Đừng biến thức ăn nhanh thành “phần thưởng” cho con trẻ

GD&TĐ - Theo số liệu Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ béo phì ở trẻ em tại nội TP.HCM đã vượt 50%, Hà Nội vượt 41%. Nhiều cha mẹ thường đưa trẻ đến các cửa hàng ăn nhanh như một phần thưởng khi trẻ đạt được điểm tốt ở trườ,ng

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Để con có một nền tảng thể chất tốt, ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy chú trọng rèn con nói không với đồ ăn nhanh. 

Tác hại của đồ ăn nhanh tới trẻ nhỏ

Đồ ăn nhanh hay còn gọi là fast food, dùng để chỉ các loại thức ăn được chế biến và phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi. Ngày nay, thức ăn nhanh là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, bận rộn, nó giúp nhiều gia đình tiết kiệm thời gian nấu nướng.

Chị Nga Chu (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, không khó để bắt gặp hình ảnh những bữa tiệc sinh nhật của trẻ nhỏ được tổ chức tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Cha mẹ vẫn vô tư để trẻ vừa ăn đồ tẩm bột chiên, vừa uống nước ngọt.

Nhiều cha mẹ thường đưa trẻ đến các cửa hàng ăn nhanh như một phần thưởng khi trẻ đạt được điểm tốt ở trường.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS Mai Hằng (Viện Dinh dưỡng tự nhiên), thức ăn nhanh cung cấp năng lượng nhiều gấp 1,4 - 2,5 lần so với bình thường. Đó là chưa kể đến lượng nước ngọt mà trẻ nạp khi ăn thức ăn nhanh.

Những trẻ thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh có thể bị tăng cân nhanh, béo phì, thiếu các chất vitamin D, kẽm. Về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tim mạch, cao huyết áp, các vấn đề tăng trưởng xương, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường ở trẻ.

“Đồ ăn nhanh thường có vị mặn hơn, mùi thơm hơn thức ăn thông thường nên nhiều trẻ thích ăn và ăn rất nhiều. Đồ ăn nhanh thường không có rau, trái cây và trong quá trình chế biến các vitamin có thể bị ảnh hưởng, chỉ còn cung cấp năng lượng. Từ đó dẫn đến việc nhiều trẻ ăn thức ăn nhanh thì thừa năng lượng nhưng lại thiếu dưỡng chất”, TS.BS Mai Hằng cảnh báo thêm.

Còn theo TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm Nghệ thuật Atelier Minh, nhiều trẻ nhỏ đến khám hay bị đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu nhưng không rõ nguyên nhân. Hỏi kỹ ra mới hay các bé ăn đồ chiên xào, đồ ăn nhanh quá thường xuyên.

Nhiều cha mẹ vì lý do bận bịu, nấu ăn ở nhà mất thời gian nên cứ đẩy trẻ đến quán ăn nhanh để mình “nghỉ khỏe”, như vậy là hại trẻ.

Do cấu tạo bộ gien trong cơ thể, người Việt tiêu thụ thực phẩm chủ yếu là gạo và rau củ quả, thịt cá. Nếu chỉ ăn một hoặc vài lần mỗi tháng để thay đổi khẩu vị, tránh sự nhàm chán trong bữa ăn thì có thể chấp nhận được. Nhưng việc sử dụng thường xuyên, liên tục thì dạ dày và đường tiêu hóa không chịu nổi, sẽ có hại cho sức khỏe lâu dài của trẻ nhỏ. 

Tuyệt chiêu “rèn” trẻ không nghiện đồ ăn nhanh

Chị Thu Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ở nhà chị rất hạn chế cho con ăn đồ ăn nhanh mỗi tuần, không thưởng con bằng việc đưa con đi ăn đồ ăn nhanh. Nếu con muốn ăn thì chị sẽ tự mua nguyên liệu tươi về chế biến thay vì ăn ở cửa hàng. Chị cũng thường nói chyện với con về tác hại của việc lạm dụng đồ ăn nhanh để con biết và ý thức hơn về việc lựa chọn thực phẩm.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, việc hạn chế cho trẻ dùng đồ ăn nhanh sẽ mang lại lợi ích to lớn tới tương lai phát triển thể chất và cả tinh thần của trẻ. Để trẻ không nghiện đồ ăn nhanh, cha mẹ phải nghiêm khắc trong vấn đề ăn uống để rèn luyện ý thức cho trẻ, không thấy trẻ khóc, dỗi là lại chiều con.

Từ nhỏ, cha mẹ nên xây dựng cho con một thực đơn lành mạnh, đủ nhóm chất dinh dưỡng. Ngay từ khi trẻ đang tập ăn dặm, cha mẹ có thể giới thiệu những món ăn rau củ nhiều màu sắc đa dạng thay vì ăn đồ ăn nhanh hay đồ chiên nhiều dầu mỡ. Tuyệt đối không cho con thử các món đồ ăn nhanh rồi cho rằng đây chỉ là “đấm mồm đấm miệng” cho quen vị.

Những cái “tặc lưỡi” của người lớn, lâu dần thành quen sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện của trẻ và dễ khiến trẻ trở nên béo phì.

Trong khẩu phần dinh dưỡng của con, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn đồ luộc, hấp thay vì đồ chiên xào. Đối với các thức uống giải khát, cha mẹ không nên khuyến khích, hãy đợi trẻ lớn mới cho thử dùng.

“Trước khi cho con dùng thử đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga và đường, cha mẹ hãy chậm lại một chút để tự hỏi mình xem liệu món đó có thực sự tốt cho sức khỏe của con không, rồi hãy cho con dùng”, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh đưa ra lời khuyên.

Từ góc độ một chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS Mai Hằng cho rằng, nếu cha mẹ biết cân bằng dinh dưỡng cho con thì sẽ không có chuyện trẻ nghiện đồ ăn nhanh. Còn đối với trẻ đã lỡ mê đồ ăn nhanh thì cha mẹ cũng phải kiên nhẫn cai nghiện dần cho con.

Đầu tiên, cha mẹ hãy giảm tần suất ăn đồ ăn nhanh trong tuần với mục tiêu không quá 1 lần/tuần và giảm dần những thức ăn chiên, xào. Bên cạnh đó, khi chọn thức ăn cho trẻ thì nên chọn thức ăn luộc, hấp hơn là chiên, xào, nên chọn súp không kèm kem bơ, salad ít mỡ, nước sốt cà chua thay cho nước sốt mayonnaise và nên uống thêm nước, sữa ít chất béo thay vì các loại nước ngọt.

Cha mẹ không nên mua cho trẻ một phần đồ ăn nhanh để ăn ngay sau khi tan trường và chờ bữa cơm chính ở nhà. Mặt khác, ở nhà cha mẹ cũng phải chọn cho trẻ chế độ ăn hợp lý với nhiều chất xơ, rau xanh.

Cha mẹ cũng có thể cùng con đi dạo, tập thể dục để trẻ đốt bớt năng lượng dư thừa. Ngoài ra, nếu có thể hãy để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa cơm gia đình để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc ăn cơm nhà thay vì đi đến cửa hàng đồ ăn nhanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ