Giá như được lựa chọn…

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố nghiên cứu cho biết 4/5 trẻ em trên thế giới không vận động đủ. Xu hướng đó cũng đúng cho trẻ em Việt Nam hiện giờ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tôi đến sớm chờ đón con ở cổng trường cấp hai, một trường công rất có tiếng ở Hà Nội, đúng lúc bọn trẻ có tiết cuối là tiết thể dục. Những động tác thể dục giơ tay giơ chân, bài tập đi đều hay quay phải quay trái, thường bọn trẻ uể oải làm cho xong.

Giờ nào có môn nhảy xa hay cầu lông thì một số bạn có vẻ phấn khích hơn, nhưng khi thầy vừa hô hết giờ, cả đám trẻ a lên mừng rỡ rồi chạy túa lên lớp.

Trường chật, không có chỗ cho các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá dù chỉ là tập câu lạc bộ, cũng không có chỗ cho các em chạy nhảy.

Nhưng lẽ nào vì thế chúng ta vẫn cứ một bài tập thể dục phát triển chung diễn đi diễn lại ít nhất 2 năm đầu cấp 2 như con tôi, rồi các môn chạy ngắn, chạy xa... thậm chí như chúng tôi tập 30 năm trước?

Thời của chúng tôi, nhìn trường Hà Nội - Amsterdam có hẳn một phòng tập thể thao riêng, nơi học sinh có thể đánh bóng rổ, tập thể thao, tập khiêu vũ là một sự không thể tưởng tượng nổi.

Giờ đây nhiều trường tư và một số trường công xây lại, cũng có phòng tập, sân tập thể dục thể thao khá tốt cho học sinh, nhưng vẫn chỉ là số ít. Con số của Bộ GD&ĐT cho thấy, 80% trường học không có phòng thể dục riêng.

Hầu hết các trường công chật chội, học sinh học thể dục ngoài trời, bài tập nhàm chán, và nếu mưa thì các em được ngồi chơi trong lớp. Môn thể dục bị coi là môn phụ, giờ thể dục mặc nhiên có thể bị lấy học Văn, Toán, Lý, Hóa…

Nghiên cứu của WHO công bố hôm 22/11 phân tích xu thế vận động của thanh thiếu niên trong giai đoạn 2001 - 2016 ở 146 quốc gia cho biết, 85% nam và 78% nữ được khảo sát trả lời ít vận động. Các tiêu chí đánh giá bao gồm hoạt động giải trí, thể thao, đi bộ, đạp xe, thời gian làm việc nhà chủ động, tập thể dục theo kế hoạch.

Xu hướng đó hẳn không xa lạ gì ở Việt Nam. Ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam béo phì, thích dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính, thích sử dụng các tiện nghi như thang máy, xe máy. Xu hướng đó đúng với cả người lớn.

Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, khoảng 30% dân số không nhận được khuyến cáo của WHO về vận động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần. Khoảng 46% học sinh trung học cơ sở và 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TPHCM không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn.

Bọn trẻ phải học nhiều đã đành. Hầu hết các cha mẹ chú ý cho con học thêm các môn Văn, Toán, Anh, rồi học lập trình, giao tiếp, kỹ năng sống… nghĩa là những môn ngồi trong nhà nhiều hơn là các môn thể dục thể thao.

Các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, zumba cho trẻ không ít, nhưng để theo học thì cần phải có thời gian, cả… có tiền nữa, bởi học phí mỗi buổi học như thế ở nhiều nơi không phải là rẻ.

Vậy thì sao không tận dụng tối đa thời gian giờ thể dục ở trường để giúp các em có một sức khỏe tốt hơn? Bài tập vươn vai hít thở kiểu thể dục buổi sáng sao không thể biến thành bài tập đi kèm nhạc phù hợp lứa tuổi?

Môn thể dục ở trường cần phải được cải tiến mạnh mẽ để trở nên thực tế, linh hoạt, để học sinh tự nguyện không nhàm chán, và nếu phát triển được thành môn thể thao theo lựa chọn của học sinh thì thật tuyệt vời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.