Gia Lâm, Hà Nội: Ứng dụng phương pháp Montessori trong trường mầm non

GD&TĐ - Ngành giáo dục huyện Gia Lâm đã và đang tích cực bồi dưỡng đội ngũ, tổ chức chuyên đề các cấp về phương pháp Montessori và STEM trong các trường mầm non.

Các cô giáo của Trường Mầm non Dương Xá đóng vai cô trò khi kiến tập chuyên đề giáo dục về ứng dụng phương pháp Montessori và STEM trong các trường mầm non.
Các cô giáo của Trường Mầm non Dương Xá đóng vai cô trò khi kiến tập chuyên đề giáo dục về ứng dụng phương pháp Montessori và STEM trong các trường mầm non.

Ngày 14/1, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Gia Lâm đã tổ chức kiến tập chuyên đề "Ứng dụng phương pháp Montessori trong trường mầm non”. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, chương trình được tổ chức trực tiếp tại Trường Mầm non Dương Xá kết hợp trực tuyến với các điểm cầu. 

Về dự và chỉ đạo buổi kiến tập có bà Đinh Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP Hà Nội; bà Đào Chi Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục Việt Nam; bà Lê Thị Thuý Hồng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm. Tham dự chương trình còn có trên 1.600 cán bộ quản lý và giáo viên ở 100 điểm cầu tại các trường mầm non trên địa bàn huyện. 

Buổi kiến tập chuyên đề gồm hai hoạt động với đề tài "Khám phá khoa học: Hệ mặt trời" và "Làm quen với Toán: Dạy trẻ số chẵn, số lẻ trong phạm vi 10". Buổi kiến tập chuyên đề thành công đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường biết ứng dụng phương pháp Montessori trong  các giờ lên lớp với các lĩnh vực giáo dục. 

Giáo viên mầm non tại các điểm cầu trên địa bàn huyện Gia Lâm tham dự buổi kiến tập trực tuyến.
Giáo viên mầm non tại các điểm cầu trên địa bàn huyện Gia Lâm tham dự buổi kiến tập trực tuyến.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các cô giáo của Trường Mầm non Dương Xá đã đóng vai trẻ để thực hiện chuyên đề. Tuy không có trẻ nhưng các cô đã tổ chức các hoạt động rất hăng say, cuốn hút. Công tác ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori vào hoạt động giáo dục là phù hợp, nhẹ nhàng, linh hoạt nhưng vẫn mang tính sư phạm.  

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Đinh Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao công tác tham mưu với UBND huyện của Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm trong việc bồi dưỡng,  nâng cao chất lượng đội ngũ. Phòng đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năm 2021 với kinh phí khoảng 900 triệu đồng. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo địa phương với lĩnh vực giáo dục đào tạo.

"Hiện tại, cấp học mầm non của huyện đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng cho 250 cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán các nhà trường về phương pháp giáo dục Montessri  và STEM. Chúng tôi biểu dương sự nhiệt tình, tâm huyết của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên các nhà trường. Đồng thời, xin cảm ơn sự chỉ đạo, tư vấn rõ việc, trọng tâm, bám sát cơ sở của Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP Hà Nội" - bà Thúy Hồng nhấn mạnh. 

Phương pháp giáo dục Montessori được đặt theo tên của người sáng lập là một chuyên gia người Ý trong lĩnh vực triết học, nhân văn học, giáo dục học - bà Maria Montessori. Phương pháp giáo dục này giúp thúc đẩy tiềm năng của trẻ thông qua việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp với những giáo cụ học tập chuyên biệt. Kết quả của việc áp dụng phương pháp Montessori cho trẻ từ 0 - 6 tuổi một cách hiệu quả là giúp trẻ phát triển đồng đều về tư duy, khả năng thu nhận kiến thức và sáng tạo. Đồng thời rèn luyện được những kỹ năng mềm cần thiết ngay từ khi còn nhỏ như kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc độc lập và hợp tác nhóm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ