Đảm đang vợ lính Trường Sa

GD&TĐ - Chị bảo: Xem chương trình Dự báo thời tiết trên tivi, thấy dự báo có gió mùa Đông - Bắc; trời rét đậm, rét hại hoặc có gió mùa tăng cường, thì ngoài Trường Sa, biển đang cuồng sóng bão… 

Đảm đang vợ lính Trường Sa

Chị dừng lời, rưng rưng một nỗi niềm nhớ nhung. Chồng chị, anh Ngô Mạnh Tùng đang làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa từ cuối năm 2011 đến nay. Ngàn trùng xa cách, nhưng giữa 2 người luôn rực cháy tình yêu thương.

Tình yêu vượt qua thử thách

Chuyện của Lê Thanh Huyền, cô giáo Trường THPT Ngô Quyền (Thái Nguyên) làm tôi bất ngờ, bởi trong cuộc sống đời thường bây giờ, có quá nhiều người sống thực dụng, yêu thực dụng và lấy chồng cũng hết sức thực dụng. 

Còn Huyền lại khác, chị mộng mơ và chấp nhận thiệt thòi. Hơn thế, chị lấy chồng còn như một đức hy sinh về tình cảm riêng tư. Vì trong câu chuyện tình cảm của chị dành cho chồng luôn có 2 từ Tổ quốc.

Tùng quê Đại Từ. Anh về TP Thái Nguyên học ở Trường THPT Lương Ngọc Quyến. Huyền học sau Tùng 2 khóa ở trường này. Ngày Tùng nhập ngũ, Huyền cũng chưa biết tặng cho anh một bông hồng đỏ, chỉ e ấp ôm cặp sách vào ngực mình, bối rối. 

Rồi anh được điều động vào Vùng 4 Hải quân (Khánh Hòa), làm nhiệm vụ ở Quân cảng Cam Ranh. Năm 2004, Tùng trong quân ngũ, Huyền là cô sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Truyền thông. Tuổi trẻ đầy mộng mơ, ngày nào giữa 2 người cũng gửi cho nhau từng dòng tin nhắn, rồi một ngày Tùng nói lời yêu.

Biết con gái mình đang mang tình yêu với một người lính đang làm nhiệm vụ ở nơi xa, bố mẹ Huyền ban đầu cũng không hài lòng. Nhưng bao lời phân tích hơn, thiệt khi làm vợ bộ đội của bố, mẹ dành cho, Huyền chỉ cúi đầu, thưa: Con yêu anh ấy, con không thể sống thiếu anh.

Khuyên bảo con gái như thế, nhưng trong lòng ông Đạm, bà Hòa luôn tự hào về cách lựa chọn của con gái mình. Bà Hòa bảo: Tôi là vợ bộ đội, tôi hiểu, nên tôi nói trước để sau này con gái mình không hụt hẫng. 

Còn ông Đạm cho biết: Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, cụ thân sinh ra tôi là cán bộ Tiền khởi nghĩa. Tôi cũng đã tham gia phục vụ trong quân đội, lại là thương binh, nên lẽ nào tôi không quý anh con rể là bộ đội.

Yên lòng người lính đảo xa

Đầu năm 2010, đám cưới giữa cô giáo Trường THPT Ngô Quyền và anh lính Quân cảng được tổ chức. Đám cưới giản dị, có hoa tươi, bạn bè, họ mạc 2 bên cùng những lời chúc phúc. Sau tháng phép, Tùng trở về đơn vị, còn Huyền ở lại cùng bố mẹ để thuận lợi việc đi lại trong công tác.

Bạn bè vui đùa: Huyền lấy chồng vẫn như gái còn son, vì không bị cái “ách” gông vào cổ, đi đâu, làm gì đều một mình. Bạn bè nói thế, Huyền không buồn. 

Dù trong thâm tâm chị luôn có ước mơ: Hằng ngày, hết giờ làm việc ở trường, trở về nhà có vợ có chồng, tíu tít thổi nấu, dỗ dành con. Nhưng chị bảo với mọi người: Nếu ai cũng dành cho mình cái chăn hẹp, thì Tổ quốc ai người canh giữ.?

Cuối năm 2011, Tùng được điều động ra đảo Trường Sa lớn, làm nhiệm vụ sửa chữa ra đa. Cái gia đình nhỏ bé “ở 2 đầu nỗi nhớ” vẫn gắn kết với nhau qua cánh sóng vượt ngàn trùng biển xô. 

 uyền cho biết: Tối nào cũng thế, trước lúc đi ngủ, 2 mẹ con lại a lô cho bố ngoài Trường Sa. Mỗi lần nghe bé Trang bi bô trò chuyện với bố, tôi lại kiềm lòng để dòng nước mắt không rơi chảy. 

Nhưng bù lại, tôi được sống trong sự đùm bọc yêu thương của bố, mẹ 2 bên gia đình. Ở nơi công tác, thủ trưởng cũng như các đồng nghiệp luôn tạo cho tôi được thuận lợi trong chuyên môn. 

Nhờ đó, tôi yên tâm, gắn bó với trường, lớp và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua và Công đoàn Nhà trường xét đạt danh hiệu phụ nữ 2 giỏi. Tôi coi đó là món quà quý giá gửi tặng chồng nơi đảo xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.