Gia tăng các bệnh truyền nhiễm, cách nào phòng bệnh cho trẻ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia y tế hướng dẫn nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm cho trẻ, nhất là trong mùa cao điểm hiện nay.

Tay chân miệng lây trực tiếp qua người với người, đường ăn uống, vệ sinh của trẻ. (Ảnh minh họa)
Tay chân miệng lây trực tiếp qua người với người, đường ăn uống, vệ sinh của trẻ. (Ảnh minh họa)

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao

Mùa Hè, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm tăng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Số trẻ phải nhập viện cũng cao hơn thời điểm khác trong năm. Đặc biệt, số mắc bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng cao.

Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm nay qua các mẫu xét nghiệm đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính với Enterovirus 71 (EV71).

Trước tình hình dịch tay chân miệng có nguy cơ lan rộng, các tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó.

Chia sẻ về vấn đề này, BSCK2 Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, hiện nay tại TPHCM nói riêng cũng như miền Nam nói chung, số ca bệnh tay chân miệng đang tăng nhiều và nhanh.

Số ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng rất nhiều, không chỉ ở TPHCM mà còn tại khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, số ca bệnh được chuyển lên thành phố điều trị ngày càng nhiều và chưa có dấu hiệu giảm.

Số mắc sốt xuất huyết cũng tăng nhanh, đặc biệt là trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng.

Theo chuyên gia này, tay chân miệng và sốt xuất huyết là 2 bệnh năm nào cũng nói đến. Song, năm nay, 2 bệnh này đồng hành cùng nhau. Đó là điều đáng ngại về bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh như viêm não, viêm màng não, thuỷ đậu, ho gà, quai bị, có thể phòng ngừa được. Những bệnh này xuất hiện rải rác, không nhiều hay ồ ạt. Chỉ tay chân miệng và sốt xuất huyết là ghi nhận nhiều ca mắc và chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, số ca mắc hằng năm ở mức cao.

Sốt xuất huyết là bệnh lây do muỗi vằn cái trưởng thành. Vì vậy, muỗi sinh sôi nảy nở theo thời tiết, khi mưa xuống. Đó là điều kiện để muỗi đẻ trứng, sinh sôi, phát triển. Hằng năm, sốt xuất huyết xuất hiện nhiều vào mùa mưa và khiến căn bệnh bùng lên.

2 năm gần đây, thời tiết biểu hiện bất thường cùng hiện tượng ấm lên toàn cầu, El nino, nhiệt độ tăng lên cao rất nhiều so với những năm trước, mưa rải rác không theo quy luật hằng năm vào mùa mưa nữa.

Thay vào đó, có nơi mưa nhiều, nơi khô hạn. Mưa bất thường cùng nhiệt độ ấm lên tạo điều kiện sinh sôi phát triển của muỗi. Điều đó khiến bệnh sốt xuất huyết xuất hiện sớm, có thể tăng nhanh và đột biến hơn cùng sự phát triển của muỗi.

"Chìa khóa” an toàn

Năm nay, chúng ta đối diện với rất nhiều bệnh truyền nhiễm. Làm sao để phòng chống và không để trẻ diễn biến nặng trước khi nhập viện là vấn đề được các bậc cha mẹ trẻ quan tâm.

BSCK2 Nguyễn Trần Nam có quan điểm: Trước hết là phải phòng bệnh. Cần chú ý ngừa những bệnh có thể phòng, chống được bằng vaccine hiện có.

Vaccine có hiệu quả rất tốt bởi đã được sản xuất từ nhiều năm trước và được chứng minh hiệu quả”.

Thực tế, sau Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm phòng. Do đó, cha mẹ cần cho trẻ chủng ngừa để phòng các bệnh như: Viêm não - màng não, viêm não Nhật Bản, thuỷ đậu, quai bị, sởi, rubella...

Trong khi đó, những bệnh không phòng được do vaccine chưa có như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng thì cần ngăn chặn nguồn lây.

Với tay chân miệng, bệnh lây trực tiếp qua người với người, đường ăn uống, vệ sinh của trẻ. Do đó, vệ sinh cá nhân là quan trọng nhất, đặc biệt là bàn tay.

Cha mẹ cần khuyến khích trẻ duy trì thói quen rửa tay để hạn chế lây nhiễm. Những bé bị bệnh cần được phát hiện sớm và nghỉ tại nhà, hạn chế đến chỗ đông người, tránh lây cho trẻ khác.

Với sốt xuất huyết, biện pháp phòng bệnh là hạn chế muỗi đốt. Cách phòng chủ động là không cho muỗi sinh sôi, phát triển, liên quan đến chỗ đọng nước quanh nhà, bụi cỏ... Không để nước đọng, dọn rác xung quanh nhà, phun trừ muỗi thường xuyên.

Cách phòng bệnh thụ động là mặc đồ màu sáng, sử dụng thuốc bôi chống muỗi chiết xuất từ các loại như tắc, quýt, chanh.

Cần bật đèn sáng, vì không gian âm u, tối trong góc phòng là điều kiện để muỗi sinh sống. Góc tủ, bàn... cần thường xuyên được vệ sinh, lau chùi.

“Không chỉ trẻ, bản thân người lớn cũng phải phòng ngừa. Ví dụ, với tay chân miệng, người lớn có thể mang bệnh từ môi trường bên ngoài về lây cho con mình. Do đó, cha mẹ không thể bắt trẻ rửa tay mà không làm gương.

Với sốt xuất huyết, có rất nhiều hoạt động, phong trào liên quan đến dọn rác, nước... Nhưng nếu không được duy trì, muỗi sẽ tiếp tục sinh sôi. Thay vào đó, cần làm những công việc này hằng ngày, thường xuyên”, chuyên gia y tế khuyến cáo.

Theo bác sĩ Nam, hiện nay, theo chương trình tiêm chủng quốc gia, có rất nhiều vaccine.

Do đó, cha mẹ cần cho trẻ tiêm nhắc lại, bổ sung nếu thiếu. Đặc biệt, cần chú ý đến những căn bệnh thường bị bỏ qua, gồm: Lao, viêm gan siêu vi - nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và xơ gan sau này.

Viêm gan siêu vi B phải được tiêm ngay khi trẻ mới sinh ra và nhắc lại. Trong khi đó, nhiều trẻ chỉ được tiêm vaccine đến khi 2 tuổi và sau đó bị bỏ lỡ. Điều đó gây nguy cơ mắc bệnh rất cao ở trẻ.

“Đôi lúc, các cha mẹ chủ quan, nên không chăm sóc trẻ kịp thời. Không ít trường hợp bị chẩn đoán nhầm từ bệnh này sang bệnh kia. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế uy tín, để được chẩn đoán chính xác, có cách chăm sóc và điều trị. Với tay chân miệng và sốt xuất huyết, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, trẻ có thể được chăm sóc, điều trị tại nhà”, bác sĩ Nam cho biết.

Phụ huynh được khuyến cáo đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi uống thuốc không hạ, vẫn sốt cao liên tục, đổ mồ hôi nhiều, quấy khóc liên tục, nôn ói, tay chân run rẩy, đi đứng loạng choạng, co giật, chới với giật mình, đau bụng, chảy máu bất thường...

Bất cứ nào khi trẻ có triệu chứng bất thường khác hằng ngày, cha mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế. Việc chậm trễ, trì hoãn đưa trẻ đi khám sẽ khiến bỏ qua thời gian vàng điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.