cả những người không sống ở nông thôn, đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nếu nóng lên toàn cầu tiếp tục tiếp diễn, tỷ lệ nghèo sẽ gia tăng.

Với Lucy Anusa, 14 tuổi, cư dân Malawi, hạn hán năm 2016 đã hủy hoại toàn bộ cây trồng của gia đình cô. Khi gặp người hỏi cưới, Lucy lập tức đồng ý, bất chấp sự phản đối của cha mẹ. Cô “ăn cơm trước kẻnh”, buộc phụ mẫu phải chấp nhận hôn nhân của mình nhưng sớm hối hận. Bây giờ, ở tuổi 15, Lucy đã có con đầu lòng.

“Nếu không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ mất một thế hệ trẻ thơ”, Lakshmi Sundaram, người đứng đầu tổ chức Girls Not Brides (Không Cô dâu Thiếu niên) khẳng định.

Maliya Mapira phải bỏ học vì mang thai ở tuổi 15. Cô cùng chồng cố gắng nuôi con trai sơ sinh song “Do lũ lụt, cây cối bị cuốn trôi. Chúng tôi thu hoạch được rất ít”. Ở ngôi nhà lụp xụp khác, Majuma Julio đang khuấy cháo ngô trong khi chồng cô, Juma Momade ngồi dỗ con. Majuma và Momade kết hôn 2 năm trước, khi Majuma 15 tuổi còn Momade 19 tuổi. Majuma sống cùng với chú. Cô muốn tiếp tục đi học thay vì lấy chồng nhưng chú của Majuma không thể tài trợ. Thời tiết thay đổi, tiền bạc túng bấn, hôn nhân là giải pháp duy nhất.

Dự đoán đến năm 2050, số lượng nữ thiếu niên tảo hôn ở Châu Phi là 310 triệu người

Dự đoán đến năm 2050, số lượng nữ thiếu niên tảo hôn ở Châu Phi là 310 triệu người

“Là tại hạn hán. Có quá nhiều nắng trong khi vô cùng ít mưa. Tôi không thể trách ai khi thời tiết thay đổi. Chú tôi gọi và nói có người muốn hỏi cưới tôi. Tôi không thích nhưng đâu còn cách nào khác. Tôi vẫn muốn được đi học”.

Chồng của Majuma là người tốt. Anh hứa vẫn để cô đến trường và nghiêm túc thực hiện lời hứa. “Tôi sẽ không để con gái tôi kết hôn khi nó mới 15 tuổi. Nó phải được đi học”.

Lũ lụt năm 2015 và sau đó là hạn hán kéo dài, Châu Phi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Việc các nữ thiếu niên phải bỏ học lấy chồng là bằng chứng xác thực cho hậu quả của nóng lên toàn cầu.

Theo Theguardian.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ