Hối hận vì đánh con

GD&TĐ - Con trai tôi là một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi rất có ý chí. Tính cách này của con làm tôi nhớ đến bản thân mình.

Hối hận vì đánh con

Tôi đã làm việc rất chăm chỉ từ khi còn nhỏ để tạo ra ranh giới vững chắc và thiết lập một cuộc sống mà tôi cho là hợp lý. Tôi kiên quyết chống lại hình phạt thể chất như một biện pháp kỷ luật thường xuyên đối với trẻ em.

Nhưng tôi đã đánh con hai lần. Và tính cách tuyệt vời của thằng bé đã không còn như vậy kể từ khi chuyện này xảy ra. Chỉ trong 3 tháng, chúng tôi đã trải qua rất nhiều thay đổi. Tôi sinh thêm con, cuộc sống trở nên bận rộn và căng thẳng hơn bất cứ thời điểm nào khác.

Trường mầm non của con trai tôi đã bước vào kỳ nghỉ hè. Các thói quen thường ngày bỗng dưng bị gián đoạn. Lần đầu tiên tôi đánh con là khi chúng tôi đang ở phòng khám của bác sĩ. Con tôi rất bướng và không chịu hợp tác, thậm chí con còn quậy phá đồ đạc trong phòng. Không thể giữ được bình tĩnh, tôi đã túm tay và đánh vào cổ tay con.

Lần thứ hai là vài ngày sau đó. Con trai tôi lại có những hành động ngỗ ngược và đánh em gái mình rất mạnh. Tôi đã hành động mà không do dự. Nhưng lần này tôi thấy tay con bị rớm máu. Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng làm với tư cách là cha mẹ và tôi đã trải qua nhiều ngày trong nước mắt.

Tôi rất xấu hổ và hối tiếc về khoảnh khắc đó hơn bất cứ điều gì tôi từng làm trong đời. Sai lầm này của tôi dẫn đến loạt hệ lụy vô cùng đau đớn và đáng sợ: con tôi thường tự đánh mình vào chân hoặc vào mặt.

Tần suất tự đánh của con đã tăng lên theo cấp số nhân. Không những thế, con đánh cả tôi, đánh em bé, đánh mẹ tôi, thậm chí cả những đứa trẻ nhỏ bên hàng xóm. Con cố gắng đánh bất kỳ đứa trẻ nào khác mà con nhìn thấy ngay cả khi chúng không nhìn thấy con và không chơi với con. Tôi còn phát hiện con không bao giờ cười khi tôi cố gắng chơi với con.

Gần đây, mẹ tôi ghé qua nhà tôi chơi. Bà rơm rớm nước mắt khi đưa cho tôi một cuốn sách nuôi dạy con cái. Bà nghĩ rằng chúng tôi đang thất bại. Bà cũng nói rằng tôi đã gây tổn hại cho con trai bằng cách đánh con, và nếu không thể xoay chuyển tình thế này, chúng tôi nên đưa thằng bé đến gặp chuyên gia tư vấn.

Mỗi ngày đối với tôi không khác gì cực hình. Tôi sống trong thấp thỏm, lo âu. Tôi biết có điều gì đó rất sai và tôi đang cố gắng suy nghĩ lại về chiến lược nuôi dạy con một cách tuyệt vọng. Tôi luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Có phải mình đã làm hỏng con mãi mãi?”.

Tôi khóc nức nở trong vòng tay của mẹ. Chờ tôi bình tĩnh lại, bà thủ thỉ: “Dù sao, đây cũng không phải điều con mong muốn. Hãy ngồi xuống với con trai của mình. Giải thích lý do tại sao thằng bé không nên đánh mình và đánh người khác. Con hãy cho thằng bé biết mức độ nghiêm trọng của hành động này.

Hãy cho thằng bé biết con rất tiếc vì đã đánh nó. Và trong tương lai, nếu tình hình khả quan hơn, con có thể cho thằng bé biết con đang nghiêm túc và từ tốn đưa ra lời cảnh báo cho nó. Con biết không, trẻ con thực sự thông minh ở tuổi này. Chúng cũng rất kiên cường.

Con nên giúp thằng bé có những tương tác nhẹ nhàng. Thường thì với những đứa trẻ mới biết đi, chúng sẽ hay đánh đập nếu chúng gặp khó khăn trong giao tiếp. Nhiệm vụ và thử thách lớn đối với chúng ta ngay bây giờ là sử dụng sức mạnh trong lời nói của chúng ta”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.