Gia tăng các vụ lừa tình, chiếm đoạt tiền trực tuyến

GD&TĐ - Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Singapore có gần 1,7 nghìn vụ 'lừa đảo vỗ béo lợn'.

Nạn nhân của 'lừa đảo vỗ béo lợn' thường là phụ nữ trẻ, trình độ học vấn cao, thông thạo kỹ thuật số. Ảnh: IT
Nạn nhân của 'lừa đảo vỗ béo lợn' thường là phụ nữ trẻ, trình độ học vấn cao, thông thạo kỹ thuật số. Ảnh: IT

Hầu hết nạn nhân là những phụ nữ trẻ, trình độ học vấn cao, hiểu biết về công nghệ, thành thạo đầu tư tiền điện tử. Tất cả họ trúng bẫy chung một chiêu: “Thính” tình.

Muôn kiểu “thính”

Những năm gần đây, “cõi mạng” xuất hiện dạng lừa đảo mới: Vỗ béo lợn (Pig-butchering Scams). Kẻ lừa đảo “nuôi” nạn nhân như nuôi heo, “vỗ béo” bằng “thính” thiện cảm. Đợi đến khi nạn nhân hoàn toàn tin tưởng, chúng đánh cắp hết tiền bạc rồi cắt đứt mọi liên hệ.

Chuyên gia pháp lý Eliza (40 tuổi), người Singapore, tham gia nhóm Discord (ứng dụng mạng xã hội) đầu tư có 12 nghìn thành viên vào tháng 5. Mục đích của chị là kết nối với những người yêu thích đầu tư, tìm kiếm thông tin, học hỏi, chia sẻ… trong không gian mạng an toàn.

Các thành viên trong nhóm có thông lệ nhắn tin trò chuyện riêng. Một ngày, Eliza thấy trên màn hình xuất hiện tin nhắn từ tài khoản tên Andy. Sau vài lời tự giới thiệu qua lại, người này nhanh chóng nắm bắt được Eliza chỉ quan tâm vấn đề đầu tư tài chính, sự biến động của cổ phiếu và tích cực tư vấn.

Chẳng bao lâu, Eliza đã thấy Andy là bạn mạng đáng tin cậy. Chị chuyển 77 nghìn đô la Singapore (khoảng 1,34 tỷ đồng) cho anh ta với hy vọng “tiền đẻ ra tiền” để “đầu tư cho tương lai các con” và mất trắng.

Chuyên viên niêm yết Samantha (50 tuổi), sống tại Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) đang lướt Instagram vào tháng 1 cũng nhận được tin nhắn từ tài khoản lạ. Người này tự giới thiệu tên Zi Minh, chú ý tới Samantha vì trông chị giống hệt như cô giáo cũ của mình.

Samantha đã ly hôn. Vì lời lẽ của Zi Minh rất lịch thiệp, chị nhắn tin trả lời. Ban đầu, Samantha cứ ngỡ Zi Minh sẽ kể câu chuyện cuộc đời bi thảm nào đó, rồi hỏi vay tiền. Tuy nhiên, người này lại chỉ nói chuyện nhảm. Anh ta bảo đang sống ở Thượng Hải, thích giao tiếp và thường xuyên chia sẻ các câu chuyện cười.

Sau vài tháng, Samantha nhận định Zi Minh hóm hỉnh, đáng yêu. “Thỉnh thoảng, anh ta thừa nhận mình có chút hống hách hoặc thiếu kiên nhẫn. Anh ta không hoàn hảo, nhưng chính điều đó lại khiến tôi thấy anh ta thật thà, đáng tin”, Samantha kể lại.

Lần đầu tiên Zi Minh rủ Samantha đầu tư tiền, chị đã từ chối và anh ta giận dỗi. Sau vài ngày không trò chuyện, anh ta xuất hiện trở lại, nói rằng không muốn vì chuyện tiền nong mà mất tình cảm. Thế rồi cuối cùng, Samantha cũng xiêu lòng, bỏ ra 1.000 đô la Mỹ.

Thống kê các vụ “lừa đảo vỗ béo lợn” tháng 5/2022 ở một số quốc gia điểm nóng. Ảnh: IT

Thống kê các vụ “lừa đảo vỗ béo lợn” tháng 5/2022 ở một số quốc gia điểm nóng. Ảnh: IT

Vấn nạn toàn cầu

Lừa đảo trực tuyến là vấn nạn toàn cầu trong thời đại kỹ thuật số. Từ lâu, Mỹ và châu Âu đã cảnh báo “mất tiền qua màn hình”. Mọi quốc gia đều nỗ lực nâng cao an ninh mạng Internet nhưng, dường như, kẻ lừa đảo trực tuyến luôn… chuồn trước.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Chống Lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Organisation - GASO), chỉ từ giữa năm 2021 đến giữa năm 2022 tại Mỹ, “vỗ béo lợn” đã “mổ ví” 2 nghìn người, cướp đi trên 310 triệu USD.

Tại Singapore, điểm nóng mới của “vỗ béo lợn”, chỉ trong nửa đầu năm 2022, cảnh sát nhận được 1.683 vụ tố cáo. Tổng số tiền các nạn nhân bị “mổ” mất lên tới 108,8 triệu đô la Singapore.

Hầu hết các nạn nhân của “vỗ béo lợn” đều là người thông thạo kỹ thuật số. Họ thích sử dụng mạng xã hội, kết giao và bất chợt tìm thấy bạn tâm giao. “Khi nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ con mồi, chúng tôi đảm bảo với họ sẽ kiếm được lợi nhuận. Tiếp đến, chúng tôi tiếp tục vun đắp mối quan hệ, củng cố lòng tin. Chỉ khi đã vét sạch túi và bị họ phát hiện, chúng tôi mới xuống tay, cắt đứt mọi liên hệ triệt để như mổ lợn”, Lee - cựu tội phạm lừa đảo chuyên “vỗ béo lợn” khai trình tự.

Khó tránh vì “người đó rất thật”

Nạn nhân của 'lừa đảo vỗ béo lợn' luôn rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”, trầm cảm trầm trọng. Ảnh: IT

Nạn nhân của 'lừa đảo vỗ béo lợn' luôn rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”, trầm cảm trầm trọng. Ảnh: IT

Tháng 2/2022, Pan Han Ni (34 tuổi), người Hàn Quốc gặp được bạn mạng xã hội tâm đầu ý hợp qua ứng dụng hẹn hò Coffee Meets Bagel. Anh ta giới thiệu tên Chen Xi, người Trung Quốc đang sống ở Singapore.

Qua trò chuyện, Ni nhận ra cả 2 đều mê ẩm thực xứ Kim chi và đôi bên cùng hẹn sớm gặp gỡ ngoài màn hình. “Tôi luôn tin, chúng tôi sẽ gặp nhau trong đời thực”, Ni kể lại. Cô rất chú tâm khi Chen Xi nói chuyện đầu tư.

Kayla (30 tuổi), người Canada, cũng “dính thính” chỉ sau 4 ngày làm quen, trò chuyện qua mạng xã hội WhatsApp với tài khoản có tên Linus. Người này thường xuyên nhắc nhở Kayla phải nhớ ăn uống đúng giờ, chăm sóc bản thân đầy đủ. Anh ta cũng nói nhiều, ưa kể lể đủ thứ và mỗi khi biết Kayla gặp chuyện ấm ức, anh ta lại gọi cô là “vợ”, lựa lời vỗ về.

“Dù là thính tình yêu hay thính thiện cảm, một khi kẻ lừa đảo tung ra, các nạn nhân đều dính rất nhanh”, Carolyn Misir - cảnh sát Singapore cho biết. Bằng việc để ý từng ly từng tý tin nhắn của nạn nhân, kẻ lừa đảo nắm bắt tâm lý và buông lời “gãi đúng chỗ ngứa”.

“Em chỉ cần kiếm tiền đủ sống là được rồi, mình ạ. Đừng cố quá, vất vả lắm!”, Linus hay nhắn như thế cho Kayla. Cuối cùng, anh ta đưa cô vào tròng bằng câu nhắn khiến Kayla rung động nhất. “Anh chỉ mời em tham gia đầu tư vào khoản này vì em là người anh yêu nhất thôi đấy”.

Đối với các “con mồi” ưa giữ chặt miệng ví, kẻ “vỗ béo lợn” tung tuyệt chiêu riêng. Chúng dụ dỗ họ đầu tư từng khoản nhỏ, cho thấy lợi nhuận gia tăng, thậm chí gia tăng liên tiếp nhiều tháng. Suốt thời gian chúng “vỗ béo”, các nạn nhân thuận lợi rút tiền ra, dần dà không còn nghi kị gì nữa.

Chỉ khi các “con mồi” tăng tiền đầu tư, kẻ “vỗ béo” mới ra tay cướp đoạt. Bằng cách gây cản trở rút vốn, đóng băng tài khoản… chúng lừa nạn nhân nạp thêm tiền để lấy quyền truy cập, không hạn chế số lần, cho đến khi bị phát hiện.

Theo Channelnewsasia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.