Tham dự hội thảo, có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo các Vụ (Bộ GD&ĐT), đại diện các đơn vị cá nhân tham gia công tác xóa mù chữ.
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện số người mù chữ độ tuổi 15-60 là 341.914 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 52%. Một số tỉnh trong vùng có người DTTS chiếm tỷ lệ cao về mù chữ của toàn địa phương như: Kon Tum có 93,34%, Quảng Bình 88,62%, Đắk Lắk 81,79%...
Tại hội thảo, có 13 tham luận của những điển hình trong xóa mù chữ ở các địa phương. Các tham luận chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên có số người mù chữ ở đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, nhấn mạnh về điều kiện tự nhiên; điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội; nhận thức về việc học văn hóa của đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế…
Các đại biểu của các tỉnh và các đơn vị đã đề xuất và chia sẻ các biện pháp đẩy mạnh công tác xóa mù chữ có hiệu quả đối với đồng bào DTTS. Trong đó, nhiều đơn vị, nhiều cá nhân điển hình có nhiều biện pháp hay, được các đại biểu đánh giá cao, cần nhân rộng trong các địa phương.
Đại diện Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ: “Các tổ, đội Biên phòng thông qua các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ: Lo làm phải đi đôi với lo học; học chữ, học nghề để làm tốt hơn, giỏi hơn”.
Đại diện Ban phong trào, Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất cách làm xóa mù rất hiệu quả: “Hội đã thí điểm tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, sử dụng học sinh các trường dân tộc nội trú vùng cao tham gia xóa mù cho đồng bào DTTS vào dịp nghĩ hè của nhà trường”
Từ thí điểm, năm 2000, tại 7 trường đã xóa mù chữ cho được 1.273 học viên. Đến năm 2003 số học viên được xóa mù chữ là 20.000.
Hay những phương án xóa mù chữ cho đồng bào DTTS tại xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk là kết hợp học chữ với học nghề. Trong đó tập trung dạy nghề trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuyên truyền tầm quan trọng của học nghề với học chữ có nhiều lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Nhờ đó, tỷ lệ mù chữ của xã từ 15% năm 2003, xuống còn 4% năm 2013.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị trong quá trình thực hiện xóa mù chữ; đồng thời giải đáp các kiến nghị của các đại biểu gửi tới Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Việc xóa mù chữ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những vùng càng khó khăn, các cấp chính quyền càng phải quan tâm đến công tác xóa mù chữ, xem đây là hoạt động thường xuyên.
Để xóa mù chữ đạt kết quả cao, cần làm tốt công tác xã hội hóa. Có xã hội hóa, các vấn đề khó khăn như kinh phí hạn hẹp, điều tra, thống kê trong công tác... mới được giải quyết triệt để.