Các trường THCS cũng được yêu cầu thường xuyên bổ sung, cập nhật nội dung GDHN trong các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với đặc điểm địa phương. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung GDHN trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Xây dựng chương trình GDHN gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
Bố trí giáo viên tham gia các lớp tập huấn đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các phương thức GDHN phù hợp với tâm lý lứa tuổi và đặc điểm nhà trường. Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân giỏi tổ chức các hoạt động: Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, thi tìm hiểu về nghề nghiệp,... cho học sinh.
Tham mưu, triển khai các cơ chế chính sách đối với học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu thành lập các bộ phận kiêm nhiệm việc quản lý, theo dõi công tác GDHN, phân luồng học sinh THCS tại các phòng GD&ĐT và các trường THCS. Xây dựng mạng lưới giáo viên cốt cán làm nòng cốt cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác GDHN, định hướng phân luồng học sinh trung học của các cơ sở giáo dục có học sinh trung học…
Đối với các trường phổ thông trực thuộc Sở, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện, mỗi trường/trung tâm thành lập bộ phận kiêm nhiệm việc xây dựng kế hoạch, quản lý, theo dõi công tác GDHN, phân luồng học sinh do một lãnh đạo phụ trách.
Trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu thực hiện theo từng giai đoạn của Sở GD&ĐT, các trường phổ thông trực thuộc Sở xây dựng và triển khai kế hoạch GDHN và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT cho từng năm học. Đây là một trong các tiêu chí để xét thi đua của cá nhân và đơn vị...