Ngược đời chuyện treo thưởng

GD&TĐ - Treo thưởng cho con đôi khi là áp lực cho chính cha mẹ, nhất là những gia đình có mức thu nhập vừa phải.

Treo thưởng đôi khi khiến trẻ ở những gia đình khá giả cảm thấy… nhàm. Ảnh minh họa.
Treo thưởng đôi khi khiến trẻ ở những gia đình khá giả cảm thấy… nhàm. Ảnh minh họa.

Không cần làm vẫn có quà

Nhiều trẻ thừa nhận rất thích được tặng quà. Nhưng treo thưởng để chúng phải làm một việc gì đó đôi lúc cũng… nhàm.

Nguyễn Gia Huy – học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (HN) cho biết, bố mẹ thường xuyên treo thưởng và giao nhiệm vụ nào đó. Ví dụ, con đạt điểm cao trong kỳ thi sẽ được đi du lịch. Con trông em khi bố mẹ đi vắng sẽ được mua một món đồ chơi. Con được chơi điện tử ngày nghỉ khi hoàn thành việc nhà bố mẹ giao,…

Huy cho biết, ban đầu, đó là những phần thưởng mà bản thân rất thích. Vì vậy, hơn lúc nào hết, em đều nỗ lực làm việc chỉ để mong có được phần quà đó.

Nhưng lâu dần, em này nhận ra mình không còn hứng thú với những phần quà nữa. Việc treo thưởng của bố mẹ giống như cách để người lớn quản lý. Nó không khác gì cha mẹ đang gán lên con trách nhiệm với công việc, cố ép con phải làm. Nhưng bản thân con càng cố để hoàn thành thì càng cảm thấy chán nản với những nhiệm vụ đó.

Hơn nữa, Huy nhận ra rằng, những món quà kia, nếu em không làm việc, người lớn vẫn có thể đáp ứng. Và dần dần, treo thưởng khiến em trở lên nhàm chán, không hào hứng với nhiệm vụ và cả phần quà.

Nhiều trẻ cũng nhận ra rằng, những món quà mà bố mẹ treo thưởng, đến một ngày rồi cũng sẽ được đáp ứng mà không cần làm gì. Vì thế, đối với những gia đình có điều kiện, việc coi quà là phần thưởng khi giao việc không dễ dàng gì. Nhất là khi phải chọn món quà phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Ngược lại, Lê Thị Minh Thư – học sinh Trường THCS Hòa Lâm (Hà Nội cho biết, dù không có phần thưởng, em vẫn phải làm những việc được cho là của mình.

Theo cô gái học lớp 8 này, từ nhỏ bố mẹ em đã dạy rằng, việc học là của con. Nếu con học tốt thì sau này sẽ có nhiều lựa chọn và tương lai sẽ tốt hơn. Vì vậy, bản thân em luôn nỗ lực để học tập, thực hiện được ước mơ của mình.

Còn với việc nhà, bố mẹ của Thư thường giao cho những việc phù hợp với lứa tuổi. Ban đầu, cô bé này cũng không thích, nhưng lâu dần, em hiểu đó là việc có trách nhiệm phải hoàn thành. Từ đó, mọi việc trở lên nhẹ nhàng hơn và chúng được thực hiện rất nhanh. Kể cả trông em, đối với Thư, đó là vì yêu quý và thấy mình phải bảo vệ chứ không phải vì sẽ được một cái gì đó.

Thư cũng cho biết, gia đình em không khá giả. Bố mẹ là thợ xây nên rất vất vả. Vì vậy, treo thưởng bằng những món quà thường rất hiếm. Hầu hết, em chỉ nhận được trong dịp nào đó như năm mới hoặc sinh nhật. “Nhưng em hiểu rằng, bố mẹ rất thương và nỗ lực vì các con. Khi chúng em cần gì, trong khả năng của mình, bố mẹ vẫn cố gắng đáp ứng”, Thư nói.

Nhiều gia đình có thu nhập tốt cho rằng treo thưởng cho trẻ phát triển ở nhiều quốc gia hiện đại. Theo một số nghiên cứu, ở các nước này có xu hướng treo phần thưởng cho con trong nhiều hoạt động như làm việc nhà, học tập,…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hứa bạo bỗng thành nói chay

“Có thể cha mẹ sẽ thấy những cải thiện ban đầu. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau một thời gian, phần thưởng sẽ làm giảm hứng thú khi thực hiện một nhiệm vụ. Điều này trái ngược lại với mong muốn mà phụ huynh đang tìm kiếm” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền – giảng viên tâm lý Trường CĐ Sư phạm Trung ương chia sẻ.

Thạc sĩ Huyền cũng cho rằng, treo thưởng đôi khi cũng gây áp lực cho cha mẹ khi phải nghĩ ra phần quà cho con. Thông thường, món quà càng về sau sẽ lớn dần hơn so với trước đó. Đối với gia đình có mức thu nhập vừa phải, có đôi lúc treo thưởng bỗng trở thành lời “hứa xuông”.

Nguyễn Khôi Nguyên – Học sinh Trường THPT Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, năm học lớp 9, bố mẹ hứa nếu thi đỗ vào lớp chọn sẽ mua cho điện thoại iphone đời mới. Đây là món quà mà cậu rất thích. Cũng vì động lực đó, Nguyên đã cố gắng để thi đỗ vào lớp 10 với số điểm cao. Tuy nhiên, món quà đã hứa không được bố mẹ trao tặng.

Cậu học sinh này cho biết, bố mẹ đùn đẩy nhau để trò chuyện với em về phần thưởng. Nguyên nhận được câu trả lời rằng vì dịch bệnh, công việc của bố mẹ bị ảnh hưởng lớn nên để mua iphone đời mới tốn nhiều tiền. Mẹ gợi ý con có thể đổi bằng món quà có giá trị nhỏ hơn. Còn bố thì cho rằng, mới học cấp 3 mà dùng điện thoại xịn là không phù hợp.

“Em cảm thấy hụt hẫng và không vui vẻ gì dù thi đỗ vào lớp chọn. Thành tích đó cũng không làm em tự hào. Việc bố mẹ đã hứa và không thực hiện khiến em hoài nghi về những phần thưởng sau này”, Nguyên nói.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, đây không phải là một câu chuyện quá hiếm gặp. Nhiều phụ huynh vì muốn tạo động lực cho con thực hiện những điều mình mong muốn mà đôi lúc trót “hứa bạo”. Để đến khi con làm được thì bỗng trở thành hứa xuông.

“Muốn trẻ cảm nhận được niềm vui sau khi làm tốt công việc, sự tự hào về bản thân, không thể trông chờ vào phần thưởng mà chúng muốn. Cha mẹ cũng cần cân nhắc phần quà phù hợp với con và chính điều kiện của mình. Còn nếu đã hứa, thì phải thực hiện để trẻ có niềm tin vào cuộc sống” – Thạc sĩ Huyền nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Ấm tình nẻo xa

GD&TĐ - Phan vân vê vỏ bao thuốc trên tay. Mọi lần hết thuốc là hắn đã băng sang tiệm tạp hóa bên kia đường mua, hôm nay lạ.