Gia Lai: Ngăn chặn học sinh chế tạo, sử dụng pháo nổ

GD&TĐ - Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp học sinh mua nguyên liệu rồi chế tạo, sử dụng pháo nổ.

Công an phường Đoàn Kết phát hiện nhiều học sinh chế tạo, mua bán pháo nổ. Ảnh: LG
Công an phường Đoàn Kết phát hiện nhiều học sinh chế tạo, mua bán pháo nổ. Ảnh: LG

Dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều lời cảnh báo nhưng một số thanh, thiếu niên vẫn mua nguyên liệu, thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo sử dụng trái phép. Điều này đã gây ra những hệ quả đau lòng, nhiều trường hợp bị thương tích nặng trong lúc chế tạo pháo.

Công an phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp học sinh chế tạo pháo nổ để bán với số lượng lớn. Theo đó, công an phát hiện, bắt quả tang 2 học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ là N.P.Q. (SN 2011) và H.C.D. (SN 2012), cùng trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, mang 0,2 kg hỗn hợp tiền chất pháo nổ đi bán.

Hai học sinh khai nhận mua số hỗn hợp trên của N.Đ.H. (SN 2009, trú tại phường Đoàn Kết) để bán lại kiếm lời. Qua làm việc với H., Công an phường Đoàn Kết thu giữ thêm 17 quả pháo nổ hình trụ đã được chế tạo thành công, 45 ống làm từ giấy có hình quả pháo và 2 kg tiền chất kaliclorat, natri, lưu huỳnh, bột than cùng một số vật dụng để chế tạo pháo nổ.

Từ tháng 10/2023, H. đã lên mạng đặt mua nguyên liệu trên với tổng khối lượng 5 kg, giá 500.000 đồng. Sau đó, H. lên YouTube học cách chế tạo và làm thành công 23 quả pháo. H. đốt thử nghiệm 1 quả, bán cho một số học sinh 5 quả và còn lại 17 quả. Không chỉ vậy, H. còn bán lại thuốc cho học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ để chế tạo pháo nổ.

Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, Phó Trưởng Công an phường Đoàn Kết cho biết, hành vi mua thuốc pháo trên mạng rồi tự chế tạo rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các em và người xung quanh.

Dù có nhiều vụ cháy, nổ liên quan đến chế tạo pháo dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng các em vẫn tò mò làm theo. Để xảy ra tình trạng này một phần do phụ huynh lơ là, ít kiểm soát khi giao điện thoại cho con em sử dụng.

Theo Thiếu tá Huy, may mắn vụ việc được ngăn chặn kịp thời, chưa để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là bài học lớn cho các em và phụ huynh vì hành vi chế tạo pháo nổ mang tính chất nguy hiểm, có thể bị xử lý hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bà Ksor H’Khuyên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa cho hay, khi xuất hiện tình trạng học sinh chế tạo pháo nổ đơn vị đã yêu cầu các trường khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo với học sinh và phụ huynh về sự nguy hiểm của hành vi chế tạo pháo nổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.