Giáo viên mầm non không "ngơi việc" khi nghỉ dịch

GD&TĐ - Trong thời gian nghỉ dịch, các giáo viên mầm non tại Hà Nội vẫn tổ chức nhiều hoạt động để duy trì sự kết nối với học sinh và phụ huynh. Nhiều mô hình cho thấy sự sáng tạo, lan tỏa tính nhân văn tới cộng đồng.

Cảnh quan sư phạm luôn được các cô giáo chăm chút.
Cảnh quan sư phạm luôn được các cô giáo chăm chút.

“Gian hàng yêu thương” hướng tới trò nghèo

Về thăm Trường Mầm non Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) những ngày đầu tháng 1/2022, dù trẻ vẫn nghỉ ở nhà nhưng không khí làm việc của các cô giáo nơi đây dường như không hề ngơi nghỉ. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Năm học 2021 - 2022, toàn trường có 850 trẻ và 97 cán bộ, giáo viên nhân viên (CBGVNV).

Hàng tuần, nhà trường vẫn tổ chức cho giáo viên các lớp quay video bài giảng, hướng dẫn gửi tới phụ huynh một số kỹ năng cơ bản phù hợp với từng độ tuổi của trẻ theo chương trình học. Nhà trường cũng thường xuyên kết nối trực tuyến với cha mẹ học sinh để nắm bắt tình hình học tập, sức khỏe của các bé. Ngoài ra, hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về mô hình STEM, Montessori hay kỹ năng công nghệ thông tin cũng được nhà trường chú trọng và tổ chức linh hoạt.

Đặc biệt, nhà trường đang triển khai chương trình “gian hàng yêu thương” nhằm mục đích gây quỹ trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, giáo viên các nhóm lớp tận dụng thời gian này để tới trường tự tay làm các sản phẩm như tranh vải đính đá, bờm tóc, túi vải, lọ hoa, tranh từ vỏ cây…

Cô Ánh Hồng, giáo viên Trường Mầm non Yên Sở tâm sự: “Khi tham gia các công việc này, bản thân chúng tôi đều cảm thấy rất vui và ý nghĩa. Để làm hoàn thành một bức tranh đá theo chủ đề về tình cảm gia đình hay cảnh sắc thiên nhiên cần sự tham gia của nhiều người. Mỗi người sẽ thực hiện một công đoạn khác nhau như làm nền, vẽ cảnh, đính đá rồi vẽ hình lên đá. Tất cả đòi hỏi sự kỳ công, cẩn thận, tỉ mỉ và tập trung”.

Theo cô Nguyễn Thị Hà, sau khi hoàn thiện sẽ rao bán sản phẩm trên các kênh khác nhau như fanpage của nhà trường, Facebook, Zalo các nhóm lớp. Điều đáng mừng là ngay khi có ý tưởng và đưa ra họp bàn, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn từ phụ huynh. Chỉ bằng những miếng vỏ cây khô, quả thông hay viên đá vô tri nhưng qua bàn tay khéo léo của các cô giáo, chúng được “thổi hồn” với nhiều màu sắc tươi mới, mang tới thông điệp đầy yêu thương về tình cảm gia đình, gần gũi với thiên nhiên. Mỗi một sản phẩm khi được phụ huynh đón nhận cũng đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng quỹ vì học sinh khó khăn.

Giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như nhập dữ liệu tiêm chủng cho người dân.
Giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như nhập dữ liệu tiêm chủng cho người dân. 

Trò ở nhà nhưng các cô không ngơi việc

Là đơn vị đạt chuẩn mức độ 2, Trường Mầm non Ánh Sao (Gia Lâm, Hà Nội) đến nay vẫn duy trì tốt các hoạt động chuyên môn theo chỉ đạo chung của ngành Giáo dục Thủ đô. Cô Lê Thị Hồng Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Toàn trường có gần 500 trẻ được chia vào 14 nhóm lớp và 48 CBGVNV. Trong hơn 8 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng khiến trẻ mầm non trên toàn thành phố không thể đến trường, các cô giáo vẫn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để kết nối, trao đổi với phụ huynh học sinh, phối hợp thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

“Dù các con vẫn phải nghỉ dịch, nhưng không vì thế mà các cô được ngơi việc. Hàng ngày, nhà trường vẫn duy trì các hoạt động như công tác vệ sinh trường lớp, cơ sở vật chất, làm đồ dùng đồ chơi hay trang trí lớp học để làm đồ chơi tự tạo. Khuôn viên trường học luôn được dọn dẹp vệ sinh, bồn hoa, vườn cây ngày nào cũng có người tưới nước đều đặn để bảo đảm không gian sư phạm luôn tươi mới. Ngoài ra, các cô cũng chủ động tham gia lớp đào tạo về kỹ năng thiết kế  bài giảng online sao cho hiệu quả. Tận dụng công nghệ vào công tác giảng dạy là một xu thế không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay”, cô Hồng Điệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các giáo viên của nhà trường cũng thường xuyên tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng. Trong thời gian qua, khi địa phương tổ chức các đợt xét nghiệm hay tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, giáo viên của trường đã tham gia hỗ trợ công tác đón tiếp, đo thân nhiệt, nhập dữ liệu tiêm chủng. Khi có đợt vận động hiến máu tình nguyện, các cô giáo cũng không ngần ngại đăng ký. Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao. Ngoài công tác chuyên môn hàng tuần thông qua việc xây dựng những video bài giảng hướng dẫn học sinh qua Zalo nhóm lớp, hình ảnh các cô giáo mầm non luôn sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ vì cộng đồng được đông đảo phụ huynh đánh giá cao.

Tương tự, Trường Mầm non Hàng Đào (Hà Đông, Hà Nội) cũng chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. cô Nguyễn Thị Phúc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hàng Đào (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho hay: Xây dựng môi trường nhóm lớp bảo đảm các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng đón trẻ đi học trở lại vào bất cứ lúc nào cũng được các cô giáo triển khai mạnh mẽ.

Chia sẻ về điều này, bà Đường Thị Lệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin: Khi trẻ nghỉ dịch,  nhiều trường mầm non được trưng dụng làm điểm tiêm chủng hoặc cách ly tập trung, các cô giáo cũng tham gia hỗ trợ cho ngành y tế trong hoạt động như hướng dẫn quy trình tiêm, nhập dữ liệu.

Công tác bồi dưỡng chuyên môn được nhà trường triển khai đa dạng, linh hoạt dưới hình thức trực tuyến. Thầy cô giỏi về công nghệ thông tin sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp về cách khai thác để xây dựng bài giảng trình chiếu Powerpoint, ứng dụng để làm đồ dùng trang thiết bị dạy học cho học sinh. Các cô đã quay và gửi video về hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ tại nhà, bảo đảm an toàn cả về tinh thần và thể chất cho trẻ.

Là phụ huynh có con học lớp 2 tuổi tại Trường Mầm non Yên Sở, chị Nguyễn Minh Phương chia sẻ: Khi con nghỉ dịch ở nhà vẫn được nhà trường gửi video hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh, cô kể chuyện và dạy hát cho các con. Các cô rất nhiệt tình để duy trì tốt sự tương tác với học sinh. Con đã có nhận thức cơ bản về sự vật, hiện tượng được nêu trong video để làm theo những gì cô hướng dẫn nên rất vui. Về kỹ năng, con đã có phản xạ tốt hơn. Chị Phương bày tỏ mong muốn các con sớm được trở lại trường học, được giao tiếp với cô giáo, bạn bè để phát triển toàn diện tất cả kỹ năng và có môi trường hòa nhập. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.