Cơ hội nào cho trẻ em gái

GD&TĐ - Hàng năm, thế giới dành ra 1 ngày để tôn vinh trẻ em gái. Đây là dịp để các em được nói lên tiếng nói của mình, để được tạo nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận dịch vụ thiết yếu như dinh dưỡng, giáo dục, y tế, việc làm. 

Cơ hội nào cho trẻ em gái

Việc chọn một ngày trong năm để tôn vinh bé gái cũng cho thấy tình trạng kỳ thị, bất bình đẳng, bạo lực trên cơ sở giới vẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Luôn thiệt thòi

Theo số liệu điều tra của UNICEF cho thấy trẻ em gái luôn phải làm việc nhà nhiều hơn trẻ em trai 160 triệu tiếng mỗi ngày. Đây là lần đầu tiên UNICEF đưa ra những con số ước tính về thời gian mà trẻ em gái dùng để làm việc nhà như nấu nướng, giặt giũ, lau dọn, chăm sóc cho các thành viên trong gia đình, gánh nước và kiếm củi.

Các số liệu cho thấy gánh nặng việc nhà không cân xứng bắt đầu từ sớm, khi các em gái ở độ tuổi từ 5-9 và thời gian các em dành cho việc nhà nhiều hơn các bạn trai cùng trang lứa là 30% hoặc 40 triệu giờ một ngày. Con số này tăng lên khi các em gái lớn lên, với em gái từ 10-14 tuổi thì thời gian cho việc nhà nhiều hơn các em trai tăng lên đến 50% hoặc 120 triệu giờ mỗi ngày.

Công việc nặng nhọc là vậy nhưng báo cáo của UNICEF cũng cho thấy công sức mà trẻ em gái bỏ ra thường không được nhận biết và thường bị đánh giá thấp. Điều đáng nói ở chỗ, thời gian để làm việc nhà đã hạn chế thời gian vui chơi, giao lưu với bạn bè, học hành hay đơn giản hơn - được là một đứa trẻ. Ở một số nước, kiếm củi và lấy nước đã đặt trẻ em gái trước nguy cơ bị bạo lực tình dục.

Những thiệt thòi, bất công dường như luôn đeo bám trẻ em gái. Các chuyên gia UNICEF đã chỉ ra rằng, gánh nặng quá sức của các việc nhà không được trả công bắt đầu từ khi còn nhỏ và càng trở nên nặng nề hơn khi em gái đến độ tuổi vị thành niên. Sự phân công lao động không công bằng trong trẻ em đã làm tăng định kiến giới và tăng gấp đôi gánh gặng cho phụ nữ và trẻ em gái qua nhiều thế hệ.

Trong gia đình đã vậy, khi không may xảy ra xung đột hoặc thiên tai, trẻ em gái cũng luôn nhận phần thiệt thòi. Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới 2016 đã chỉ ra, những bé gái trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi xung đột có nguy cơ bỏ học cao gấp 2,5 lần so với bé trai.

Họ cũng dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với thiên tai hay những trường hợp khẩn cấp khác. Nạn tảo hôn cũng là trở ngại với trẻ em gái. Trên thế giới, ước tính cứ 7 trẻ thì có 1 em phải kết hôn trước 15 tuổi. Tảo hôn khiến các em phải từ bỏ mọi cơ hội học hành, thăng tiến.

Ở Việt Nam, tình trạng trẻ con làm mẹ trẻ con không phải hiếm. Tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc về người Ơ Đu (73%), tiếp đến là người Mông (60%), Xinh Mun, La Ha… Theo em Chấu Thị Tảo, dân tộc Mông (Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai), tình trạng tảo hôn ở trẻ dân tộc đã cướp đi quyền đi học, được phát triển tốt về thể chất và được theo đuổi ước mơ của trẻ em gái. Trong nhiều trường hợp, dù đã bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục được đi học nhưng dường như không được gia đình lắng nghe.

Trao quyền cho trẻ em gái: Không chỉ một ngày

Bất công là điều khó tránh nhưng điều đó không có nghĩa là không thể xóa bỏ. Trong báo cáo Tình hình trẻ em thế giới 2016, Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake đã khuyến cáo, khi chúng ta giáo dục cho một bé gái, chúng ta không chỉ mang lại cho các em những công cụ và kiến thức để các em tự đưa ra quyết định của chính mình và hình thành tương lai cho bản thân mà còn giúp nâng cao mức sống cho gia đình và cộng đồng của các em.

Nói như vậy để thấy rằng, những lựa chọn đúng đắn có thể làm thay đổi cuộc đời hàng triệu trẻ em gái. Ngày quốc tế trẻ em gái năm nay, UNICEF đưa ra lời kêu gọi Trao quyền cho trẻ em gái, trước, trong và sau trường hợp khẩn cấp.

Đó là các giải pháp dài hạn được thiết kế dành cho trẻ em gái có thể tăng cường khả năng phục hồi sau biến cố. Việc tạo cơ hội giúp các cô gái nhận biết và nói lên những thách thức họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày, tìm ra giải pháp phù hợp với họ, từ đó xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng của họ.

Trao quyền cho trẻ em gái cũng có nghĩa là cung cấp những dịch vụ và sự an toàn, giáo dục, kỹ năng và khả năng thích ứng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ khi đối mặt với xung đột hoặc thiên tai. Tiếp đó cần giải quyết tình trạng bạo lực giới ở trường học. Việc làm này phải được lồng ghép vào các chương trình giáo dục để chuẩn bị cho giáo viên những nhận thức về khuôn mẫu giới trong các tài liệu giảng dạy và học tập…

-Trẻ em gái từ 10-14 tuổi ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi phải làm việc nhà gần gấp đôi thời gian so với em trai. Các nước mà trẻ em gái từ 10-14 tuổi phải chịu gánh nặng việc nhà không công bằng nhất so với trẻ em trai là Burkina Faso, Yemen and Somalia.

-Theo khuyến cáo của UNICEF, đầu tư vào những trẻ em thiệt thòi nhất, trong đó có trẻ em gái không chỉ đúng về nguyên tắc mà còn giúp mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho quốc gia. Các nghiên cứu cho thấy cứ thêm mỗi năm học mà thanh thiếu niên trên toàn đất nước hoàn thành, thì trung bình sẽ giúp giảm tỷ lệ nghèo của quốc gia xuống 9%, và cứ thêm một năm trẻ được đi học sẽ giúp các em tăng thêm khoảng 10% thu nhập khi trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.