Giá lương thực, thực phẩm “té nước theo... xăng”

GD&TĐ - Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 kỳ điều chỉnh. Qua 8 lần tăng giá và 7 lần giảm giá (chưa kể những lần đi ngang) mỗi lít xăng đã tăng thêm hơn 2.000 đồng so với đầu năm. 

Giá lương thực, thực phẩm “té nước theo... xăng”

Nhiều tiểu thương bán hàng ở một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng là khó tránh khỏi, bởi giá xăng dầu liên tục tăng kể từ đầu năm đến nay...

Giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh

Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả tại hầu hết các chợ trên địa bàn Hà Nội đang tăng mạnh, trong khi nguồn hàng nhập về các chợ vẫn dồi dào. Theo lý giải của một số tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu là do giá xăng dầu thời gian qua liên tục tăng - mới nhất là đợt tăng giá chiều 20/9 vừa qua.

Khảo sát giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm của phóng viên trong ngày 25/9 tại các chợ Thành Công, Cống Vị (quận Ba Đình), Thái Hà, Láng (quận Đống Đa), Kim Giang, Vĩnh Hồ (quận Thanh Xuân)... giá rau, củ quả tăng đột biến. Giá hành lá hiện nay lên đến 55.000 đồng/kg - tăng gần gấp 3 lần so với tuần trước. Giá các loại cải bắp, cải xanh, cà chua ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg - tăng 50% so với tuần trước. Các loại rau, củ khác cũng tăng ít nhất 20 - 30% so với cách đây hơn 10 ngày.

Giá thịt gia súc, gia cầm bán tại chợ Thành Công cũng đang rục rịch tăng. Cụ thể, giá thịt lợn mông sấn hiện ở mức từ 85.000 - 100.000 đồng/kg; nạc thăn từ 80.000 - 95.000 đồng/kg; sườn lợn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg; Gà mổ sẵn giá từ 125.000 - 145.000 đồng/kg; Vịt, ngan: 90.000 đồng/kg; Thịt bò bắp có giá 260.000 đồng/kg;

Các mặt hàng thuỷ sản tươi sống tăng cao nhất, hiện cá trắm đen: 240.000 đồng/kg, trắm thường: 130.000 đồng/kg, rô phi: 45.000 – 50.000 đồng/kg... so với đầu tuần trước. Anh Nguyễn Văn Thuỷ - tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Thành Công cho biết, hiện nay giá đang tăng liên tục nhưng hàng bán ra không được nhiều. Trung bình mỗi ngày anh chỉ bán được khoảng 40 kg thịt.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan, một người nội trợ đang sống ở Nam Thành Công (quận Đống Đa) cho biết, so với đầu tuần trước thì đầu tuần này rau xanh lên cao quá, có loại rau tăng giá gấp 4 - 5 lần, trong khi nguồn cung vẫn rất dồi dào. Các loại gạo cũng tăng khoảng 4 - 5% so với đầu tháng 9. Gạo nở 404 có giá 11.000 đồng/kg, gạo bụi sữa mềm có giá 12.500 đồng/kg, gạo Long An dẻo đang ở mức 12.000 đồng/kg.

Tự đẩy giá hàng

Hiện mặc dù giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, nhưng theo đại diện một số ban quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội, hàng ngày nguồn hàng về các chợ không hề bị khan hiếm, thậm chí là dồi dào. Tuy nhiên, theo lý giải của các tiểu thương, việc các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Hà Nội đang tăng giá mạnh như hiện nay là do giá xăng dầu thời gian qua đã liên tục tăng, khiến chi phí vận chuyển cũng tăng theo.

Theo ông Bùi Văn Thanh – đại diện Ban quản lý chợ Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội), tất cả giá cả hàng hoá bán tại chợ ban quản lý chợ cũng chỉ can thiệp được phần nào. Mỗi khi có hiện tượng tăng giá bất thường, ban quản lý chợ cũng đi thống kê, nhắc nhở các tiểu thương và báo cáo UBND quận có biện pháp nhằm bình ổn giá cả. Ông Thanh cũng nhận định, việc xăng tăng giá chắc chắn có ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá, tăng chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất, giết mổ đến chợ.

Được biết, trước tình hình giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang tăng giá mạnh như hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hoá, trên cơ sở đó để cân đối cung cầu; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc để khai thác hàng hoá đưa về Hà Nội, điều này nhằm tạo nguồn cung ổn định, lâu dài, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, xăng, dầu là một trong những nguyên liệu đầu vào của rất nhiều loại hàng hoá dịch vụ như kinh doanh vận tải, sản xuất hàng công nghiệp… Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán hàng hoá, sản phẩm là điều hợp lý theo quy luật của thị trường. Chính vì thế, để bình ổn thị trường, cơ quan quản lý phải hạn chế tối đa các trường hợp mượn cớ tăng giá xăng, dầu để tăng giá ồ ạt các mặt hàng khác

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ